“Hồn Trương Ba da hàng thịt” lần đầu trải nghiệm với kịch hình thể

(Dân trí)- Đã từng tạo dấu ấn qua bản dựng của NSND Nguyễn Đình Nghi, tối 26/ 8, vở kịch nổi tiếng “Hồn Trương Ba da hàng thịt” lần đầu tiên được trải nghiệm với thể loại mới kịch hình thể do NSND Lan Hương làm đạo diễn.

Vở kịch được chọn dàn dựng nhân kỉ niệm 25 ngày mất của nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ đồng thời chuẩn bị cho Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ do Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Cục nghệ thuật biểu diễn tổ chức.

Lần đầu tiên Hồn Trương Ba da hàng thịt được thể hiện dưới hình thức kịch hình thể.
Lần đầu tiên "Hồn Trương Ba da hàng thịt" được thể hiện dưới hình thức kịch hình thể.

"Hồn Trương Ba, da hàng thịt" là một tác phẩm tiêu biểu mang tính thời đại và được đánh giá là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Kịch bản được ông viết vào năm 1983 dựa theo truyện dân gian “Hồn Trương Ba, da hàng thịt" với nội dung mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Năm 1990, vở diễn đã giành được Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

Lấy diễn xuất cơ thể là chủ yếu để làm nổi bật nội dung, ý nghĩa của vở kịch.
Lấy diễn xuất cơ thể là chủ yếu để làm nổi bật nội dung, ý nghĩa của vở kịch.

Nỗi đau đớn của vợ Trương Ba khi chồng chết oan.
Nỗi đau đớn của vợ Trương Ba khi chồng chết oan.

Không đi theo lối diễn truyền thống, NSND Lan Hương đã mạnh dạn thể hiện dưới cách thức mới đó là kịch hình thể, lấy biểu hiện, lối diễn xuất của cơ thể để làm nổi bật nội dung và ý nghĩa.Vở kịch là cuộc đấu tranh, mâu thuẫn giữa phần HỒN và phần XÁC mang đầy tính triết lí và quan niệm sống được gửi gắm.

Chọn lối đi mới này, NSND Lan Hương cũng đưa vào vở kịch cũ những điểm mới. Không chỉ giữ những nét đặc chưng của kịch, việc chọn diễn viên Tạ Vũ Thu vốn là biên đạo của Nhà hát Tuồng vào vai anh bán hàng thịt lợn, để đưa thêm các trình thức tuồng vào diễn xuất.

Cuộc đấu tranh, giằng co của hai người vợ thể hiện rõ nét bi kịch giữa phần HỒN và phần XÁC.
Cuộc đấu tranh, giằng co của hai người vợ thể hiện rõ nét bi kịch giữa phần HỒN và phần XÁC.

Khác so với phiên bản gốc, kịch hình thể của đạo diễn Lan Hương có sự phân định rõ ràng thiên đình và mặt đất. Bà không có ý định mượn chuyện mặt đất nói chuyện thiên đình mà mọi việc diễn ra một cách tự nhiên và ở đâu thì nơi đó phải chịu.

Câu chuyện về gia đình ông Trương Ba, anh hàng thịt cũng được giữ nguyên, tuy nhiên không có nhiều lời thoại sinh hoạt bình thường mà cô đọng thành tuyên ngôn,thành quan điểm sống. Điều này thể hiện đặc biệt qua sự đối thoại, dằn vặt, đấu tranh giữa phần HỒN và phần XÁC. Một tâm hồn cao đẹp không thể tồn tại dưới phần xác phàm phu nên cách tốt nhất là giải thoát cho nhau để giữ trọn một chữ “tình” và chữ “nghĩa”.

Sự phân xử của ông Lý sặc mùi tiền gây nhiều sự phẫn nộ.
Sự phân xử của ông Lý "sặc" mùi tiền gây nhiều sự phẫn nộ.

Kết cấu vở kịch hình thể “Hồn Trương Ba da hàng thịt” cũng khác so với kịch nói: Không chia thành từng cảnh mà tập hợp thành từng nhóm: giới thiệu nhà Trương Ba, hàng thịt; thiên đình; đấu tranh giữa hồn và xác; ông Lý và gia đình Trương Ba.

Vở kịch thu hút một lượng đông đảo các khán giả đến xem khiến nhà hát Tuổi trẻ chật ních không còn một chỗ trống. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng với sân khấu kịch phía Bắc.

Với những dấu hiệu đầy khả quan ban đầu, Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ  diễn ra từ đầu từ tháng 9 liệu có đủ sức kéo khán giả trở lại với kịch Việt Nam?

Cùng xem clip vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt.



Phạm Oanh