Hồng Nhung, Mỹ Linh nhớ những kỷ niệm với nhạc sỹ Hoàng Hiệp
(Dân trí)- Tên tuổi của Hồng Nhung đã gắn bó với ca khúc “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sỹ Hoàng Hiệp như chính Hồng Nhung tự nhận, đó là máu thịt, là linh hồn. Riêng Mỹ Linh lại nhớ khi hát “Nhớ về Hà Nội” lần đầu tiên, cô đã hát sai lời, bị nhạc sỹ giận.
Hồng Nhung: Nhớ về Hà Nội đã thành máu thịt của tôi
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp ra đi để lại nhiều nỗi tiếc thương cho không chỉ nghệ sĩ mà cả khán giả, nhất là khán giả Hà Nội. Bài hát Nhớ về Hà Nội giống như nhạc sỹ đã đưa vào lịch sử một bài hát vừa hùng tráng, lại vừa rất tình cảm. Thường thường, một bài hát hùng tráng rất khó gần gũi, nhưng ca khúc này vừa thấy một Hà Nội hào hùng, vừa thấy một Hà Nội lãng mạn, tế nhị. Riêng với tôi- là một người quá may mắn khi bắt đầu vào con đường ca hát chuyên nghiệp đã được hát bài Nhớ về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Hiệp và chính bài hát này bắt đầu một sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp cho tôi năm 17 tuổi cũng như đi theo suốt cả chặng đường sự nghiệp dài sau này. Bài Nhớ về Hà Nội trở thành một phần máu thịt của tôi, đến hôm nay tôi rất buồn vì nhạc sĩ đã qua đời, nhưng có một điều an ủi với ông và gia đình của ông là bài hát và tên tuổi của ông sẽ ở lại rất lâu với không biết bao nhiêu triệu người.
Hồng Nhung và ca khúc nổi tiếng "Nhớ về Hà Nội" của nhạc sỹ Hoàng Hiệp
Hà Nội đang lạnh, không khí mưa phùn cắt da cắt thịt, tôi mỗi lần ra đây đều nhớ về tuổi thơ, nhớ về Hà Nội xưa. Trên các loa phường hay mở các bài hát, trong đó có bài Nhớ về Hà Nội của tôi hát, điều đó làm cho mình rất bồi hồi. Ngày xưa bài này còn là nhạc hiệu của vô tuyến truyền hình Hà Nội, nó là một cái gì đó rất quen thuộc, đến người nghe còn thuộc từng lời, dù ông viết tới 4 lời, vì lời thơ rất hay. Thực ra trước khi hát bài này, tôi đã rất thích bài Nơi gặp gỡ của tình yêu do nhạc sĩ Hoàng Hiệp viết, cũng rất là hay.
Nghe Hồng Nhung hát Nhớ về Hà Nội
Khi chuyển vào Nam, tôi mới được gặp chú Hoàng Hiệp vài năm sau khi hát bài Nhớ về Hà Nội. Khi ấy, Hồng Nhung đi cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến Hội nhạc sĩ TP HCM ở Bách Thảo, lần đầu gặp chú Hoàng Hiệp thấy ông là người có gương mặt vô cùng phúc hậu, ông có dáng người rất cao to. Lần đầu gặp, ông bảo: “Ôi, Trịnh Công Sơn ơi, đây là Hồng Nhung sao?” Ông ngạc nhiên vì thấy Hồng Nhung bé quá, thứ nhất là tuổi bé, thứ hai là người cũng rất nhỏ nhắn, bởi khi nghe hát, ông lại thấy một giọng khá là rộng và có lực, chắc ông đã tưởng tượng là một người to lớn, thành ra khi gặp, ông không giấu nổi sự ngạc nhiên. Khi ấy, tôi được nói chuyện với ông một chút về bài hát Nhớ về Hà Nội. Ông có khen: “Cháu hát bài đấy của chú hay!”. Sau đó, tôi được chú mời đến nhà vì hôm đó truyền hình làm một chương trình về chú, tôi ngồi trò chuyện cùng chú và cả cô. Trước khi tôi hát Nhớ về Hà Nội, cô Lệ Thu đã hát bài này rồi, hồi tôi 14-15 tuổi, tôi nghe cô Lệ Thu hát bài này qua băng cát-sét thích vô cùng. Lúc ấy tôi chưa hiểu hết về lời bài hát, nhưng thấy nhạc hay quá nên mê lắm. Đến khi được hát trên sân khấu chuyên nghiệp lần đầu với Đoàn ca múa Nhạc nhẹ Trung ương, tôi đã xin hát bài Nhớ về Hà Nội, nhạc sĩ Quang Vinh phối khí rất hay, sau đó thu thanh bản đầu tiên cho Dihavina trong băng cát-sét có tên Tiếng hát Hồng Nhung vào năm tôi 18 tuổi.
