Học giả Phan Ngọc qua đời: “Kính tiễn Thầy về miền mây trắng!”

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - “Thầy sống lặng lẽ, thỉnh thoảng thấy Thầy đi dọc hành lang như cho giãn gân cốt, tay cầm điếu thuốc, mắt nhìn xuống như không để ý gì nhưng nụ cười thì dễ gần...”, PGS.TS Phạm Quang Long chia sẻ.

Nhà nghiên cứu văn hoá Phan Ngọc sinh năm 1925 trong một gia đình có truyền thống Nho học tại Yên Thành, Nghệ An. Tuy chỉ có bằng tú tài thời Pháp thuộc song với vốn kiến thức do tự học là chủ yếu, ông đã trở thành dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam.

Ông là Tổ trưởng đầu tiên của Tổ Ngôn ngữ học, nay là Khoa Ngôn ngữ học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Cụm công trình về văn hóa Việt Nam của ông gồm “Văn hóa Việt Nam, cách tiếp cận mới” (1994) và “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều” (1985) đã được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2000.

Với vai trò là một dịch giả, Phan Ngọc đã dịch nhiều tác phẩm kinh điển, có giá trị của nền văn học thế giới sang tiếng Việt, có thể kể đến: “Thần thoại Hy Lạp”; “Chiến tranh và hòa bình” từ nguyên bản tiếng Nga, kịch Shakespeare từ tiếng Anh, “Sử ký Tư Mã Thiên” và thơ Đỗ Phủ. Bên cạnh đó, ông có dịch các tác phẩm triết học của Hegel.

Học giả Phan Ngọc qua đời: “Kính tiễn Thầy về miền mây trắng!” - 1

Học giả Phan Ngọc qua đời ở tuổi 96.

Ngoài ra, dịch giả Phan Ngọc được xem là “thầy của các thầy” trong lĩnh vực ngôn ngữ. Ông thông thạo 5 ngoại ngữ La tinh, Trung Quốc, Pháp, Anh, Italy. Ngoài ra, ông còn có khả năng sử dụng nhuần nhuyễn tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Thái và tiếng Campuchia.

Nhận xét về Phan Ngọc, nhiều học giả cho rằng ở ông có năng khiếu bẩm sinh trong việc học tiếng nước ngoài. Ở Việt Nam, sau dịch giả tên tuổi lừng lẫy ở thế kỷ 19 là Trương Vĩnh Ký, Phan Ngọc có thể coi là người thứ hai có một vốn ngoại ngữ đáng kinh ngạc...

Khi nghe tin nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn, nhà ngôn ngữ, dịch giả Phan Ngọc từ trần tối ngày 26/8/2020 (tức ngày 8/7 năm Canh Tý), tại Hà Nội sau một thời gian ốm nặng, hưởng thọ 96 tuổi; người thân, đồng nghiệp và các học trò... thể hiện niềm tiếc thương vô hạn.

Học giả Phan Ngọc qua đời: “Kính tiễn Thầy về miền mây trắng!” - 2

Những cuốn sách của nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam Phan Ngọc. (Ảnh: Omega Plus Books)

Dân trí xin trích đăng lời chia sẻ của PGS.TS Phạm Quang Long về người Thầy đánh kính:

 “Kính tiễn Thầy về miền mây trắng!

Nghe thế, chắc có người mắng: có được học Thầy đâu mà nhận thế để làm sang? Đúng, tôi chưa được may mắn làm trò của Thầy nhưng từ đầu những năm 1970 đã gọi thế, giờ không dám gọi khác. Chỉ đơn giản thế thôi.

Do làm cán sự lớp, tôi hay phải lên Văn phòng khoa. Ở đó (nhà C1, Ký túc xá Mễ Trì) tôi hay gặp một người đàn ông trung niên, ăn mặc tuyềnh toàng như không thể tuyềnh toàng hơn, hút thuốc nhiều, kính cận, ít khi tham gia vào những chuyện của các thầy tôi gặp ở Văn phòng nhưng khi nói gì thì ngắn gọn, thuyết phục, tự tin và khá cực đoan, cứ như bắt người khác phải tin những lập luận khó cãi của mình. Một lần, thầy Phan Trác Cảnh bảo tôi đó là Thầy Phan Ngọc. Khi ấy Thầy chưa đến 50 tuổi.

Ở lại khoa, tôi có may mắn gần Thầy hơn. Đọc các tư liệu dịch tôi luôn gặp bản dịch của Phan Ngọc, Nhữ Thành, Cao Xuân Hạo... từ các thứ tiếng Pháp, Nga, Anh, Hán, Trung văn. Đủ các lĩnh vực chuyên môn khác nhau mà gần như những văn bản khó và mới là do hai Thầy dịch. Thầy Hạo dịch chuyên về Ngôn ngữ hơn còn Thầy Ngọc dịch đa dạng hơn: Lý luận, Ngôn ngữ, Triết học, Tư tưởng....

