Kết phim “Thương nhớ ở ai” gây tranh cãi vì không giống trong tiểu thuyết?

(Dân trí) - Kết phim "Thương nhớ ở ai" gây nhiều tranh cãi bởi khác với tiểu thuyết "Bến không chồng" và chưa có sự thức tỉnh.

Vạn không treo cổ mà lẳng lặng bỏ làng ra đi

Mang suy nghĩ “Con tôi phải có cha”, “Mẹ tôi phải được bế cháu vào những năm tháng tuổi già”... nên Hạnh đã quyết định đưa con gái 4 tuổi trở lại làng Đông. Bà Nhân hạnh phúc khi ôm cháu ngoại vào lòng nhưng không thể ngờ đứa trẻ ấy lại chính là giọt máu của Hạnh và Vạn - người đàn ông mà bà đã yêu từ những năm tháng tuổi trẻ vì những định kiến nên cả hai đã không đến được với nhau.

Bản thân Vạn cũng vô cùng sửng sốt khi nghe Hạnh nói: “Em mang con về cho anh” trước sự chứng kiến của bao người dân làng Đông. Vạn sợ hãi và thảng thốt hỏi lại: “Cháu nói gì thế hả? Cháu nói gì đấy”.

Vạn không chịu nổi những lời dèm pha của người làng nên đã bỏ làng ra đi. Đây là cái kết khác với nguyên tác tiểu thuyết Bến không chồng.
Vạn không chịu nổi những lời dèm pha của người làng nên đã bỏ làng ra đi. Đây là cái kết khác với nguyên tác tiểu thuyết "Bến không chồng".

Vạn lầm lũi trong ngôi nhà của mình từ khi Hạnh mang con đến ở cùng để học cách thích ứng với cuộc sống mới. Bản thân Hạnh khi quyết định mang con về làng cũng không nghĩ đến những cảm nhận của bà Nhân - mẹ cô. Bà Nhân sẽ đón nhận sự thật cháu ngoại của mình là con của Vạn (người đàn ông mà bà đã yêu suốt quãng thời tuổi trẻ và đến tận bây giờ vẫn còn tình yêu) sẽ như thế nào. Và mặc dù trong lòng đang mang đầy nỗi đau nhưng khi trò chuyện với Dâu, bà Nhân vẫn bộc bạch: “Sự thể ra thế này thì làm sao? Đời người con gái quan trọng nhất vẫn cứ là gia đình”.

Trước khi quyết định mang con về lại làng Đông, Hạnh đã sẵn sàng đương đầu với bão tố. Tuy nhiên, cô không thể ngờ được người làng Đông lại có những phản ứng mạnh mẽ đến vậy. Họ đã kéo đến ném những ánh mắt dòm ngó và khinh bỉ khi Hạnh và Vạn vừa đặt lưng xuống giường. Vạn đã cố gắng chạy ra đuổi dân làng nhưng cuối cùng người làng vẫn ném mọi đất đá để phá sập nhà Vạn lúc nửa đêm. Vạn hét lên đau khổ và bất lực.

Tiếng hét của Vạn lồng trong tiếng ru của Hạnh - người con gái nổi tiếng hát hay xinh đẹp nhất làng Đông. Những tưởng sóng gió đã đi qua nhưng khi tỉnh dậy Hạnh không thấy Vạn đâu nữa. Vạn đã không chịu nổi áp lực nên đã lẳng lặng chèo thuyền bỏ đi ở bến sông đầu làng.

Mặc dù vậy, Hạnh vẫn hy vọng một ngày nào đó Vạn sẽ trở về với mẹ con cô. Cô nói: “Vạn lại một lần nữa bỏ chạy. Lần trước ông bỏ chạy vì mất tình yêu với u. Còn lần này là khi hạnh phúc đến với ông. Tôi biết không phải ông sợ hãi. Ông đi vì sự bình yên của những người ông yêu quý. Cả cuộc đời ông phải kìm nén, ép xác vì những gì ông mang trên vai.

Vì người ta coi ông là biểu tượng của một thời đã qua, để rồi đến khi hạnh phúc thật sự đến với ông thì ông bỏ chạy… Ông nhất định sẽ quay về. Tôi sẽ không phải là người đàn bà hóa đá vì chờ đợi như bà Hơn, như hòn vọng phu trong truyền thuyết. Tôi trở về với làng, làng Đông sẽ cùng tôi và con gái, bé Ban Mai. Ngày mới đang bắt đầu!”.

Nhiều tranh cãi vì kết phim chưa có sự thức tỉnh

Chi tiết Vạn chèo thuyền bỏ làng ra đi ở phần kết phim khác với cái kết Vạn treo cổ tự tử vì không chịu nổi những lời dèm pha của dân làng trong nguyên tác tiểu thuyết “Bến không chồng”.

NSND Lan Hương cho rằng, kết phim “Thương nhớ ở ai” khiến chị buồn mênh mang nhưng lại le lói lên một niềm vui vì ông Vạn không tự tử như trong tiểu thuyết.

