Khám phá phim trường cổ bị chôn trong sa mạc
(Dân trí)- Trong 90 năm, các đụn cát vùng Guadalupe-Nipomo đã ẩn giấu một bí mật liên quan tới di tích của một phim trường khổng lồ, được xây dựng bởi một trong những nhà làm phim gây ảnh hưởng nhất của Hollywood.
Một phim trường rộng lớn mô phỏng thành phố Ai Cập cổ đại đã được chôn vùi trong sa mạc California, Mỹ.
Nằm trên khu vực dài hơn 35km ở bờ biển miền trung California, khu vực này đóng vai trò quan trọng trong bộ phim "The Ten Commandments" (tạm dịch: Mười điều răn của Chúa), một thiên sử thi kinh điển của Cecil B. De Mille sản xuất năm 1923. Tuy nhiên khi các kí ức về quá trình sản xuất dần bị lãng quên cũng là lúc cả thành phố của DeMille biến mất.
"DeMille đã cho chôn vùi cả một bảo tàng phim ảnh ở Guadalupe và hiện nay chúng tôi chỉ mới bắt đầu đào bới kho báu đó", nhà sản xuất phim Peter Brosnan cho biết. Ông là người thực hiện bộ phim tài liệu có tên là " Thành phố bị lãng quên của Cecil B. DeMille ". Bộ phim tái hiện chi tiết lại cuộc tìm kiếm và khai quật phim trường kéo dài suốt hàng chục năm của ông. Và một phần trong số kho báu bị lãng quên đó sẽ được trưng bày tại Trung tâm Guadalupe-Nipomo Dunes.
Một số thành viên của gia đình Nakamura Guadalupe đứng trên một phần phim trường “Mười điều răn của Chúa” của đạo diễn Cecil B.
Được biết tới nhờ dàn diễn viên đông đảo, bối cảnh khổng lồ và các hiệu ứng đột phá, bộ phim " The Ten Commandments" là sự kết hợp câu chuyện trong Kinh thánh về Moses và cuộc trốn thoát của dân tộc Do Thái khỏi Ai Cập cùng với câu chuyện hiện đại về 2 người anh em ganh đua vì một cô gái.
"Với dự án này, DeMille cần phần ngoại cảnh tại sa mạc và Biển Đỏ", Brosnan nói, nhưng quay phim ở Trung Đông là quá tốn kém. Trong khi đó, "Guadalupe có thể cung cấp cho ông mọi thứ cần thiết về mặt hình ảnh".
Bộ phim được công ty Famous Players-Lasky Corp. (ngày nay là Paramount Pictures) cung cấp kinh phí 750 nghìn USD (tương đương với hơn 10 triệu USD ngày nay). Vào tháng 5/1923, công việc xây dựng phim trường bắt đầu. Gần 1500 công nhân, hầu hết là dân địa phương đã bỏ ra 6 tuần để xây cả một thành phố Ai Cập cổ đại dựa trên thiết kế của Paul Iribe. Có 4 bức tượng Ramses II, mỗi tượng cao 11m đứng trước cánh cổng cao gần 40m, cùng với đó là 21 tượng nhân sư, mỗi tượng nặng 5 tấn được xếp dọc theo con đường dẫn tới lối vào. "Tất cả những thứ này đều diễn ra trước thời đại có kĩ xảo máy tính do đó nếu bạn muốn có một thành phố lớn, bạn sẽ phải xây dựng nó", Brosnan giải thích.
Có khoảng hai mươi mốt nhân sư được đặt để bảo vệ lối vào thành phố Cecil B. DeMille của các Pharaoh.
Khu ăn nghỉ dành cho hơn 2000 thành viên đoàn làm phim cũng không kém phần ấn tượng. Các binh sĩ Mỹ đảm nhiệm vấn đề hậu cần như cung cấp nhu yếu phẩm và vận chuyển. Theo Robert S. Birchard, cựu giám đốc tổ chức bảo tồn Hollywood Heritage Inc., thời tiết xấu và nhiều yếu tố khác đã kéo dài thời gian thực hiện cũng như làm tăng ngân sách cho bộ phim, khiến DeMille phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ ngân hàng A.P. Giannini. Chi phí của bộ phim vào thời điểm công chiếu ngày 4/12/1923 là 1.4 triệu USD. May mắn là bộ phim đã thu được hơn 4 triệu USD, khiến nó trở thành một trong những bộ phim câm thành công nhất. DeMille sau đó tiếp tục làm 3 bộ phim sử thi theo Kinh thánh lần lượt là The King of Kings (1927), The Sign of the Cross (1932) và Samson and Delilah (1949) trước khi quay trở lại câu truyện của mình với bộ phim cuối cùng "The Ten Commandments" (1956).
