"I Am Sam": 20 năm vẫn xứng danh phim gia đình "lấy nước mắt" nhất!
(Dân trí) - "I Am Sam" là một bộ phim gia đình cảm động, lấy đi nước mắt của bao thế hệ khán giả khi kể về tình yêu của một người cha bị thiểu năng trí tuệ dành cho con gái nhỏ bé của mình.
I Am Sam ra mắt vào năm 2001 và đã trở thành một trong những bộ phim gia đình đáng xem nhất của điện ảnh Mỹ suốt 20 năm qua. Phim được viết kịch bản và đạo diễn bởi Jessie Nelson với sự góp mặt của nam diễn viên kỳ cựu - Sean Penn trong vai người cha bị thiểu năng trí tuệ và nữ diễn viên "nhí" nổi tiếng một thời - Dakota Fanning trong vai người con gái thông minh, lanh lợi.
Phim còn có sự tham gia diễn xuất của nữ diễn viên Michelle Pfeiffer trong vai nữ luật sư Rita thông minh, giàu có, thành đạt nhưng lại thiếu tình cảm, sự kết nối với chính đứa con và gia đình của mình.
Được biết, để tạo nên những thước phim chân thực và cảm động trong I am Sam, nữ đạo diễn Jessie Nelson từng có thời gian nghiên cứu tài liệu và quan sát cuộc sống của những người bị thiểu năng trí tuệ ngoài đời. Thậm chí, một số diễn viên trong I am Sam còn là người thiểu năng trí tuệ và được giao những vai diễn quan trọng trong phim.
Bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên, đạt doanh thu hơn 97 triệu USD và những lời khen ngợi từ giới chuyên môn. Bản thân nam diễn viên chính Sean Penn còn được đề cử Oscar 2002 trong hạng mục Nam diễn viên xuất sắc cho vai diễn người cha thiểu năng.
Sau khi I Am Sam ra mắt công chúng vào năm 2001, nữ đạo diễn của phim - Jessie Nelson quyết định tạm rời công việc yêu thích của bà để dành thời gian chăm sóc gia đình.
Phim cũng mở ra cơ hội sự nghiệp rực rỡ cho cô bé Dakota Fanning, khi đó mới 7 tuổi và mới chỉ có kinh nghiệm diễn xuất trong hai bộ phim trước đó. Nhờ bộ phim, Dakota đã trở thành nữ diễn viên nhỏ tuổi nhất được đề cử giải Nữ diễn viên xuất sắc trong lịch sử giải thưởng SAGs.
I am Sam đưa người xem tới thế giới của những người bị tự kỷ hay thiểu năng trí tuệ. Dù không sở hữu sự lanh lẹ, khôn ngoan như những người khác nhưng những người thiểu năng cũng vẫn luôn khát khao được hòa nhập vào cuộc sống, được lao động, được yêu thương và cảm nhận hạnh phúc như tất cả mọi người.
Tình yêu mà người cha bị thiểu năng trong phim dành cho con gái là một điều phi thường khiến nhiều người phải nể phục. Giản dị, ấm áp và đầy tính nhân văn là những gì mà khán giả chia sẻ sau khi xem I am Sam. Gần 20 năm sau khi phim được ra mắt, I am Sam vẫn có những giá trị không thể phủ nhận.
Với một trí tuệ dưới mức trung bình nhưng ông bố trong I am Sam đã khiến bao người phải ngỡ ngàng. Sam trở thành cha bất đắc dĩ sau khi bị một cô nàng lợi dụng để có được chỗ ăn ở. Sam dù sở hữu hình dáng của một người trưởng thành nhưng giao tiếp, suy nghĩ của anh chỉ như một đứa trẻ lên 6.
Anh làm việc tại một tiệm bán cà phê và công việc pha chế tưởng chừng như đơn giản với nhiều người lại là một thử thách với anh. Chưa bao giờ, Sam có thể hoàn thành một cách tuyệt đối nhưng anh không từ bỏ.
Khi con gái nhỏ vừa chào đời, mẹ của đứa trẻ đã phũ phàng bỏ lại hai bố con. Một người thiểu năng trí tuệ bất đắc dĩ rơi cảnh gà trống nuôi con nhưng lại đón nhận khó khăn này với niềm hạnh phúc lớn lao và đầy trách nhiệm.
Một người không có khả năng chăm sóc chính mình đã loay hoay học cách thay tã, chăm sóc cho con gái, ru con gái ngủ với tất cả tình yêu thương và sự kỳ vọng xuất phát từ trái tim.
Sam may mắn vì trong hành trình nuôi dạy cô con gái nhỏ luôn có bà hàng xóm tốt bụng, những người bạn bị thiểu năng giống anh nhưng giàu tình yêu thương và sự chia sẻ.
Cô bé Lucy (Dakota Fanning đóng) đã lớn lên trong tình yêu thương đặc biệt và ấm áp của người cha thiểu năng. Sam chỉ có thể kiếm được 1 USD cho một giờ làm việc tại tiệm cà phê nhưng anh chấp nhận chăm chỉ, sống tiết kiệm để mang lại cho con cuộc sống đầy đủ.
Sam cũng không thể dạy cho Lucy những điều hay ho và rất nhiều lúc khiến Lucy bị chê cười nhưng Lucy càng trưởng thành, cô bé càng cảm nhận và trân trọng sự đặc biệt của cha mình.
Hình ảnh một người bị thiểu năng trí tuệ được Sean Penn thể hiện xuất sắc từ gương mặt ngờ nghệch, ánh mắt, điệu bộ tới bước chân chậm chạp, những ngón tay co quắp.
Lucy qua diễn xuất của Dakota quá đỗi xinh đẹp và thông minh, đối nghịch với hình ảnh ông bố cù lần, ngờ nghệch của Sean Penn. Cả hai diễn viên đã làm rất tốt và tạo nên những phân cảnh vừa cảm động, vừa chân thực về hai cha con.
Cô bé Lucy sở hữu đôi mắt xanh tuyệt đẹp, nói năng lưu loát và gương mặt tinh nhanh. Những phân cảnh mô tả tình cảm và sự thân thiết của hai cha con như cùng vui đùa trong công viên hay cùng thưởng thức bữa ăn đều giúp khán giả cảm nhận được sự ấm áp về tình cha con.
Cách Lucy yêu thương người cha đặc biệt của mình cũng thật kỳ diệu. Cô bé nói với bố rằng: "Con không muốn đọc từ nào bố không biết đọc" hay "Chẳng có ông bố nào tới công viên với con họ cả" để bày tỏ sự tự hào của cô bé về cha mình.
Bộ phim cũng đặt ra một câu hỏi: "Liệu một người thiểu năng hay tự kỷ có thể nuôi nấng, chăm sóc hoặc yêu thương một ai khác hay không?". Đây là câu hỏi mà chính xã hội Mỹ lúc đó cũng băn khoăn và loay hoay tự tìm câu trả lời.
Trung tâm bảo vệ quyền trẻ em - đại diện cho xã hội cho rằng, Sam không thể là một người cha tốt và tước quyền nuôi con của anh. Tuy nhiên, trong suốt bộ phim, Sam đã chứng minh điều ngược lại.
Sam có đầy đủ đức tính của một người bố tốt. Anh nỗ lực kiếm tiền, quan tâm tới cảm xúc của con, luôn dành thời gian cho con. Anh cố hết sức để hoàn thành vai trò của một người bố và một người mẹ. Và hơn hết, anh mong mang lại cho con gái những điều tốt đẹp nhất.
Mặc dù buồn bã, nhớ nhung con sau khi bị tước quyền nuôi con, nhưng chứng kiến con được nuôi dạy trong một môi trường tốt hơn, có một gia đình đúng nghĩa, Sam sẵn sàng chấp nhận, chịu thiệt thòi về phía mình.
Bởi, sâu thẳm trong trái tim người cha thiểu năng, anh tin rằng, cô công chúa nhỏ của mình luôn xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp nhất, xứng đáng có một người mẹ, có anh chị em, có ông bà bên cạnh - điều anh cho rằng bản thân chưa thể làm được cho con.
Đạo diễn và biên kịch đã rất tinh tế khi đặt hai câu chuyện gia đình cạnh nhau để khán giả có thể so sánh rồi cảm nhận. Một bên là ông bố thiểu năng cùng cô con gái nhỏ, một bên là nữ luật sư giàu có, thành đạt và thông minh nhưng lại không có nổi thời gian chăm sóc, gần gũi cậu con trai Will.
Nữ luật sư Rita thừa nhận với Sam rằng, cô không phải là một người mẹ tốt và quan sát cách Sam yêu con gái hay tình cảm mà cô bé Lucy dành cho người cha thiểu năng của mình, Rita mới nhận ra rằng, gia đình là điều ngọt ngào và đáng quý nhất trong đời người.
Đây cũng là vấn đề vẫn tồn tại trong xã hội hiện đại, khi con người sống và làm việc ngày càng bận rộn, bị hấp dẫn bởi thế giới bên ngoài, quỹ thời gian dành cho gia đình ngày càng trở nên hiếm hoi và khó khăn. Cha mẹ và con cái vì thế cứ dần rời xa nhau.
I am Sam là một câu chuyện giản dị nhưng chứa đựng bên trong nó vô vàn những bài học về tình yêu thương, giá trị gia đình, tình cha con, tình bạn bè và cả cuộc sống đáng quan tâm của những người khuyết tật. Đặc biệt, trí thông minh của một người không quyết định tình yêu thương của họ cũng chính là thông điệp xuyên suốt bộ phim I am Sam.
Cùng là những tác phẩm với nhân vật thiểu năng trí tuệ làm trung tâm như Forrest Gump nhưng cách làm của I am Sam lại ấm áp và lấy nhiều nước mắt của khán giả hơn. Thế giới của những người thiểu năng hiện ra rất chân thật qua những đoạn hội thoại của Sam với những người bạn giống mình. Qua đó, phim cũng thể hiện ý tưởng về lòng trắc ẩn, sự cảm thông, sẻ chia của xã hội với những người khuyết tật trong xã hội.