Khai quật di tích Thành Hoàng đế triều đại Tây Sơn

(Dân trí)- Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã cho phép Sở VHTTDL tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật di tích thành Hoàng đế (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định).

Theo đó, lần khai quật này, đoàn sẽ khai quật trên diện tích khai quật là 900 m2, bắt đầu khai quật từ ngày 5/7/2012 đến hết ngày 5/9/2012, do TS Lê Đình Phụng, Viện Khảo cổ học phụ trách.

 

Những hiện vật thu được trong quá trình khai quật, Ban quản lý di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh Bình Định có trách nhiệm quản lý, giữ gìn để phục vụ cho công tác nghiên cứu.

 

Sau khi kết thúc việc nghiên cứu phải bàn giao cho Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định gìn giữ, bảo quản; khi bàn giao phải có biên ban giao nhận, tránh để hiện vật bị thất lạc. Sau khi kết thúc khai quật chậm nhất 3 tháng phải có báo cáo sơ bộ và sau 1 năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa.
 

Được biết

 

Được biết, thành Hoàng đế được triều đại Tây Sơn xây dựng lại và mở rộng thêm thành Đồ Bàn làm Sở chỉ huy của nghĩa quân Tây Sơn. Đến năm 1778, thành Đồ Bàn chính thức được đổi tên là thành Hoàng đế.

 

Thành Hoàng Đế nguyên là một tổng thể kiến trúc hình chữ nhật, gồm ba vòng thành: Thành  Ngoại, Thành Nội và Tử  Cấm Thành. Thành Ngoại có chu vi là 7.400m. Thành Nội còn được gọi là Hoàng Thành có hình chữ nhật dài 430m rộng 370m. Bên trong Thành Nội là Tử Cấm Thành cũng có hình chữ nhật dài 174m rộng 126m.  

 

Qua những lần khai quật trước, các nhà khảo cổ học phát hiện trong khuôn viên Tử Cấm thành có nhiều tượng nghê đá, sư tử và hồ Bán Nguyệt, hồ Trái Tim…

 

Thành Hoàng đế là một di tích thành quách lịch sử nhắc nhở muôn đời sau về một thời oanh liệt của những người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung- Nguyễn Huệ.

 

 

Doãn Công