Khánh thành Đền Choọng ở miền Tây xứ Nghệ
(Dân trí) - Ngày 12/7/2014, Ban chỉ đạo phục dựng và tôn tạo Đền Choọng (xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) chủ trì phối hợp với Hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa huyện đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành Đền Choọng giai đoạn I.
Ngày 8/7/2011,Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An đã có công văn số 1136/SVHTTDL-DSVH đồng ý phục hồi, tôn tạo Đền Choọng xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp. Và ngày 8/1/2014, UBND huyện Quỳ Hợp đã tiến hành khởi công, phục dựng Đền Chọong. Đến nay, qua hơn 7 tháng thi công giai đoạn I, Đền Choọng đã cơ bản hoàn chỉnh trong điều kiện kinh tế khó khăn. Ông Nguyễn Giang Hoài – Chủ tịch Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện chia sẻ: “Giai đoạn từ đầu năm 2014 cùng với cả nước nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí giai đoạn đầu của công trình do sự đóng góp về tiền mặt cũng như công sức, máy móc thiết bị, vật liệu trong quá trình thi công xây dựng và bằng các hiện vật khác của các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm, đặc biệt là sự đóng góp tích cực của các thành viên Hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa huyện Quỳ Hợp”.
Được biết, công trình được quy hoạch xây dựng trên tổng diện tích 91.956m2, gồm các hạng mục: Thượpng điện, Hạ điện, Tả vu, hữu vu, Tam quan, Cổng tứ trụ, sân, đường lên hạ điện, thượng điện; Cầu, đường, sân bãi và các công trình phụ trợ khác.
Công trình do Công ty CP Bảo tồn di sản văn hóa Việt thiết kế kỹ thuật. Tổng mức đầu tư dự kiến 50 tỷ đồng. Riêng công trình Thượng điện diện tích xây dựng 200m2; dự kiến kinh phí 7 tỷ đồng; nhà gỗ nhóm 2, kiểu nhà hình chữ nhật, cột kê đá táng.
Giai đoạn I của công trình đã phục dựng, tôn tạo Đền Choọng gồm: Thi công nhà Thượng điện; Nội thất trong nhà Thượng điện, sân vườn và đường lên đền cao hàng trăm mét đã được hoàn chỉnh.
Theo nghiên cứu bước đầu, Đền Choọng được xây dựng cách đây gần 600 năm. Đền thờ Nang Phốm Hóm - người con gái Thái có công giúp nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh trong giai đoạn 1424 - 1425, khi nghĩa quân dừng chân ở Mường Choọng để tuyển mộ binh sỹ, gom góp lương thảo và tiến đánh thành Trà Lân (một địa danh thuộc huyện Con Cuông ngày nay) trong chiến dịch giải phóng miền tây Nghệ An.
Trải qua thăng trầm lịch sử, hiện Đền Choọng không còn nữa, tuy nhiên trên nền đất Đền xưa vẫn còn có 14 hòn tảng kê chân cột, tại nhà ông Vi Văn Hương (bản Choọng) còn lưu giữ hương án, xác tán lọng vàng, và một số hiện vật thờ cúng liên quan đến ngôi đền.
Đền Choọng tọa lạc ở trung tâm Mường Choọng xưa- mảnh đất địa linh nhân kiệt, non nước hữu tình với tài nguyên thiên nhiên và đời sống tinh thần vô cùng phong phú. Lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất này gắn bó hữu cơ với cả vùng Thanh- Nghệ- Tĩnh nói chung và miền tây Nghệ An nói riêng. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Đền Choọng nay không còn nữa, nhưng dấu ấn văn hóa tâm linh của Đền Choọng thì mãi còn đây, hằn in trong thẳm sâu tâm thức của người dân Mường Choọng và tất cả những ai nặng lòng với nguồn cội xa xưa nơi mảnh đất này. Có thể nói rằng Đền Choọng mãi là một phần không thể tách rời trong tổng hòa các yếu tố văn hóa- lịch sử, định hình nên nét bản sắc riêng của mảnh đất và con người Mường Choọng nói chung và Châu Lý nói riêng. Những văn tự cổ, những sắc phong của Đền Choọng xưa nay không con nữa, vì vậy quá trình sưu tầm, nghiên cứu về lịch sử Đền Choọng gặp rất nhiều khó khăn. Song với tấm lòng hướng về nguồn cội, góp nhặt, xâu chuỗi những mảnh vở của lịch sử qua những gì còn sót lại như huyền thoại Nang Phốm Hóm, câu chuyện kể của những nhân chứng là già làng, người nhiều tuổi đã từng tham gia tế lễ ở Đền Choọng xưa và những hiện vật thờ cúng, kiến trúc, địa danh… liên quan đến ngôi đền sẽ giúp lý giải Đền Choọng ra đời từ khi nào? Đền Choọng thờ ai? Và cả hình thái kiến trúc cũng như cách thờ cúng ở Đền Choọng năm nào. Danh xưngMường Choọngcó từ cách đây gần 600 năm (1425). Ngày ấy nghĩa quân Lam Sơn trong hành trình giải phóng miền Nghệ An đã dừng chân trên mảnh đất này để chiêu mộ binh sỹ, gom góp lương thảo, cảm kích trước tấm lòng mến khách cũng như những đóng góp của bà con dân tộc Thái trong vùng, nghĩa quân đã đặt tên cho vùng đất này làMường Choọng- nghĩa tiếng Thái là trọng người mến khách. Dân cư Mường Choọng xa xưa chủ yếu là dân tộc Thái - nhóm Tày Mường hay còn gọi là Tày Chiềng. Đây là nhóm quan trọng nhất và cư trú sớm nhất so với các nhóm Thái khác ở miền núi Nghệ An. |