Brosnan lần đầu tiếp xúc với huyền thoại về bộ phim "The Ten Commandments" là vào năm 1982 khi đang ở Los Angeles cùng một người bạn của mình. Ông nhớ lại: "Một đêm, sau một chầu bia, anh ta kể cho tôi câu chuyện điên rồ về việc Cecil B. DeMille chôn cất tượng nhân sư ở giữa California. Chúng tôi nghĩ ra một ý tưởng tuyệt vời cho bộ phim tài liệu. Chúng tôi sẽ tìm nó, khai quật và quay phim lại, sau đó phỏng vấn những người từng làm tại đó". Brosnan liên hệ ông chủ của Far Western Tavern tại Guadalupe, sau đó được sắp xếp để tới khu vực phim trường vào tháng 6/1983. Ông nói: "Và đó là khi tôi nhận ra DeMille không chỉ chôn tượng nhân sư, ông ấy chôn cả phim trường ở đó".
Brosnan cho rằng có 2 lí do khiến DeMille phá dỡ và chôn cả phim trường thay vì vận chuyển nó về Los Angeles. Thứ nhất là do chi phí quá cao, nên ông đã chọn cách nhanh hơn là chôn cả phim trường. Lí do thứ 2, theo Brosnan: "Ông ấy biết rằng nếu ông để nguyên cả phim trường, ngay hôm sau sẽ có người tới quay phim trên phim trường của ông và họ sẽ công chiếu phim chỉ sau vài tuần. Ông ấy bảo vệ công sức của mình bằng việc phá bỏ nó".
Các công nhân trong quá trình hoàn thiện các bức tượng nhân sư của phim trường “The Ten Commandments”.
Brosnan quyết tâm khai quật được bí mật của DeMille. Vào năm 1990, ông và nhà khảo cổ John Parker mở một cuộc thăm dò khu vực này nhờ công nghệ radar xuyên lòng đất. "Chúng tôi hi vọng sẽ trở lại vào năm sau đó", Brosnan kể lại. Nhưng khi họ giải quyết xong vấn đề giấy tờ với Sở Kế hoạch và Phát triển Santa Barbara thì cũng là lúc tiền đầu tư cạn kiệt.
"Dự án đã chết. Vào thời điểm đó, Parker và tôi đã từ bỏ nó. Chúng tôi tiếp tục cuộc sống của mình". Trong 20 năm tiếp theo, Brosnan có gia đình và một cuộc sống yên ổn. Nhưng sự đam mê với "The Ten Commandments" của ông vẫn không hề suy giảm. "Những gì xảy ra là điều chúng tôi không ngờ đến: Các phóng viên liên tục gọi tới. Nó trở thành một câu chuyện vô cùng thu hút", Brosnan nói. Vào tháng 3/2010, vài ngày sau khi báo Los Angeles Times đưa tin về dự án, một người phụ nữ ở Austin, Texas đề nghị tài trợ cho cuộc khai quật. "Một ngày trước khi chúng tôi bắt đầu công việc (tháng 9/2011), Sở Kế hoạch và Phát triển cho rằng họ đã tạo ra một sai lầm và quyết định dừng dự án. Chúng tôi phải bắt đầu từ đầu".
Rất nhiều hiện vật thuộc về phim trường “The Ten Commandments” được tìm thấy dưới Guadalupe-Nipomo Dunes.
Vào tháng 10/2012, Brosnan trở lại khu vực phim trường với một nhóm nhà khảo cổ. "Sau tất cả mọi chuyện, được thấy những thứ xuất hiện từ dưới lớp cát thật tuyệt vời", nhà làm phim cho biết, đồng thời cho biết là hầu hết mọi thứ "đều trong tình trạng rất tốt".
Sau khi các hiện vật được lau rửa, phơi khô và bọc một lớp bảo vệ đặc biệt, chúng sẽ được trưng bày ở Trung tâm Dunes, một trong những nhà tài trợ lâu năm của dự án. Trong triển lãm "Lost City of DeMille", các hiện vật được trưng bày gồm tiền xu, đồ nội thất gỗ và các mảnh vụn của tượng nhân sư, cùng cách bức ảnh tại hiện trường bởi nhiếp ảnh gia Edward S. Curtis.
Phần còn lại của phim trường được bảo vệ bởi một lớp cát dày, cách xa khỏi bàn tay của những kẻ săn kho báu, cũng như sự hủy hoại bởi môi trường . Ngoài ra các hiện vật này còn được bảo vệ bởi sự xuất hiện của loài chim óc cao miền Tây, một loài chim đang bị đe dọa. Chúng làm tổ ở đây, khiến khu vực này bị cấm lại gần vào mùa làm tổ, kéo dài từ tháng 3 tới cuối tháng 9.
Theo Brosnan, các hiện vật ở phim trường này tượng trưng cho những di vật quí hiếm nhất của thời đại phim câm. Người ta ước tính gần 90% các phim câm đã bị mất hoàn toàn tuy nhiên thật may khi ít nhất là các di sản của "The Ten Commandments" sẽ sống mãi.