Khải phim “Về nhà đi con” ghê sợ nhân vật mình đảm nhận
(Dân trí) - “Mỗi khi quay xong những cảnh đánh và cưỡng bức vợ, tôi có một cảm giác ghê rợn, sởn cả gai ốc, sợ nhân vật của mình và phải mất một thời gian sau tôi mới cân bằng lại được”, Trọng Hùng - diễn viên đảm nhận vai Khải phim "Về nhà đi con" chia sẻ.
Nhiều người nhìn nhận Khải là nhân vật đáng ghét nhất phim bởi ở nhân vật này không có điểm sáng nào để họ có thể hy vọng trở thành người tốt. Với cá nhân anh, anh thấy nhận xét đó như thế nào?
Khải mang đến cho tôi khá nhiều trải nghiệm và ấn tượng về cách tạo hình nhân vật. Anh ta là một gã chồng cục cằn, thô lỗ, cờ bạc, vũ phu và ghen tuông mù quáng. Và bởi ít học nên Khải luôn cư xử theo bản năng. Trọng Hùng: “Quay xong cảnh cưỡng bức, tôi sởn gai ốc, ghê sợ nhân vật của mình”.
Mỗi lần xem lại Khải trên phim tôi lại cảm thấy mất niềm tin vào giới đàn ông. Tôi không hiểu sao một người đàn ông lại như Khải lại nhiều cái xấu đến vậy. Tôi đã cố gắng tìm điểm tốt ở nhân vật này nhưng cuối cùng lại không tìm ra.
Anh có chia sẻ, những cảnh đánh vợ và cưỡng bức vợ trong những tập gần đây khiến anh rất mất bình tĩnh. Vì sao lại thế?
Tôi thật sự không thể quên được những hành động mang tính đỉnh điểm khốn nạn của nhân vật Khải đó là cảnh đánh vợ, đặc biệt cảnh cưỡng bức vợ. Mỗi khi quay xong những cảnh này tôi có một cảm giác ghê rợn, sởn cả gai ốc, sợ nhân vật của mình và phải mất một thời gian sau tôi mới cân bằng lại được.
Ở ngoài đời, anh có nét nào giống Khải?
Có lẽ tôi không có nét nào giống nhân vật Khải hết. Tôi được mọi người nhìn nhận là hiền lành, vui tính và hoà đồng. Tôi chưa bao giờ đánh phụ nữ chứ đừng nói là đánh vợ. Phụ nữ sinh ra đã thiệt thòi rồi, sao mình nỡ động tay động chân với họ được.
Ngoài đời, tôi cũng được người ta nhận xét là cười hiền. Tôi cũng chẳng bao giờ có cơ hội để trợn mắt lên với ai. Tôi hầu như chưa bao giờ trợn mắt. Chắc chỉ đi đóng phim tôi mới có cơ hội trợn ngược mắt mũi thôi.
Vậy vợ anh có giống nhân vật Huệ trong phim?
Vợ tôi hơi giống nhân vật Huệ trong phim. Cô ấy thuộc tuýp phụ nữ cổ điển, truyền thống và hiền lành. Cô ấy thích lui về sau, làm người phụ nữ của gia đình và hy sinh cho chồng con.
Trọng Hùng chia sẻ, ngoài đời anh được nhiều người nhìn nhận là hiền lành và vui tính.
Vợ anh nói gì khi xem nhân vật Khải do anh đóng?
Trong mắt mọi người, tôi trái ngược hoàn toàn với Khải. Bởi lẽ đó mà khi xem phim “Về nhà đi con”, bố mẹ vợ đã phải thốt lên: “Sao ở ngoài con hiền lành mà lên phim không nuốt nổi”. Bạn bè ngày nào cũng nhắn tin trêu đùa “Chắc ngày nào mày cũng bị chửi nhỉ?”.
Vợ tôi suốt ngày bảo sao anh lên phim sợ thế. Khi nào xong phim để cạo râu, cắt tóc... Vợ tôi xem phim thấy sợ nhân vật Khải quá. Đúng chuẩn người đàn ông luộm thuộm và còn đủ các tật xấu trên đời: cờ bạc, rượu chè, vũ phu, thất học...
Mới đây, khi xem cảnh Khải cưỡng bức Huệ trên phim, vợ còn “chiến tranh lạnh” với tôi mất một ngày. Cả ngày không thèm nhắn tin và gọi điện hỏi han gì. Nhưng tôi biết “đàn ông yêu bằng mắt, phụ nữ yêu bằng tai” nên cũng phải lựa lời để làm hoà với cô ấy.
Anh cảm thấy như thế nào khi nhân vật mình đóng bị “ném đá” nhiều đến thế?
Từ khi phim phát sóng, nhân vật Khải bị “ném đá” rất nhiều. Tôi cảm thấy vui vì sự nỗ lực của mình ít nhiều đã khiến nhân vật chạm được đến trái tim của khán giả. Tuy nhiên, cuộc sống của tôi cũng có nhiều thay đổi.
