Huế:
Khám phá đời sống của phái đẹp trong cung Nguyễn xưa
(Dân trí) - Sáng 20/10, tại cung Trường Sanh (Đại Nội Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức trưng bày không gian văn hóa với chủ đề “Hoa văn trên trang phục và đồ dùng sinh hoạt của các bà trong cung Nguyễn”.
Buổi triển lãm là hoạt động nằm trong sự kiện khai trương Không gian Văn hóa Cung Trường Sanh.
Những hiện vật gắn liền với đời sống của các bà trong cung như: áo đại triều của Hoàng Thái hậu, hộp đựng khăn vành, hài thêu chim phụng, gương soi,…đều được giới thiệu trong buổi triển lãm.
Đây là lần đầu tiên du khách được chiêm ngưỡng những hoa văn, họa tiết tinh xảo trên các trang phục cung đình cùng hệ thống hoành phi, câu đối, tranh gương phục chế.
Cũng tại không gian này, du khách còn được giới thiệu về đời sống của các Nữ cung Nguyễn thời xưa và trải nghiệm những kỹ thuật thêu, vẽ truyền thống trên chất liệu vải lụa.
Với mong muốn nâng cao chất lượng phục vụ cho các du khách tham quan, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đưa cung Trường Sanh trở thành điểm đến hấp dẫn với không gian trưng bày ấn tượng cùng nhiều hoạt động dịch vụ văn hóa như: thưởng thức trà và ẩm thực cung đình Huế, chiêm ngưỡng các bộ áo dài do những nhà thiết kế nổi tiếng của Huế thực hiện,…
Hoạt động này không những quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế về đời sống sinh hoạt của các bà trong cung cấm ngày xưa mà còn tái hiện lại nét đẹp văn hóa lịch sử của triều đại nhà Nguyễn vàng son.
Cung Trường Sanh được xây dựng vào năm 1822, dưới thời vua Minh Mạng, với tên gọi ban đầu là cung Trường Ninh. Đây là nơi dành cho các bà HoàngThái hậu triều Nguyễn đến thưởng ngoạn cảnh đẹp.
Đến năm 1886, cung Trường Ninh được sửa sang, chuyển công năng từ một hoa viên thành cung điện dành cho các bà Thái hoàng Thái hậu và Hoàng Thái hậu.
Năm 1923, cung Trường Ninh được đổi tên thành cung Trường Sanh.
Sau hơn 80 năm, cung Trường Sanh dần bị xuống cấp và mãi cho đến năm 2005, nó được trả lại vẻ đẹp vốn có khi Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho trùng tu, hoàn thiện để đưa vào tuyến tham quan phục vụ du khách.
Quốc Nhật – Đại Dương