Đến bây giờ tôi không thể nhớ mình đã hát bao nhiêu lần ca khúc này bao nhiêu lần trong quãng thời gian dài ca hát của mình. Trong số các sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, tôi chỉ hát duy nhất bài này nhưng nhạc phẩm trở thành máu thịt của tôi và tự nhiên khi mình hát thấy hợp luôn, quan trọng nhất là hợp về cái thần, hát lên thấy được cốt cách của người Hà Nội, cách sống, cách nghĩ của người Hà Nội, cái đấy khó phân tích lắm. Nó không ở trong một câu nào cụ thể, mà nó xuyên trong cả không khí bài hát, cả nhạc cả lời. Khi hát, tôi thấy mình ở trong đó, tự hào và thấy có phần hùng tráng.
Mỹ Linh: Nhạc trong trẻo, lời như thơ…
Ca khúc Trở về dòng sông tuổi thơ tôi từng thu trong album Tiếng hát Mỹ Linh trong thời kỳ đầu của tôi, sau được quay video clip trong cuốn băng gồm 8 ca khúc do anh Dương Minh Long làm đạo diễn.
Thực ra trước khi hát Trở về dòng sông tuổi thơ, tôi không biết nhiều về ca khúc này mà người gợi ý hát chính là anh Dương Minh Long. Đến khi thu bài này cùng phần phối của anh Đức Trí, ngay tại phòng thu, khi hát tôi vô cùng xúc động vì giai điệu đẹp, ca từ rất Nam Bộ và đó như là lời của trẻ thơ nói về dòng sông tuổi thơ mình. Ca khúc trong sáng, dù người nào ở bất kỳ lứa tuổi nào khi thể hiện ca khúc cũng đều cảm giác mình trong trẻo hơn và trở về với tuổi thơ ngây của mình chính bởi ca từ của nó. Có những câu trong ca khúc: “Sông cũng như người ấy, có khi vui buồn, có khi hờn ghen, chỉ tình yêu tuổi thơ mới thấy”, lời ca như thơ.
Tôi từng gặp nhạc sĩ Hoàng Hiệp một hai lần. Có một kỷ niệm đáng nhớ, lần đó tôi gặp tai nạn ở dưới Hải Phòng, đầu vẫn còn băng bó, ra hát ở Cung Việt Xô, tôi hát bài Nhớ về Hà Nội của bác, tôi hát nhầm lời lung tung cả lên, bác giận không nói chuyện với tôi. Tôi chào bác, nhưng bác không nói gì, đi luôn. Sau đó tôi ít có cơ hội gặp bác ấy. Tuy là ca sĩ hát bài của nhạc sĩ nhưng không phải lúc nào cũng có được mối quan hệ thân thiết, nên tôi không biết nhiều về bác. Tôi chỉ biết về các tác phẩm của bác, biết bác là một người Nam Bộ và rất hiền lành. Bác là một người lớn tuổi, lại ở phía Nam, tôi sống ở phía Bắc nên ít có điều kiện gặp.
Nghe Mỹ Linh hát Trở về dòng sông tuổi thơ
Là một ca sĩ từng hát bài của bác, tôi thương tiếc một nhạc sĩ tài hoa như thế, bác mất đi nhưng điều quan trọng nhất là âm nhạc của bác vẫn còn, với những người yêu nhạc của bác Hoàng Hiệp, đấy là sự bất tử! Chỉ có những nghệ sĩ, danh nhân hoặc những người có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, lịch sử mới có thể bất tử như thế. Tôi nghĩ, đời ai cũng sẽ một ngày nào đó phải nói câu vĩnh biệt nhưng quan trọng nhất là những gì họ để lại cho đời. Hoàng Hiệp đã để lại cho đời những giai điệu bất tử. Tôi nghĩ, những người thân của bác sẽ rất tự hào vì điều này.
Bắt đầu từ sáng nay, 10/1, gia đình nhạc sỹ Hoàng Hiệp đã tổ chức lễ viếng cho ông tại nhà tang lễ TpHCM (đường Lê Quý Đôn) với vô vàn thương tiếc.