Làm gì và đi đâu tôi cũng thường xuyên đeo khẩu trang và hơi ngại khi người ta nhận ra mình ở những chỗ đông người.
Tính tôi cũng thích thoải mái nên khi bị để ý tôi thấy không được thoải mái và không quen. Nhưng dù sao, đó cũng là niềm hạnh phúc mà người diễn viên nào cũng mong muốn có được vì đã được mọi người chú ý.
Trọng Hùng và vợ.
Anh cảm thấy thú vị với vai diễn nào nhất trong bộ phim này?
Trong phim, các vai diễn đều có sự ấn tượng và thú vị riêng. Tuy nhiên, tôi rất thích cách diễn của ông Sơn - NSƯT Trung Anh. Nam nghệ sĩ có một lối diễn rất tinh tế, đậm và chắc. Nhiều khi chỉ một tiếng thở dài, một tiếng nấc nghẹn, một cái cau mày thôi cũng đủ khiến tôi phải sởn gai ốc.
Thương xót cho một người bố, cả đời lo toan, đến già vẫn không hết lo lắng cho những đứa con của mình. Tạo hình nhân vật, nét diễn của NSƯT Trung Anh cũng đã chạm đến trái tim của tôi ngay ở trường quay chứ chưa nói đến khán giả xem qua màn hình.
NSƯT Trung Anh đúng là bậc tiền bối đáng để tôi học hỏi và không ngừng phấn đấu trong sự nghiệp diễn xuất của mình.
Lúc nhận được lời mời tham gia vai diễn, NSƯT Trung Anh từng suýt định bỏ vai vì thấy ông bố trong phim phải khóc quá nhiều. Vậy còn anh khi nhận lời đóng Khải, anh có lo lắng gì không?
Tôi cảm thấy khá hoang mang và lo lắng sau khi đọc kịch bản. Thú thật, khi đọc kịch bản phần nào tôi cũng hình dung ra được tính cách nhân vật rồi nhưng phần tạo hình rất khó khăn vì tôi chưa bao giờ đóng dạng vai này cả. Nó lại khác khá xa so với tính cách của tôi ở ngoài đời.
Tôi đã đọc khá nhiều thông tin cũng như xem các tư liệu để quan sát thật kỹ các biểu hiện cảm xúc của những con bạc và những người chồng thường vũ phu với vợ. May mắn, tôi được đạo diễn Nguyễn Danh Dũng động viên rất nhiều. Chính sự động viên của anh Danh Dũng đã khiến tôi cố gắng để thể hiện tốt nhất vai Khải. Bên cạnh đó, ê-kíp làm phim cũng toàn những người thân quen nên mỗi khi bắt đầu đóng cảnh nào cũng đều có sự bàn bạc và thống nhất.
Chẳng hạn, những cảnh tôi tát vợ trong phim là tát thật. Tôi quan niệm, thà tát thật để một phát ăn ngay còn hơn tát giả để rồi phải quay đi quay lại. Cảm xúc không thể cứ lặp lại một cách máy móc như thế. Tất nhiên, mỗi khi diễn những cảnh đó tôi khá mất bình tĩnh bởi chưa bao giờ tôi hành động như thế với phụ nữ. Quay xong mỗi cảnh như thế, cả tôi lẫn Thu Quỳnh đều thở hổn hển vì căng thẳng và mất sức. Nhìn má Thu Quỳnh hằn đỏ 5 ngón tay của tôi mà tôi rất ngại và phải nói lời xin lỗi tiếp dù trước đó đã xin lỗi rồi (cười).
Với tôi, đây là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp diễn xuất. Tôi cũng mong sau này sẽ được thể hiện nhiều dạng vai khác để có cơ hội chứng minh mình diễn xuất được nhiều dạng vai khác nhau.
Theo anh, nhân vật như Khải có cơ hội để “cải tà quy chính” và được hưởng hạnh phúc trọn vẹn bên người phụ nữ mình yêu thương nhất?
Phim truyền hình Việt thường xây dựng theo lối nhân văn, kể cả khi nhân vật có bị tha hoá cỡ nào thì cũng vẫn có những điểm sáng. Tôi mong muốn, ở phần cuối của câu chuyện, Khải sẽ nhìn thấy được những sai lầm và cái xấu của bản thân, chịu hạ cái tôi của mình xuống để thay đổi.
Thực tế, Khải cũng có những nỗi khổ riêng của một người đàn ông lỡ thấp kém hơn vợ và luôn muốn chứng tỏ mình xứng đáng với vợ. Tuy nhiên, do Khải quá mù quáng nên cứ trượt dài trong những sai lầm của mình.
Phim hiện tại đang trong quá trình quay nên tôi không biết sau này Khải có được Huệ tha thứ và có thể quay trở lại với Huệ không. Nhưng rõ ràng, một cái kết mà dễ dãi quá sẽ dễ khiến người xem thất vọng. Tôi thích một cái kết làm đọng lại trong lòng khán giả nhiều điều suy ngẫm.
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin!
Hà Tùng Long