Khán giả khóc khi xem vở chèo "Mưa đỏ" do NSND Thúy Mùi đạo diễn
(Dân trí) - Vở chèo "Mưa đỏ" kể về cuộc chiến anh dũng của quân và dân ta khi bảo vệ thành cổ Quảng Trị do NSND Thúy Mùi đạo diễn gây xúc động với người xem.
Tối 22/7, tại Nhà hát thành phố Hải Phòng, vở chèo Mưa đỏ ra mắt khán giả. Tác phẩm được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Chu Lai, đạo diễn là NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, tác giả Đức Minh chuyển thể kịch bản, âm nhạc do NSƯT Đào Tuấn Hải phụ trách, NSƯT Đạt Tăng là họa sĩ…
Theo đó, vở diễn hướng tới kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023), đồng thời vở diễn nằm trong kế hoạch "sáng đèn" vào hai ngày cuối tuần của Sở Văn hóa, Thể thao Hải Phòng.
Vở diễn Mưa đỏ lấy bối cảnh là cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ở đó, bên cạnh sự khốc liệt của chiến tranh còn có những phút giây đầy chất thơ của những người lính trẻ. Ước mơ tuổi trẻ vẫn tiếp tục được thắp lên và sự hào hoa của những chàng trai miền Bắc vẫn sáng bừng lên giữa mưa bom bão đạn.
Ở đó có tình yêu rất đẹp của chàng trai Hải Phòng (Cường do Nhật Hóa thủ vai) với O du kích gốc Bình Trị Thiên (Hồng do Thùy Dương đảm nhiệm). Có cả những bức thư đầy thiết tha và nỗi niềm của người mẹ có con ở phía bên kia chiến tuyến.
NSND Thúy Mùi chia sẻ, cách đây không lâu, nhà văn Chu Lai có viết kịch bản sân khấu gửi tham gia giải về kịch bản do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức, chị có đọc. Chị thấy, ngôn ngữ văn chương trong các tác phẩm của Chu Lai rất đặc biệt. Khi đọc kịch bản Mưa đỏ, chị đã yêu thích ngay từ giây phút đầu và có ý nghĩ sẽ dựng kịch bản này thành một vở diễn thật hay.
"Khi biết tôi có ý định làm vở chèo Mưa đỏ, anh Chu Lai rất bất ngờ. Trước khi bắt tay dựng vở này, chúng tôi cũng phải ngồi nói chuyện rất kỹ với nhau. Vì kịch bản anh ấy viết rất nhiều chất liệu, nhiều lớp lang nhưng với thời lượng của sân khấu ước lệ như nghệ thuật chèo thì chúng tôi không thể mang lên được hết tất cả.
Và chúng tôi đã thuyết phục được anh Chu Lai cho phép lược bỏ một số phần, chỉ lấy những gì tinh túy nhất của kịch bản nhưng vẫn kể được toàn bộ câu chuyện và truyền tải trọn vẹn thông điệp.
Anh Chu Lai có giao hẹn với chúng tôi là cắt gọt đoạn nào cũng được nhưng không được phép bỏ đi sự xuất hiện và cuộc đối thoại của hai bà mẹ ở phần cuối. Bởi chính đoạn này mới là chủ đề tư tưởng cốt lõi của cả vở diễn", NSND Thúy Mùi kể lại.
Theo NSND Thúy Mùi, hai diễn viên chính trong vở Mưa đỏ cũng có cách diễn đặc biệt để chinh phục khán giả. Nam chính là được giao cho Nhật Hóa - một giọng ca có thực lực ở Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa được nghệ sĩ Thúy Mùi mời, nam diễn viên chỉ có 10 ngày chuẩn bị sau khi nhận kịch bản. Nữ chính do Thùy Dương đảm nhiệm.
Theo đó, đêm diễn đầu tiên tại Nhà hát thành phố Hải Phòng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả. Với sự dàn dựng chắc tay của đạo diễn, cùng với sự chuyên nghiệp của diễn viên, vở diễn có nhiều cảnh lay động tình người. Nhiều khán giả rơm rớm nước mắt khi xem đoạn diễn hay và xúc động của vở.
Ngồi phía dưới hàng khán giả, nhà văn Chu Lai chăm chú xem vở kịch. Ông chia sẻ, mình hài lòng với những thể hiện của các diễn viên và đạo diễn.
"Nếu ở kịch nói, Mưa đỏ là sấm chớp vang trời thì ở chèo Mưa đỏ lắng sâu, yên ả nhưng vẫn giữ được hào khí của một thời trận mạc. Tôi thực sự rất hài lòng với phiên bản Mưa đỏ của sân khấu chèo.
Đặc biệt nhất là hình tượng hai người mẹ xuất hiện trong nghĩa trang để cùng xóa bỏ thù hận, hướng tới tương lai. NSND Thúy Mùi đã xử lý đoạn kết này rất khéo léo, tinh tế và xúc động", nhà văn Chu Lai nhận xét.
Bà Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng - cho hay, Mưa đỏ chính là lời tri ân đặc biệt trong tháng 7 cả nước hướng về các hoạt động đền ơn đáp nghĩa.
"Vở diễn nằm trong chủ trương sáng đèn Nhà hát thành phố do Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng chủ trì. Để nhà hát không chỉ là địa điểm tham quan du lịch mà còn là nơi duy trì định kỳ, là điểm hẹn quen thuộc của khán giả và du khách đến thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật.
Sự chuyển biến thể hiện ở chỗ từ ngại ngần đến rạp hát sang hào hứng đặt vé online, khán giả đã dần quen với điểm hẹn sân khấu cuối tuần. Theo tôi, đề án sân khấu truyền hình, kế hoạch sáng đèn Nhà hát thành phố do Sở chủ trì đem lại đời sống tinh thần phong phú hơn cho người dân đất Cảng và du khách", bà Hoàng Mai chia sẻ.
Theo đó, sau đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hải Phòng ngày 22/7, ngày 30 và 31/7 tới, Mưa đỏ sẽ được diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tiếp đó, tác phẩm sẽ mang đi diễn cho công nhân ở các khu công nghiệp và một số chương trình xã hội thời gian tới.