Khán giả Võ Quang Thái nhận xét: “Đã lâu lắm rồi mới xem xong một phim Việt Nam mà vẫn còn nỗi day dứt. Cảm ơn những người làm phim”.

Hạnh vẫn hy vọng Vạn sẽ trở lại.
Hạnh vẫn hy vọng Vạn sẽ trở lại.

Khán giả Nguyễn Tuấn Anh nói: “Mình thích cái kết của phim hơn tiểu thuyết. Hạnh thì như vậy là tuyệt vời rồi, chỉ hồi hộp từng phút về nhân vật Vạn sẽ như thế nào thôi. Vạn ra đi là tạo ra hy vọng. Vạn treo cổ là sự bế tắc. Hạnh là nhân vật tiến bộ nhất đại diện cho cái mới. Là đàn ông nhưng mình cũng không cầm được nước mắt vì thấy có ông bà, cha mẹ và cả bản thân mình trong đó. Cảm ơn ê-kíp làm phim rất nhiều khi đã tái hiện lại được “thời xa vắng”.

Trong khi đó, nhiều khán giả lại bày tỏ rằng họ không thích kết của phim mà thích kết của tiểu thuyết vì kết phim hơi hụt hẫng.

Bản thân diễn viên Trà My đóng vai Hạnh trong phim lại chia sẻ rằng, cái kết mà cô đã quay là cái kết Vạn treo cổ tự tử. Mặc dù cái kết đó có phần hơi dã man nhưng bản thân cô lại thích cái kết đó. Bởi cái kết đó mới diễn tả một cách chính xác nhất sự man rợ của một thời hủ tục. Cái chết của Vạn sẽ là sự thức tỉnh sâu sắc nhất cùng thông điệp muốn gửi gắm cho những người đương thời.

“Hình ảnh cuối cùng của bộ phim lẽ ra là Hạnh và bé Ban Mai vấn khăn tang đi trên cánh đồng, có lời tự sự của Hạnh vang lên: “Vạn đã ra đi. Ông tìm đến cái chết có phải vì sự bình yên của những người ông yêu quý. Người làng Đông đến sau này cũng không hiểu được vì sao Vạn tìm đến cái chết .Tôi biết ông không sợ hãi. Ông đã tìm đến cái chết ngay từ những ngày đầu tiên khi ông phải kìm nén mình, ép xác mình vì những gì ông mang trên vai trong suốt cuộc đời ông. Mỗi một lần hạnh phúc đi qua ông là mỗi lần ông gần hơn cái chết.

Ép xác! Tôi không biết có dùng đúng từ này không? Ông đã ép xác cả một đời để đến khi hạnh phúc thực sự đến với ông. Ông không còn cảm nhận được nó. Ông đã trốn chạy hạnh phúc”, Trà My nói.

Theo nữ diễn viên này thì tất cả những phụ nữ làng Đông đều là những người gánh chịu nhiều nỗi đau, mất mát… mà chiến tranh gây ra.

“Có bao giờ chúng ta tự hỏi chính mình, chúng ta đã một lần đứng ở góc độ người khác để thấu hiểu và thông cảm cho người khác? Suy cho cùng, ai cũng có những mưu cầu hạnh phúc chính đáng cho chính bản thân mình, hãy dũng cảm nắm lấy nó như Hạnh và dũng cảm cho sự lựa chọn chính mình. Ai cũng chỉ có một cuộc đời mà thôi! John Lennon từng nói: “make love, not war” (hãy yêu nhau và đừng gây chiến tranh) câu nói bất hủ dành cho mọi thời đại.

Hạnh lớn đã phải mang theo mãi gánh nặng này trên vai trong một thời rất dài suốt cả cuộc đời của mình. Và những gì mà khán giả nhìn thấy ở cuộc đời đầy sóng gió của Hạnh về cuối phim chỉ là nhân quả mà cô bé Hạnh xưa kia phải trả giá.

Những thế hệ phụ nữ tiếp nối của người Việt, bà tôi, mẹ tôi luôn ẩn hiện đâu đó trong chuyện phim. Liệu những đè nén không ngừng đó có làm cho phụ nữ thế hệ tiếp sau bật tung cái lò xo sau khi bị nén chặt sau hàng chục năm hay không ? Câu trả lời nằm ở chỗ tôi sẽ trở thành một người phụ nữ như thế nào, đó chính là câu hỏi còn chưa dứt khi tôi khép lại vai diễn đầu tiên của mình. Tôi chỉ cảm nhận một cách lơ mơ nhưng đầy chắc chắn trong sâu thẳm mình: “Người phụ nữ Việt Nam thế hệ mới sẽ làm nên chuyện lớn”.

Bản thân đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho rằng những suy nghĩ và lí giải của diễn viên Trà My rất hay nhưng cô vẫn chưa hiểu hết mấy chữ “ngậm đắng nuốt cay”.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm