Hội thảo về “Văn hóa biển đảo- nguồn lực bền vững”

(Dân trí) - Ngày 7/8, tại trường Đại học Quảng Bình đã diễn ra hội thảo “Văn hóa biển đảo - Nguồn lực phát triển bền vững”. Tại hội thảo, ban tổ chức đã chọn ra nhiều tham luận có tính chuyên sâu, gắn với thực tiễn nghề biển và văn hóa vùng biển Quảng Bình để trình bày.

Đây là hội thảo khoa học quốc gia lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Bình, với sự có mặt của 3 trường Đại học ở 3 miền Bắc, Trung, Nam gồm: Trường Đại học Quảng Bình cùng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Trường Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Đến dự hội thảo có GS- TS Chung Hoàng Chương, Đại học San Francisco (Mỹ) và hơn 50 nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, nhiều trường Đại học trong cả nước.

bd1-85d9c
Hội thảo về chủ đề : “Văn hóa biển đảo - Nguồn lực phát triển bền vững” đã thu hút đông đảo sự tham gia của các nhà khoa học khắp cả nước

Trong buổi hội thảo này, nhiều vấn đề quan trọng được các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đưa ra trình bày như: Văn hóa biển đảo và giá trị văn hóa biển đảo; Thực trạng khai thác, bảo vệ các giá trị văn hóa biển đảo; Quản lý nhà nước về văn hóa biển đảo và các giải pháp phát huy giá trị văn hoá biển đảo để phát triển bền vững.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, có 100 báo cáo, tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia trên cả nước đề cập đến và ban tổ chức đã chọn 22 tham luận có tính chuyên sâu và gắn với thực tiễn nghề biển và văn hóa vùng biển Quảng Bình được các nhà nghiên cứu đưa ra trình bày như: “Làng Lý Hòa trong hành trình vươn ra biển lớn” do TS.Nguyễn Thế Hoàn, Trường đại học Quảng Bình; “Tác động của khu kinh tế Hòn La đối với đời sống văn hóa của cư dân xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình” của TS. Đặng Hoài Thu, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội…

bd2-93b7e
Cũng tại buổi hội thảo, nhiều tài liệu tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam cũng được trưng bày để du khách tham khảo

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Hoàng Dương Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Bình cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, để khai thác một cách có hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên và giá trị văn hóa biển đảo, hơn bao giờ hết đòi hỏi chúng ta cần có những định hướng và giải pháp đúng đắn, cần phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường biển, hệ thống giá trị văn hóa biển đảo của địa phương, nhằm xác lập luận cứ khoa học cho việc triển khai chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”.

“Bên cạnh việc phát triển kinh tế biển bền vững phải đi đôi với việc bảo tồn, gìn giữ văn hoá biển. Đồng thời, cần chú trọng, đẩy mạnh việc phát triển cơ cấu kinh tế biển theo hướng đa ngành trên cơ sở những ngành, mở rộng đối với các ngành dịch vụ, cảng biển kết hợp với hệ thống vận tải và du lịch văn hóa biển đảo để giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về những lợi thế đặc thù của tỉnh về biển đảo”, ông Hoàng Dương Hùng nhấn mạnh.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, cán bộ lãnh đạo, quản lý và các giảng viên trao đổi, thảo luận về văn hóa biển đảo và những giá trị của biển đảo, văn hóa biển đảo đối với kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục tình yêu quê hương đất nước và trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc cho thế hệ trẻ; thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các cơ sở đào tạo.

Đặng Tài