Huế: Tưởng nhớ công chúa Huyền Trân

An Thường

(Dân trí) - Sáng 30/1, mùng 9 Tết, dưới chân núi Ngũ Phong (phường An Tây, TP Huế), hàng ngàn người dân và du khách dâng hương tưởng nhớ công chúa Huyền Trân - người có công mở mang bờ cõi đất nước.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ hội đền Huyền Trân với chủ đề "ngưỡng vọng tiền nhân", do Sở Văn hóa và thể thao Thừa Thiên Huế tổ chức.

Huế: Tưởng nhớ công chúa Huyền Trân - 1

Hoạt cảnh tái hiện lễ rước công chúa Huyền Trân về làm dâu xứ Chiêm Thành (Ảnh: An Thường).

Lễ hội được mở đầu bằng hoạt cảnh lễ rước về làm dâu xứ Chiêm Thành và hành trình xuất gia của công chúa Huyền Trân.

Sau phần đánh trống khai hội của ông Nguyễn Văn Phương, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đông đảo người dân và du khách lần lượt vào đền thờ dâng hương, tưởng nhớ công ơn của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông và công lao của công chúa Huyền Trân trong việc mở mang bờ cõi đất nước.

Huyền Trân công chúa là một nhân vật lịch sử nổi tiếng, cùng với vua cha Trần Nhân Tông, là những danh nhân gắn liền với sự hình thành của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế.

Theo ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Thừa Thiên Huế, trong tâm thức cộng đồng, bà là một người phụ nữ hiếu nghĩa vẹn toàn, yêu nước thương dân.

Vâng lệnh vua cha, và sau đó là anh trai - Hoàng đế Trần Anh Tông, Huyền Trân đã gác tình riêng, gạt lệ xuống thuyền theo chồng là quốc vương Champa, nhằm lập mối hòa hiếu với lân bang và mở mang bờ cõi của đất nước về phương Nam vào đầu thế kỷ XIV.

Từ món quà cưới của bà, Đại Việt có thêm "hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm", trong đó có vùng đất Huế (Thuận Hóa). Vì vậy, Huyền Trân công chúa được nhân dân tôn vinh, dựng đền để thờ phụng, truyền tụng nhiều giai thoại nhằm tri ân và ghi nhớ công lao của bà.

Huế: Tưởng nhớ công chúa Huyền Trân - 2

Đông đảo người dân, du khách dâng hương lên công chúa Huyền Trân bên trong đền thờ (Ảnh: An Thường).

Nhân dịp kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế vào năm 2006, tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi công xây dựng Trung tâm Văn hóa Huyền Trân ngay dưới chân núi Ngũ Phong. Công trình này hoàn thành một năm sau đó nhằm tỏ lòng biết ơn của người dân xứ Huế đối với Huyền Trân công chúa.

Đền Huyền Trân công chúa có tổng diện tích khoảng 28,5ha. Địa hình thoai thoải kéo dài từ chân núi lên đến đỉnh, có rừng thông xung quanh, bốn mặt là đồi núi trùng điệp với những rừng thông mênh mông càng làm cho phong cảnh thêm hữu tình.

Lễ hội đền Huyền Trân năm nay được tính là một trong những chương trình lễ hội mùa Xuân của Festival Huế 2023.

Ngoài dâng hương, người dân và du khách còn được trải nghiệm rất nhiều hoạt động văn hóa bên trong không gian lễ hội như biểu diễn Ca Huế, các trò chơi dân gian, võ thuật, các nghề thủ công truyền thống, trình diễn áo dài, triển lãm tranh ảnh.