Hoạt hình hiện đại không bao giờ thay thế được hoạt hình truyền thống

(Dân trí) - Nhiều bộ phim hoạt hình kinh điển như “Lọ Lem”, “Cậu bé rừng xanh”, “Người đẹp và quái vật”… lần lượt được đưa ra làm lại bằng phương pháp hiện đại, với diễn viên người thật tham gia diễn xuất. Nhưng có những thứ - ảo vẫn hơn thật, và xưa cũ vẫn hơn hiện đại.

Hoạt hình hiện đại: Thoạt tiên choáng ngợp, ngỡ ngàng…

Những bộ phim hoạt hình “live-action” hiện đại nhất hiện nay đều được thực hiện theo tiêu chí “hiện thực hóa”, theo đó, không chỉ có diễn viên người thật tham gia diễn xuất, mà những nhân vật hoạt hình (là động vật hoặc đồ vật) cũng được thực hiện theo phương pháp chân thực nhất có thể.

Hoạt hình hiện đại không bao giờ thay thế được hoạt hình truyền thống - 1

Thoạt tiên, khi được chiêm ngưỡng sự chân thực kỳ diệu của hoạt hình hiện đại, người xem không khỏi choáng ngợp, ngỡ ngàng, nhưng khi những phim hoạt hình “live-action” ngày càng nhiều, fan cine đích thực hẳn sẽ cảm thấy có chút gì đó thiếu vắng gây luyến tiếc, khi đem so sánh lại cảm giác từng có với những phim hoạt hình truyền thống.

Hoạt hình “live-action” sẽ không bao giờ có thể hoàn toàn thay thế hoạt hình truyền thống với những nhân vật được tạo nên từ nét vẽ hoạt họa. Hoạt hình được tạo ra với mục đích trước tiên là đưa người xem bước vào thế giới thần tiên cổ tích, thế giới của trí tưởng tượng không giới hạn, và vì vậy, hoạt hình chưa bao giờ đặt ra tiêu chí đầu tiên là phải… y như hiện thực.

Bởi nếu đã giống hệt hiện thực, đó đã không còn là những giấc mơ hoạt hình đích thực nữa. Có những yếu tố trong hoạt hình không nhất thiết đòi hỏi độ chân thực, chính xác tuyệt đối; trong khi đó, dòng phim hoạt hình “live-action” lại hướng tới những nét chân thực tối đa.

Đối với những ai đã từng say mê phiên bản “Người đẹp và quái vật” (1991), thì khi xem phiên bản “live-action” vừa ra rạp, một trong những điều lạ lẫm nhất chính là diện mạo của một số nhân vật trong phiên bản mới. Sự lạ lẫm này thậm chí có phần gây thất vọng.

Hoạt hình hiện đại không bao giờ thay thế được hoạt hình truyền thống - 2

Diện mạo của nàng Belle hay hoàng tử quái vật được tạo hình bằng phương pháp “CGI” hiện đại đều không khiến fan phim 1991 cảm thấy bất ổn, nhưng tuyến nhân vật phụ - những gia nhân bị phù phép biến thành đồ vật trong tòa lâu đài chịu lời nguyền - mới thực sự là vấn đề.

Có một tuyến nhân vật phụ nhưng góp phần làm nên linh hồn cho “Người đẹp và quái vật”, đó là cô bình trà Mrs. Potts, anh đèn nến Lumiere, cô chổi phủi bụi Fifi, bác đồng hồ Cogsworth, cậu bé tách trà Chip… Những nhân vật nhân cách hóa này ca hát, nhảy múa, và giúp đưa người đẹp Belle cùng hoàng tử quái vật lại gần bên nhau, nảy nở tình yêu.

Trong phiên bản hoạt hình 1991, những nhân vật phụ này được khắc họa bằng những nét hoạt họa dễ thương, biểu cảm; trong phiên bản hoạt hình “live-action” mới đây, những nhân vật này lại được khắc họa theo chiều hướng chân thực, nhưng để nói có dễ thương, biểu cảm bằng phiên bản 1991 hay không, câu trả lời là không.

Những nhân vật này giờ đây trông quá thật, đến nỗi khi xem, người ta chỉ thấy ngay rằng đó là bình trà, là tách trà, giá nến, đồng hồ… rất khó dể có thể cảm nhận được linh hồn, thần thái, cảm xúc trong những nhân vật này.

Hoạt hình hiện đại không bao giờ thay thế được hoạt hình truyền thống - 3

Hoạt hình hiện đại không bao giờ thay thế được hoạt hình truyền thống - 4

Bác đồng hồ Cogsworth trong phiên bản hoạt hình 1991 từng khiến người xem cảm nhận được rất rõ hình ảnh của bác thuở còn là… con người - một vị quản gia béo mập nhưng vẫn rất trang nhã, lịch thiệp và đáng mến.

Đó không phải vấn đề chỉ riêng “Người đẹp và quái vật” phiên bản “live-action” gặp phải. Bộ phim hoạt hình “Cậu bé rừng xanh” đình đám ra mắt hồi năm ngoái cũng gặp chung một khó khăn, đó là khi thay những nhân vật động vật được khắc họa bằng các nét vẽ hoạt họa bằng nhân vật chân thực sử dụng phương pháp CGI, cái hồn biểu cảm bỗng mất đi.

