Khánh Ly tìm đến phố Trịnh Công Sơn
Về nước chuẩn bị cho show diễn tại Đà Nẵng, dù chỉ có mấy giờ đồng hồ ghé thăm Hà Nội nhưng từ sân bay, ca sĩ Khánh Ly đã về thẳng con phố mới mang tên cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với nhiều cảm xúc.
Ca sĩ Khánh Ly từng hồi hộp chờ đợi giây phút được bước đi trên con phố mang tên cố nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn. Ảnh: Tuấn Phạm
Có mưa tầm tã vẫn tìm đến
“Tôi hạnh phúc biết mấy khi trở về Hà Nội vào những ngày đầu tiên của mùa thu. Có đi trong nắng chiều, ngắm những hàng cây vút cao lúc mặt trời như đậu xuống thì mới thấy hết vẻ đẹp của mùa thu như trong nhạc Phú Quang, Thanh Tùng… như cách ông tả “hàng cây thắp nến lên hai hàng”, mở đầu cuộc trò chuyện với báo chí chiều 9/9 sau khi đến thăm phố Trịnh Công Sơn như thế.
Ca sĩ Quang Thành, quản lý của ca sĩ Khánh Ly cho biết, lúc ở bên Mỹ, biết tin Hà Nội mới có , bà luôn giục anh tập hợp tất cả những bài báo, hình ảnh, clip về lễ gắn biển tên con đường và ngồi hàng giờ xem đi, xem lại. “Bà luôn hỏi tôi bao giờ có thể về Hà Nội thăm con phố này. Bà sợ cảm giác không rõ mình phải chờ đợi đến bao giờ vì làm sao biết được ngày mai có còn trên cuộc đời này không. Thế nên, bà nhất định từ Mỹ phải về Hà Nội trước, rồi sau đó mới vào Đà Nẵng chuẩn bị show diễn. Máy bay vừa hạ cánh, bà đã quyết tâm kể cả trời có mưa tầm tã thì bà vẫn phải đến ngắm con phố”, ca sĩ Quang Thành chia sẻ.
Ca sĩ Khánh Ly cạnh biển tên phố Trịnh Công Sơn. Ảnh: Thúy Hằng
Trong bộ quần áo trắng, mảnh vải buộc tóc trắng đã được chuẩn bị từ những ngày trước đó, ca sĩ Khánh Ly hồi hộp chờ đợi giây phút được bước đi trên con phố mang tên cố nhạc sĩ tài danh. Khi được giới thiệu đây chính là phố Trịnh Công Sơn thì nữ danh ca hơi sững lại: “Ơ! Thế này làm sao mà nói thơ mộng và đẹp được?”.
Trước mắt, bà chỉ trông thấy những người bán hàng đang lúi húi căng bạt che cho quán, con phố nhỏ ven hồ buổi trưa cũng vắng hoe. Rồi cả Khánh Ly cùng ông bầu, người quản lý chợt phát hiện ra họ đang đi ngược từ phía cuối con phố. Dần dần, những tán bằng lăng, những mái nhà xinh xắn mới lộ ra và Khánh Ly đứng cạnh biển tên phố, nở nụ cười rạng rỡ.
“Có người hỏi tôi, sao không thấy bùi ngùi, xúc động, nhưng giây phút ấy tôi hạnh phúc như được gặp lại ông Trịnh Công Sơn. Càng ý nghĩa hơn khi bấy giờ tôi đã được đặt chân trên cả ba con phố mang tên ông ở Huế - TPHCM - Hà Nội. Ông Sơn xứng đáng nhận được sự tưởng nhớ, trân trọng, yêu thương của người dân mọi vùng miền”, ca sĩ Khánh Ly nói.
Tấm thịnh tình của người Hà Nội
Phố Trịnh Công Sơn tại Hà Nội (ảnh Google Map).
Ca sĩ Khánh Ly cũng tâm sự, cuộc đời bà luôn ám ảnh về những con đường. “Ở Cali (Mỹ) không có mùa thu, ra đường chỉ thấy toàn bê tông, xa lộ. Ngày chồng tôi còn sống, mỗi lần đi cùng tôi, ông ấy thường chọn con đường nào để tôi có thể nhìn thấy nhà cửa, cây trái mà luôn nói rằng đường đó dành cho tôi. Ngay cả ông Trịnh Công Sơn cũng vậy, mỗi ngày chỉ ngủ chừng 2 tiếng, buổi sáng thức dậy luôn đứng trên ban công nhìn những con đường buổi sáng để cảm giác được sự bình yên, xao động của đời sống”, ca sĩ Khánh Ly chia sẻ.
Về cảm xúc với con phố mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – em gái cố nhạc sĩ tâm sự: “Con phố mang tên anh Sơn thể hiện tấm thịnh tình cũng như tâm hồn của người Hà Nội mà gia đình chúng tôi hết sức trân trọng. Có thể, một số người mến mộ anh sẽ muốn một con đường lớn hơn, lộng lẫy hơn nhưng chúng tôi thấy con phố nhỏ ven Hồ Tây này “rất” Trịnh Công Sơn, xét về nhiều khía cạnh”.
Có mặt tại gắn biển tên phố Trịnh Công Sơn, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh bày tỏ sự thấm thía trước sự tâm huyết của nhóm trí thức Hà thành như: Nhà sử học Dương Trung Quốc, đạo diễn Trần Văn Thủy, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, nhạc sĩ Thụy Kha… đã góp phần vận động để con phố nhỏ sớm mang tên cố nhạc sĩ.
“Ngày con phố được gắn biển tên, nhóm “sĩ phu Bắc Hà” ấy người còn, người mất. Gia đình chúng tôi bấy giờ mới có dịp tìm hiểu, đọc những lá thư, bài viết tâm huyết xung quanh việc đặt tên cho con phố này. Niềm cảm động này thật khó để diễn tả”, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh nói.
Theo ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, phố Trịnh Công Sơn ở Hà Nội có nhiều điểm thú vị. Đó là con phố nhỏ nối hai đường Lạc Long Quân và Âu Cơ. Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh nói: “Trước kia, anh Sơn từng có giấc mơ làm một dự án với hình tượng quả trứng – biểu trưng cho cội nguồn của dân tộc nên những người nhớ anh hầu hết đều “giật mình” khi nhận ra sự trùng hợp ngẫu nhiên ấy. Nếu mọi người có dịp dạo bước trên con phố này, quan sát kỹ thì sẽ phát hiện ra một điểm thú vị nữa đó là chiếc cổng cổ ven đường ghi năm 1939. Đó là năm sinh của anh Sơn. Tôi thấy điều đó cảm động và thật tuyệt vời”.
Theo Thùy Phương
Báo Gia đình & Xã hội