Jack lên sóng truyền hình bất chấp bê bối tình ái: Xem thường khán giả?

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - Việc Jack vừa vướng lùm xùm về đạo đức vẫn xuất hiện trên sóng truyền hình khiến dư luận bức xúc. "Hình ảnh của Jack rất dễ trở thành tiền lệ xấu", chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nói.

Dân mạng chỉ trích Jack vì xuất hiện trong "Running Man Vietnam"

Ngay từ tập lên sóng đầu tiên của "Running Man Vietnam" mới đây đã gây tranh cãi với sự xuất hiện của Jack (tên thật là Trịnh Trần Phương Tuấn) với tư cách người chơi chính. Bởi cách đây không lâu, nam ca sĩ "Sóng gió" bị chỉ trích vì vướng scandal về đời tư.

Nhiều thông tin tiêu cực về đời tư của Jack lan truyền ồn ào trên mạng xã hội và nam ca sĩ chỉ lên tiếng thừa nhận, xin lỗi fan hâm mộ và các đối tác làm việc của mình, không có một xin lỗi chân thành đến những cô gái bị anh làm tổn thương. Bên cạnh đó, nhiều phát ngôn không chuẩn mực của Jack thời chưa nổi tiếng cũng được khán giả tìm lại, chỉ trích…

Vì thế, công chúng cho rằng Jack thiếu tôn trọng khán giả khi trở lại quá sớm.

Jack lên sóng truyền hình bất chấp bê bối tình ái: Xem thường khán giả? - 1

Ca sĩ Jack (giữa) tại Running Man Vietnam mùa 2 (Ảnh: BTC).

Hàng loạt tài khoản bày tỏ bức xúc trên fanpage Running Man Vietnam và nhiều trang mạng của các nhãn hàng có Jack tham gia, đồng loạt kêu gọi "tẩy chay" nam ca sĩ dính lùm xùm về đạo đức. Đỉnh điểm, trước chuyến quay hình tại Hàn Quốc của Running Man Vietnam mùa 2, khán giả yêu cầu nhà sản xuất loại Jack, đòi tẩy chay chương trình.

"Hãy mang đến cho khán giả một chương trình thực tế sạch sẽ. Jack không xứng đáng góp mặt trong đội hình chính của Running Man Vietnam. Hãy loại Jack ra khỏi đội hình chính. Hãy tôn trọng ý kiến từ khán giả"; "Nhà sản xuất quá xem nhẹ làn sóng phẫn nộ của đại đa số fan từng yêu mến chương trình. Họ không chấp nhận có một thành viên như vậy trong chương trình và sẵn lòng bỏ xem..."; "Quá coi thường khán giả!"; "Quyết tâm tẩy chay mùa này! Không thể chấp nhận sự khinh thường khán giả này được"… Đó là những bình luận bức xúc, thất vọng của khán giả bày tỏ khi Jack xuất hiện trong chương trình.

"Khán giả có quyền... cấm sóng nghệ sĩ"

Trao đổi với phóng viên Dân trí , chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long khẳng định cách xuất hiện của Jack tại "Running Man Vietnam" là chọc tức khán giả, xem thường dư luận.

"Ở góc nhìn truyền thông thì những ồn ào về đời tư là "tai nạn" của Jack. Dường như, có sự tính toán, sắp đặt của BTC từ việc tung lên những thông tin là có thể anh chàng này "sẽ bị loại", tung lên những thông tin "ê kíp của chương trình vô tình làm lộ hình ảnh", "không có Jack ở trong "Running Man Vietnam". Rồi Jack vẫn xuất hiện ở tập phát sóng chính thức của chương trình này.

Tôi không rõ, nam ca sĩ này đồng thuận với BTC dùng bê bối đời tư, rồi tung ra những thông tin thật thật giả giả nhằm tạo sức hút cho chương trình hay chỉ là "quân cờ trong cuộc chơi này".

Nếu Jack đồng thuận thì đó là thái độ tệ hại, xem thường khán giả. Nếu cậu ta bị lợi dụng thì thể hiện sự yếu kém về mặt nghiệp vụ truyền thông.

Jack đang vướng vào bê bối đời tư thì phải làm gì để hình ảnh đẹp lên, xoa dịu khán giả. Đằng này lại dùng chính bê bối đời tư để đem ra câu kéo sự chú ý của dư luận. Jack có quyền yêu cầu ban tổ chức không tung tin ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, nhưng thực tế cậu lại im lặng. Việc Jack không rút khỏi chương trình là đang chọc tức khán giả, xem thường dư luận", chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nói.

Anh chia sẻ thêm: "Về đời tư, ai cũng từng mắc lỗi, nếu nhận sai, xin lỗi, sửa sai thì khán giả cũng không hẹp hòi. Nhưng bản thân vướng lùm xùm đời tư lại không khiêm tốn, không thể hiện sự ăn năn, hối lỗi, không khôn ngoan về ứng xử, sự xuất hiện thì càng gây bức xúc cho khán giả.

Hình ảnh của Jack hiện tại rất dễ trở thành tiền lệ xấu, cổ súy các nghệ sĩ trẻ làm theo. Họ sẽ nhìn vào đó và nghĩ: cứ làm sai thoải mái đi, rồi cũng chẳng có hậu quả gì đâu?!

Tôi nghĩ trách nhiệm này không chỉ thuộc về Jack, mà còn thuộc vào ban tổ chức chương trình. Và quyền lực cao nhất để "xét xử" Jack thuộc về chính khán giả. Khán giả có quyền bày tỏ thái độ, lựa chọn xem hay không xem chương trình này. Nếu khán giả phản ứng quyết liệt, không xem chương trình thì cũng coi như… cấm sóng nghệ sĩ rồi!".

Trước đó, trả lời phóng viên Dân trí xoay quanh những ồn ào liên quan đến nghệ sĩ thời gian qua, Chuyên gia giáo dục - Tiến sĩ Vũ Việt Anh cũng khẳng định sự cần thiết của Bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ. Anh cũng đề nghị đưa thêm các chế tài xử phạt đối với những nghệ sĩ vi phạm về lối sống, đạo đức, vi phạm pháp luật…

"Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ cần đưa ra các hướng dẫn, khuyến cáo những việc nên làm, không nên, không được làm nhưng cũng cần có chế tài xử phạt rõ ràng để mang tính răn đe, cảnh báo. Các cấp độ xử phạt cũng nên như bộ môn bóng đá: cảnh cáo, thẻ vàng, thẻ đỏ, cấm quyền biểu diễn, xử lý trước pháp luật , tùy theo mức độ vi phạm", tiến sĩ Vũ Việt Anh nhấn mạnh.

Trong bối cảnh vấn đề ứng xử của nghệ sĩ đang là "điểm nóng", mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã biên soạn dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia văn hóa, các hội đồng chuyên môn.

Những nội dung chính được đề cập đến trong dự thảo Quy tắc ứng xử như công khai, minh bạch thông tin trong các hoạt động xã hội; trung thực, chính xác, rõ ràng khi quảng cáo; không lợi dụng hình ảnh để trục lợi cá nhân; phát huy uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm