Khai quật quy mô lớn tại công trình bằng đá hơn 600 năm tuổi

Duy Tuyên

(Dân trí) - Bộ VH,TT&DL đã quyết định cho phép khai quật khảo cổ học quy mô lên đến 17.000m2 tại khu vực bên trong Thành nội Di sản Văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 16/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) đã có quyết định về việc khai quật khảo cổ. Theo đó, Bộ VH, TT&DL cho phép Sở VH, TT&DL tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ tại khu vực bên trong Thành nội (trung tâm) Di sản Văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Khai quật quy mô lớn tại công trình bằng đá hơn 600 năm tuổi - 1
Thành nhà Hồ là công trình kiến trúc bằng đá cổ độc nhất vô nhị ở Việt Nam, công trình đã trải qua hơn 600 năm lịch sử...

Thời gian khai quật từ ngày 19/3/2021 đến ngày 31/12/2021; diện tích khai quật là 17.000m2, trong đó: Vị trí khu vực Thành nội (trung tâm) là 15.000m2; vị trí Tây Bắc Thành nội là 2.000m2.

Bộ VH, TT&DL yêu cầu, trong thời gian khai quật, cơ quan được cấp giấy phép là Sở VH, TT&DL Thanh Hóa cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, Sở VH, TT&DL Thanh Hóa có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Sau khi kết thúc đợt khai quật, Sở VH, TT&DL tỉnh Thanh Hóa và Viện Khảo cổ học phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật trong thời gian chậm nhất 1 tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 1 năm, gửi về Bộ VH, TT&DL. Trước khi công bố kết quả của đợt khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.

Thành nhà Hồ là công trình kiến trúc bằng đá cổ độc nhất vô nhị ở Việt Nam, được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, là kinh đô của nước Đại Việt - vương triều Trần từ năm (1389 - 1400) và kinh đô của nước Đại Ngu - vương triều Hồ từ năm (1400 - 1407). Đến nay, công trình đã trải qua hơn 600 năm lịch sử, nhiều vị trí tường thành đã bị sạt lở...

Mới đây nhất, vào cuối tháng 1/2021, tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị đầu bờ báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích Thành Nhà Hồ năm 2020.

Khai quật quy mô lớn tại công trình bằng đá hơn 600 năm tuổi - 2

Năm 2020 việc khai quật khảo cổ học tại Thành nhà Hồ đã thu được nhiều kết quả quan trọng.

Theo đó, năm 2020 thực hiện khai quật di tích Thành nhà Hồ với tổng diện tích là 8.000m2. Qua kết quả khai quật, các chuyên gia đánh giá, về cơ bản địa tầng và tầng văn hóa của hố khai quật năm 2020 tương tự như các hố khai quật từ năm 2004 và 2010, với sự xuất hiện các dấu tích kiến trúc và các lớp đất đắp gia cố thời Hồ và Lê Sơ.

Đồng thời, tìm thấy nhiều loại hình vật liệu kiến trúc, gốm sứ. Trong đó, việc tìm thấy một cụm kiến trúc khá hoàn chỉnh ở phía Đông cũng là một phát hiện hoàn toàn mới ở trong Thành nhà Hồ góp phần nhìn nhận rõ thêm diện mạo tổng thể của khu di sản Thành nhà Hồ.