Khan hiếm văn học dành cho thiếu nhi, hệ lụy không nhỏ?

(Dân trí) - “Chúng ta phải trồng người bắt đầu ngay từ bây giờ, để 10, 20 năm sau, thậm chí là 100 năm sau chúng ta có được những công dân tốt”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói.

Ngày 26/6, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Nhà văn Việt Nam ký kết chương trình phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về văn học giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Lễ ký kết nhằm tăng cường phối hợp trong công tác quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật các tỉnh/thành phố hoạt động theo định hướng, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn học nghệ thuật.

Khan hiếm văn học dành cho thiếu nhi, hệ lụy không nhỏ? - 1

NSND Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn và Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam thực hiện kí kết ngày 26/6.

Đây cũng là sự kiện đưa ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật phát huy tốt nhất khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, nhằm sáng tạo ra được nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao.

“Trong thời gian tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn nghiên cứu tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách về hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn học phù hợp với thực tiễn. Trước mắt, giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện có hiệu quả các hoạt động đề ra trong chương trình phối hợp đã ký kết. Hàng năm, cần tập trung đánh giá cụ thể kết quả đạt được, khắc phục khó khăn để chương trình phối hợp thực sự có hiệu quả”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu.

Khan hiếm văn học dành cho thiếu nhi, hệ lụy không nhỏ? - 2

1.    Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại Lễ kí kết.

Tại lễ ký kết, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nêu trăn trở về những chuyện đau lòng do sự suy đồi đạo đức gây ra, trẻ em mỗi ngày một xa rời những điều tốt đẹp. Việc đào tạo, xây dựng con người văn hóa được đặt ra cấp thiết.

“Chúng ta phải trồng người bắt đầu ngay từ bây giờ, để 10 năm, 20 năm sau, thậm chí là 100 năm sau, chúng ta có được những công dân tốt. Mà muốn có được điều này thì văn học nghệ thuật, đặc biệt là văn học dành cho thiếu nhi cần phải được quan tâm phát triển”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

Ông chia sẻ thêm về tình trạng khan hiếm sách cho thiếu nhi và hầu hết các cuốn sách văn hóa thiếu nhi đều được dịch từ văn học nước ngoài. Những sách dịch dù sao cũng có sự khác biệt về văn hóa...

Khan hiếm văn học dành cho thiếu nhi, hệ lụy không nhỏ? - 3

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam cho rằng, hiện nay chúng ta đã đủ ăn nhưng lại rất thiếu tinh thần cảm thông và đức hạnh. 

Ông khẳng định: “Chưa bao giờ tôi thấy văn học cần thiết như bây giờ. Tôi mong rằng, với sự hợp tác ký kết này, chúng ta sẽ làm được nhiều điều hơn nữa, nhất là việc phát triển văn học thiếu nhi Việt Nam”.

Trước vấn đề này, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Nguyễn Quang Vinh bày tỏ: “Với sự ký kết giữa Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Hội Nhà văn Việt Nam là một việc làm cần thiết, hỗ trợ, quan tâm tới phát triển hoạt động sáng tác văn học là điều nên làm. Đặc biệt trong chương trình ký kết nhắc tới văn học thiếu nhi. Đây là điều thực sự đang thiếu trong thời điểm hiện tại, bởi chúng ta viết cho thiếu nhi ngày hôm nay có nghĩa là vẽ ra con đường tương lai của thế giới. Tôi nhận thấy vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, ở đây là Cục Nghệ thuật Biểu diễn phải tích cực phối hợp, tham gia và thúc đẩy, cụ thể hoá các ý tưởng sáng tác trong văn học”.

Khan hiếm văn học dành cho thiếu nhi, hệ lụy không nhỏ? - 4

NSND Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn đánh giá sự quan trọng của hoạt động sáng tác văn học cho thiếu nhi.

Có mặt trong sự kiện, nhà văn Chu Lai cũng đánh giá đây là lễ ký kết nhân văn và ý nghĩa. Theo nhà văn Chu Lai, khi xem một vở kịch hay một bộ phim, khán giả đều đánh giá, nhận xét xem bộ phim đó, vở kịch đó có tính văn học hay không. Vì vậy, theo ông văn học là một yếu tố rất quan trọng trong cuộc sống. “Điều cần làm là phối hợp độ lắng của văn chương với sự rộn ràng tưng bừng của các lĩnh vực khác”, nhà văn Chu Lai nói.

Nguyễn Hằng

Ảnh: Thùy Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm