Huế: Phát triển âm nhạc truyền thống trong thời kỳ hội nhập
(Dân trí) - Trong 2 ngày 25,26/4, Hội thảo “Đào tạo và phát triển âm nhạc truyền thống trong thời kỳ hội nhập” do Bộ VH-TT&DL tổ chức tại Huế đã được nghe nhiều bài tham luận có chất lượng, tâm huyết với nền âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Có gần 200 đại biểu từ Bộ VH-TT&DL cùng các Vụ, Cục thuộc bộ và các trường ĐH, CĐ, TCCN, trường đào tạo âm nhạc trên cả nước cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu về âm nhạc truyền thống đã tham gia hội thảo.
Trong lịch sử dân tộc, âm nhạc truyền thống có một vai trò hết sức quan trọng, là loại hình di sản văn hóa phi vật thể sống động, phản ánh sự phong phú, đa dạng trong sinh hoạt tinh thần của người Việt. Âm nhạc truyền thống nơi đâu cũng có mặt từ chốn cung đình ra đến dân gian, từ miền núi về đến biển khơi, qua đồng bằng, trung du hay miền đảo xa xôi. Thông qua âm nhạc truyền thống, người ta có thể hiểu được những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc.
Hội thảo với 57 tham luận về công tác đào tạo âm nhạc truyền thống giai đoạn hiện nay và sự phát triển âm nhạc truyền thống trong thời kỳ hội nhập. Các đại biểu đã tập trung đánh giá chất lượng chương trình đào tạo âm nhạc truyền thống; sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài; những mặt khó khăn của việc phát triển loại âm nhạc này trong cơ chế thị trường bùng nổ... cùng nhiều kiến nghị của các cơ sở đào tạo âm nhạc truyền thống. Qua đó, nhằm tìm ra những giải pháp, chiến lược tối ưu cho nền âm nhạc truyền thống Việt Nam trong thời gian đến.
Hội thảo lần này được tổ chức tại Huế - nơi có Nhã nhạc Cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cùng rất nhiều loại hình âm nhạc nổi tiếng như Ca Huế, Hò Huế, Tuồng Huế... Huế cũng là nơi có nhiều cơ sở đào tạo về Âm nhạc truyền thống như Học viện Âm nhạc Huế, Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Huế… với nhiều giảng viên tốt, hàng năm đào tạo ra hàng trăm học sinh, sinh viên có chất lượng trong lĩnh vực Âm nhạc truyền thống phục vụ đất nước.
Đại Dương