Dần dần, tôi biết Thầy đã phải rời công việc giảng dạy Lý luận văn học, Ngôn ngữ học, Văn học Trung Quốc từ hơn mười năm trước, khi Thầy mới hơn 30 tuổi. Giờ Thầy làm ở phòng Tư liệu. Thầy sống lặng lẽ, thỉnh thoảng thấy Thầy đi dọc hành lang như cho giãn gân cốt vì ngồi lâu, tay cầm điếu thuốc, mắt nhìn xuống như không để ý gì nhưng nụ cười thì dễ gần, trả lời câu hỏi của bất cứ ai gặp cũng bằng giọng khàn khàn, tự tin nhưng hơi xa cách.

Một lần Thầy vào phòng ở của chúng tôi. Thấy mấy anh em tôi đang “cầy” tiếng Nga, thầy hỏi: “Đã biết 6 cách chưa?” Chúng tôi thưa đã biết, Thầy giục: “Lấy tiểu thuyết ra mà đọc”. Chúng tôi nhìn thầy, nghi hoặc. Thầy bảo: “Biết 6 cách là đã nắm được ngữ pháp cơ bản, đã có một vốn từ vựng rồi. Giờ đọc tiểu thuyết. Văn tiểu thuyết không khó. Gặp từ không biết đừng tra từ điển vội. Đọc vài trang sẽ gặp một số từ có tần suất xuất hiện cao. Lúc ấy mới tra và hiểu nghĩa văn cảnh. Học từ dùng nhiều chứ từ cả quyển gặp một lần thì học làm gì?” Thế là học từ nhanh, nắm nghĩa nhanh và chính xác.

7,8 tuổi mình chui vào thư phòng cha, vớ được quyển “Tam quốc”, đọc thấy hay quá thế là cắm cúi đọc. Rồi “Thuỷ hử”, “Liêu trai”... Cha mình cứ tưởng mình đọc Tứ thư, Ngũ kinh nhưng mình toàn đọc tiểu thuyết.

Sau này, tôi nghe kể Thầy học tiếng Đức nửa năm đọc được sách chuyên môn. Rồi Thầy học cả tiếng Khmer với Huy Thịnh, học tiếng khác cũng rất bài bản để cho công việc. Tôi cứ có cảm giác Thầy đã gạt bỏ mọi sân si từ cú vấp không đáng có thời trẻ để tập trung cho những đam mê và cũng là những món nợ đời mà Thầy hiểu rõ.

Từ những ngày ở bộ phận tư liệu đôi lần đã nghe Thầy nói về công việc và lựa chọn của Thầy nhưng lúc đó trẻ người non dạ tôi đâu có hiểu được chí Thầy. Và tôi không có duyên để được gần và nếu gần Thầy, chỉ nhặt những tri thức rơi vãi của Thầy chắc cũng nên người. Vô duyên nên đành chịu vậy.

Qua một vài người gần Thầy tôi hiểu Thầy đã đặt sang bên một cách nhẹ nhàng những gánh nặng người ta dồn cho Thầy lúc đó để yên tâm hơn với những dấn thân và đam mê khác mà nhờ đó xã hội được nhờ, đồng nghiệp, học trò được lợi.

Bạn Thầy, GS Trần gọi thái độ đó là “dũng thoái” của kẻ sĩ. Lại nhớ và bùi ngùi về câu đối khóc bạn của Thầy. Nó như lời nói về chính cuộc đời Thầy vậy.

Nhớ một lần thấy Thầy đứng xem mấy thầy trong khu tập thể đánh cờ. Điều này ít thấy ở Thầy vì Thầy nói mình không có thời gian cho những việc khác. Hình như Thầy mách một nước đi thì phải. Nước ấy không sắc lắm. Thầy đang đánh cờ nghe Thầy nên bị thua, trách. Thầy cười: “Tôi mách nhưng người đi là ông. Ông nghe tôi chứng tỏ ông chưa tin vào mình. Trách tôi cũng được nhưng cũng nên trách cả ông nữa. Việc gì cũng vậy, cứ phải tin vào mình mà muốn tin vào mình, cũng phải học đấy”. Rồi cười khà khà, rời chỗ chơi, về với công việc của mình.

Từ những năm 80 trở đi Thầy đã được trả lại nhiều điều. Và điều đó đem lại niềm vui cho giới và cho chính Thầy. Thầy làm việc hối hả. Bao nhiêu tích luỹ chất chứa bây giờ có dịp “bung ra”. Công trình Thầy in ra nhiều, đủ mọi lĩnh vực. Không ai ngạc nhiên bởi đã biết sức làm việc của Thầy. Nhưng tuổi già và bệnh tật không chừa một ai. Thầy cũng không kịp làm hết những việc như dự định. Thầy ốm đã lâu.

Một lần nghe tôi hỏi về Thầy, Thầy Nguyễn Kim Đính là anh vợ Thầy, than thở: “Đau nhất là ông ấy quên hết mọi chuyện. Một trí tuệ như thế mà giờ quên hết mới đau chứ. Kể lại chuyện này, chuyện kia hỏi có nhớ không đều nói không nhớ gì cả”.

Thôi thì gần một thế kỷ sống, làm việc, Thầy cũng có quyền quên đi những gì đáng quên còn người thân, đồng nghiệp, học trò thì không quên gì cả. Kính tiễn Thầy về giời thanh thản vì những gì làm được Thầy đã làm cả rồi...

Kính Thầy về miền mây trắng!

Phạm Quang Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm