Thừa Thiên - Huế:

"Huế chưa phát huy tốt sản phẩm qua các kỳ Festival"

(Dân trí) - “Dư luận cho rằng Huế chưa phát huy tốt sản phẩm qua các kỳ Festival Huế, cũng như các điểm tham quan du lịch hấp dẫn như thuyền cung đình, nhà vườn Phú Mộng, làng cổ Phước Tích, cầu ngói Thanh Toàn…”

Đó là vấn đề được đại biểu Bùi Thanh Hà nêu ra trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 4  HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VI vừa diễn ra trong 2 ngày 10,11/7 vừa qua. Ông Phan Tiến Dũng, GĐ sở VH-TT&DL tỉnh trả lời, đã có một số khó khăn, hạn chế ở những điểm tham quan du lịch cũng như sản phẩm sau các kỳ Festival để lại nên không phát huy được hiệu quả vốn có.

Lãng phí nhiều sản phẩm du lịch thú vị

Cụ thể, trong Festival Huế, một số chương trình đưa vào phục vụ trình diễn, một số lễ hội lớn đã được phục dựng với kinh phí đầu tư lớn, nhưng sau Festival Huế không được đưa vào khai thác, phát huy phục vụ du lịch thường xuyên, hoặc có duy trì cũng không thu hút được khách du lịch. Riêng thuyền Cung đình (mô phỏng theo thuyền cung đình xưa dành phục vụ cho vua Nguyễn) được đầu tư bạc tỷ cũng không được duy trì đưa vào phục vụ du lịch có hiệu quả, không được đồng tình của dư luận.

Thuyền cung đình Huế còn đang rất ít khách sau 4 năm đi vào hoạt động kể từ Festival Huế 2008
Thuyền cung đình Huế còn đang rất ít khách sau 4 năm đi vào hoạt động kể từ Festival Huế 2008

Nhà vườn Huế nói chung và nhà vườn Phú Mộng nói riêng - nơi tập trung nhiều phủ đệ của giới quan lại, quý tộc thời vua Nguyễn hiện đang còn sót lại nhiều đặc trưng cho kiến trúc, văn hóa, con người Huế hiện nay đang gặp nhiều khó khăn trong việc hình thành sản phẩm dịch vụ du lịch. Bởi vì, tại khu vực này chưa có quy hoạch các khu dịch vụ du lịch, các chính sách hưởng lợi chưa cụ thể, hoạt động du lịch chưa phải thu nhập chính của người dân, vì vậy người dân chưa tham gia nhiệt tình, điều này dẫn đến số lượng khách du lịch đến tham quan các ngôi nhà vườn trong khu vực Phú Mộng còn ít, chưa thường xuyên.

Cầu ngói Thanh Toàn (cây cầu ngói độc đáo với kiểu dưới cầu trên mái ngói - một trong số các cây cầu ngói hiếm hoi còn lại ở Việt Nam và được biết nhiều chỉ sau Chùa Cầu ở Hội An) mặc dù đã thu hút rất đông khách du lịch về tham dự trong Festival, nhưng hiện tại mới chỉ có một, hai hãng lữ hành tham gia khai thác, phần lớn du khách đến Cầu ngói Thanh Toàn là khách lẻ và mang tính tự phát. Các sản phẩm du lịch tại đây vẫn chưa đa dạng, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là giao thông còn gặp nhiều khó khăn.

Thuyền cung đình Huế còn đang rất ít khách sau 4 năm đi vào hoạt động kể từ Festival Huế 2008
Cầu ngói Thanh Toàn đông khách trong lễ hội, dịp tết. Còn lại là có khách nhưng chưa thật sự nhiều trong những ngày bình thường

Theo phân cấp của UBND tỉnh, sản phẩm du lịch Thuyền Cung Đình (được giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trực tiếp quản lý); Nhà vườn Huế (do UBND thành phố Huế trực tiếp quản lý); Làng cổ Phước Tích (do UBND huyện Phong Điền trực tiếp quản lý); Cầu ngói Thanh Toàn (do UBND thị xã Hương Thủy trực tiếp quản lý và khai thác)...

Chính từ các kỳ Festival Huế diễn ra các năm qua, một số sản phẩm du lịch được hình thành như: Làng cổ Phước Tích (với nhiều nhà cổ hàng trăm năm nay) đã được khai thác để tổ chức lễ hội “Hương xưa làng cổ Phước Tích”; Cầu ngói Thanh Toàn được khai thác để tổ chức “Chợ quê ngày hội”. Qua mỗi kỳ Festival Huế, Cầu ngói Thanh Toàn thu hút 3-3,5 vạn lượt khách, Làng cổ Phước Tích thu hút 2-2,5 vạn lượt khách. Sau các kỳ Festival Huế, Làng Cổ Phước Tích và Cầu Ngói Thanh Toàn, thuyền Cung Đình tiếp tục được khai thác để phục vụ các tour tuyến du lịch nhưng lại rơi vào tình trạng “đói” khách.

Thuyền cung đình Huế còn đang rất ít khách sau 4 năm đi vào hoạt động kể từ Festival Huế 2008
Nhà vườn Lạc Tịnh Viên thuộc hệ thống nhà vườn Huế đã từ lâu đóng cửa không tiếp khách vì nhiều lý do

Cũng không thể không nhắc đến một số kênh đầu tư vào các điểm này như Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) với “Dự án phát triển du lịch dựa vào cộng đồng” tại Làng cổ Phước Tích với việc tiến hành xúc tiến, quảng bá, in ấn sách, bản đồ, tập huấn cho người dân về phục vụ du lịch. Quá trình triển khai, giá trị Làng cổ Phước Tích từng bước được khai thác, phát huy có hiệu quả, các làng nghề truyền thống: gốm, mộc mỹ nghệ được phục hồi...

Trên việc phát huy những kinh nghiệm làm du lịch tại Làng cổ Phước Tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh TT-Huế tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Tổ chức JICA để triển khai dự án xây dựng một mô hình phát triển du lịch nông thôn dựa vào cộng đồng tại Cầu ngói Thanh Toàn.  

Thuyền cung đình Huế còn đang rất ít khách sau 4 năm đi vào hoạt động kể từ Festival Huế 2008
Khách đến ở homestay tại làng cổ Phước Tích theo một trong những tour đầu tiên mở ra thuộc dạng "tiên phong" của Cty Việt Pháp Service năm 2009. Tuy nhiên lượng khách đi đến làng cổ từ đó đến nay rất ít

Riêng đối với khu nhà vườn Phú Mộng (Kim Long), UBND thành phố Huế và ngành VH,TT&DL cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh có Quyết định phê duyệt Đề án “Chính sách bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn 2006-2010” (năm 2006); ban hành Quy định “Một số chính sách quản lý bảo vệ nhà vườn Huế” (năm 2009)...

Tuy có nhiều sự chuyển động đáng kể nhưng các điểm trên trong thời gian qua vẫn không phát triển xứng tầm với mục đích của tỉnh đề ra, khách đến cũng rất bất thường và chủ yếu là ít, việc khách dừng lại điểm để vui chơi, trải nghiệm, mua sắm đang còn là rất ít.

5 giải pháp trọng tâm để kích cầu nguồn khách

Theo ông Dũng, ngành đang đề ra các giải pháp để phát huy các điểm tham quan trên: Thứ nhất là: Tăng cường công tác liên kết, phối hợp giữa Sở VH,TT&DL, Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Khách sạn để thống nhất phương thức, nguyên tắc khai thác, hưởng lợi từ nguồn lợi du lịch phải chú trọng đến quyền lợi của người dân tham gia;

Thứ hai là: Chú trọng đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cấp hệ thống giao thông dẫn đến các điểm du lịch, xây dựng hệ thống nhà vệ sinh; củng cố, hình thành các cơ sở dịch vụ du lịch (ăn uống, giải khát...); khai thác thế mạnh ngành nghề thủ công truyền thống của địa phương, xây dựng các sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng riêng, phục vụ nhu cầu mua sắm của khách tham quan, đảm bảo uy tín điểm đến.

Thuyền cung đình Huế còn đang rất ít khách sau 4 năm đi vào hoạt động kể từ Festival Huế 2008
Thuyền cung đình Huế đã được "sống" lại tạm thời trong Liên hoan ẩm thực miền Trung vừa tổ chức tại Huế cuối tháng 6/2012 bởi sự phối hợp giữa Khách sạn Duy Tân (Quân khu 4) và Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế. Các bàn bày phía trên và dưới (trong khoang thuyền) đã hút một lượng khách đến ăn, uống đáng kể. Tuy nhiên, cần duy trì thường xuyên những hoạt động như thế này đi kèm với việc quảng bá để khách đến tham quan, vui chơi đông hơn

Thứ ba là: Khi triển khai các hoạt động lễ hội và các chương trình cụ thể trong các kỳ Festival, cần tranh thủ các nguồn lực đầu tư xã hội hóa, trên cơ sở khai thác có hiệu quả không gian văn hóa đặc trưng của vùng đất Cố đô Huế nhằm hình thành nên những sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh, duy trì hoạt động sau khi kết thúc Festival Huế, để phục vụ nhu cầu của khách tham quan, chứ không phải chỉ để tuyên truyền hoặc phục vụ trong những ngày diễn ra Festival.

Đối với Thuyền Cung đình, tỉnh cũng đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sớm xây dựng phương án dịch vụ, thống nhất nguyên tắc phối hợp với các hãng lữ hành, các doanh nghiệp du lịch từng bước đưa các loại hình nghệ thuật đặc sắc (ca Huế, âm nhạc Cung đình...), kết hợp với tham quan, ẩm thực để phục vụ khách du lịch.

Thứ tư là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch thông qua nhiều kênh thông tin để quảng bá, thu hút khách du lịch đến với các điểm du lịch như Cầu ngói Thanh Toàn, Làng cổ Phước Tích, Nhà vườn Huế... Trong đó cần chú trọng quảng bá các sản phẩm du lịch mang đặc trưng của vùng đất xứ Huế (kết hợp với du lịch biển, đầm phá, tâm linh, nghỉ dưỡng, sinh thái...) để kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Cần liên kết với các hãng lữ hành, các công ty du lịch, dịch vụ để đưa vào các tour tuyến du lịch; tuyên truyền, quảng bá và thu hút du khách đến với các điểm du lịch, trải nghiệm các sản phẩm du lịch mới, độc đáo và mang đặc trưng riêng của địa phương.

Thuyền cung đình Huế còn đang rất ít khách sau 4 năm đi vào hoạt động kể từ Festival Huế 2008
1 trong số những ngôi nhà vườn đẹp tại Phú Mông (Kim Long) - sẽ là đỡ lãng phí hơn nếu tìm ra một bài toán giải đích thực có lợi nhiều cho người dân thì việc du lịch đến nhà vườn Huế sẽ có câu giải đáp. Tại Hội An, các nhà rường - vườn xưa luôn đông khách tham quan bởi vì cơ chế làm du lịch thông thoáng - rõ ràng và biết cách đầu tư của chính quyền địa phương cho những di sản này

Thứ năm là về huyện Phong Điền và Thị xã Hương Thủy (nơi có Làng cổ Phước Tích và cầu Ngói Thanh Toán), cần tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của tổ chức JICA Nhật Bản để triển khai có hiệu quả mô hình du lịch dựa vào cộng đồng, tranh thủ các nguồn lực xã hội hóa để bảo tồn, tôn tạo hệ thống nhà rường cổ, khôi phục các ngành nghề thủ công truyền thống, phát triển các loại hình dịch vụ như lưu trú (homestay), ẩm thực, hàng lưu niệm, biểu diễn nghệ thuật... tạo sự thu hút khách du lịch đến với hai địa chỉ độc đáo này, vừa tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thu nhập ổn định từ việc phát triển du lịch.

Bên cạnh đó phải quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác du lịch tại các điểm di tích này theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, đảm bảo nguồn lực tại chỗ tham gia vào các hoạt động du lịch và dịch vụ phục vụ khách tham quan, du lịch trong nước và quốc tế đến với Làng cổ Phước Tích và Cầu ngói Thanh Toàn.


Đại Dương