Bình Định:
Hủ tục lạc hậu trong đám cưới, đám việc tang
(Dân trí) - (Dân trí) – Các đại biểu cho rằng ở một số nơi, việc tổ chức đám cưới, đám tang còn phô trương, lãng phí. Thậm chí, ở người đồng bào thiểu số nhiều gia đình sau khi tổ chức đám cưới, đám tang phải bán cả trâu bò, nương rẫy để trả nợ.
Ngày 23/6, UBND tỉnh Bình Định, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 308/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Theo báo cáo tổng kết tại hội thảo, nhìn lại 10 năm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh cho thấy sự chuyển biến tích cực, góp phần duy trì, gìn giữ những phong tục tập quán tiến bộ, xây dựng mội trường văn hóa lành mạnh. Đồng thời, góp phần ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Nhiều xã, phường, thị xã đưa các tiêu chí về việc cưới hỏi, đám tang và lễ hội vào quy ước, hương ước làm tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu dân cư văn hóa… Nhờ vậy, hiện nay ngày càng có nhiều hộ gia đình tổ chức cưới hỏi, lễ tang đơn giản, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam; nhiều lễ hội được tổ chức phù hợp với nếp sống văn minh, các truyền thống tốt đẹp tiếp tục được duy trì, bảo tồn và phát huy hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được hiện nay vẫn còn hạn chế như: cá biệt ở một số nơi, việc tổ chức cưới, tang, lễ hội còn phô trương, lãng phí trong đó không ít trường hợp gia đình cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước đã tạo dư luận không tốt trong nhân dân, Ở một số đám tang của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa còn lưu giữ một số hủ tục lạc hậu như người chết để lâu ngày, cúng bái, tổ chức ăn uống linh đình. Thậm chí, không ít gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số sau khi tổ chức đám cưới hay đám tang phải bán cả trâu bò, nương rẫy để trả nợ vì những hủ tục lạc hậu.
Trình bày tham luận tại hội nghị, ông Lưu Ngọc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, trên địa bàn huyện có 14 dân tộc sinh sống trong đó chủ yếu là người kinh và người Bana. Phong tục tập quán, nét văn hóa riêng của từng dân tộc trong quá trình sinh sống đã có những đan xen tạo nên sự đa dạng về văn hóa. Tuy nhiên, các lễ hội người Bana vẫn giữ những nét riêng như: Lễ đâm trâu, lễ cưới, lễ mừng nhà mới. Việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn huyện được tổ chức giản dị, lành mạnh, tiết kiệm, bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan. Song nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện. Trong việc cưới vẫn xảy ra tình trạng tảo hôn ở đồng bào dân tộc thiểu số; tình trạng không hôn thú (không đăn ký kết hôn) vẫn xảy ra.
Ông Cường nói thêm: “Thực tế ngay trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, ngay cả trong cán bộ, đảng viên tổ chức cưới hỏi ăn uống linh đình, đám tang để dài ngày chờ con cháu làm ăn xa về hay xem ngày tốt xấu mới đi chôn thì sao làm gương cho dân”.
Doãn Công