Những nhân vật như bác gấu Baloo, báo đen Bagheera, đười ươi Louie, hổ Shere Khan… bỗng bị mất đi những nét biểu cảm phỏng đại của nét vẽ hoạt họa. Thay vào đó, người ta thấy những động vật chân thực hiện ra trên màn ảnh. Để có thể đọc được biểu cảm trên gương mặt bác gấu Baloo không còn dễ như khi xem phiên bản hoạt hình “Cậu bé rừng xanh” (1967).

Hoạt hình truyền thống: Sức mạnh biểu cảm của nét vẽ hoạt họa

Có nhiều thứ bị mất đi khi chuyển từ hoạt hình với lối vẽ hoạt họa truyền thống sang hoạt hình “live-action” hiện đại. Đó là khi người xem cine đương đại phải lựa chọn: hoặc hoạt hình biểu cảm theo lối vẽ hoạt họa truyền thống; hoặc hoạt hình chân thực theo phong cách “live-action” hiện đại.

Hoạt hình hiện đại không bao giờ thay thế được hoạt hình truyền thống - 5

Nhưng đến đây, người ta lại nhớ tới mục đích của hoạt hình buổi ban đầu, đó là khi những phép thuật kỳ diệu trở thành sự thật trên màn ảnh, khi điều không thể trở thành có thể trong những câu chuyện hoang đường, để mặc cho trí tưởng tượng dẫn dắt…

“Alice ở xứ sở thần tiên” (2010), “Tiên hắc ám” (2014 - dựa trên “Người đẹp ngủ trong rừng”), “Lọ Lem” (2015), “Cậu bé rừng xanh” (2016), “Người đẹp và quái vật” (2017) mới chỉ là những phim hoạt hình đầu tiên được chuyển thể sang dạng “live-action”. Sắp tới đây sẽ còn có “Hoa Mộc Lan”, “Nàng tiên cá”, “Vua sư tử”, “Cruella” (dựa trên phim “101 chú chó đốm”).

Giữa bối cảnh màn ảnh tràn ngập phim siêu anh hùng, đây được xem là một hướng đi gây thiện cảm đối với giới phê bình và công chúng. Hoạt hình “live-action” được thực hiện để phục vụ người xem trưởng thành hơn là trẻ nhỏ. Thế hệ những người trưởng thành yêu cine hôm nay đều đã xem những bản phim hoạt hình hoạt họa kinh điển.

Những phim hoạt hình làm lại dạng “live-action” giống như món quà điện ảnh thời thượng để dành tặng cho phần trẻ thơ còn lưu giữ lại trong mỗi người xem. Dù xu hướng làm mới phim hoạt hình kinh điển đang tạo nên hiệu ứng mạnh ngoài phòng vé, nhưng nó lại cho thấy một khía cạnh khác rằng: Hollywood đang thiếu đi ý tưởng mới.

Hoạt hình hiện đại không bao giờ thay thế được hoạt hình truyền thống - 6

Hết những loạt phim siêu anh hùng “tiếp theo… tiếp theo nữa…”, lại tới những phim hoạt hình làm lại với một vài chi tiết thêm thắt. Những ý tưởng điện ảnh “mới nguyên” và chất lượng thật quá hiếm hoi.

Nếu trong phiên bản hoạt hình 1991, người ta cảm nhận rõ tình cảm mến thương giữa nàng Belle và cô bình trà Potts, thì ở phiên bản “live-action” lần này, giữa hai nhân vật có một sự xa cách lạ lùng.

Đơn giản bởi giữa nhân vật người thật và một chiếc bình trà cũng rất thật, để hình thành một sợi dây tình cảm thật quá kỳ khôi, sự xa lạ đến ngay từ diện mạo - một bên là người, một bên là vật; trong khi điều này đã từng được thể hiện xuất sắc qua nét vẽ hoạt họa, giúp các nhân vật trở nên tương đồng.

Trong phong cách hoạt hình truyền thống, người họa sĩ không bao giờ đặt tiêu chí chân thực lên hàng đầu. Trong khi đó, ở hoạt hình “live-action”, người ta luôn hướng đến sự chân thực gây sửng sốt, những mòn đồ vật, những loài động vật càng có diện mạo chân thực càng tốt.

Hoạt hình hiện đại không bao giờ thay thế được hoạt hình truyền thống - 7

Điện ảnh đang ở vào kỷ nguyên của hiệu ứng kỹ xảo hình ảnh, các phim bom tấn hiện giờ hầu hết đều trưng trổ thế mạnh công nghệ hiện đại. Sự so sánh giữa hai phiên bản “Người đẹp và quái vật” khiến người xem nhận thấy rõ ràng rằng hoạt hình truyền thống có thể tạo nên những xúc cảm mà không một hoạt hình “live-action” chân thực tuyệt đỉnh nào có thể thay thế.

Khi xu hướng làm lại phim hoạt hình kinh điển vẫn sẽ còn tiếp diễn bởi doanh thu phòng vé đang cho thấy dấu hiệu quá đỗi khả quan, liệu rồi có khi nào dòng phim hoạt hình “live-action” cũng khiến người xem cảm thấy “ngấy” như người ta đang “ngấy” dòng phim siêu anh hùng ngập tràn phòng chiếu?

So sánh từng khuôn hình trong hai phiên bản “Người đẹp và quái vật” 1991 - 2017

Bích Ngọc
Theo Hollywood Reporter