“Hoảng” với người mẫu, ca sĩ lên phim truyền hình

Việc nhà sản xuất phim truyền hình phải chạy theo “lượng” và tận dụng những “bình hoa di động” tham gia diễn xuất để “câu” khán giả khiến chất lượng phim truyền hình “tuột dốc không phanh”. Không hiếm bộ phim, khán giả xem xong thấy như “nước đổ lá khoai”...

Lam Trường - Thủy Tiên trong phim Ngôi nhà hạnh phúc.

Lam Trường - Thủy Tiên trong phim Ngôi nhà hạnh phúc.

Khi ca sĩ, người mẫu thi nhau lên phim

Thay vì tuyển chọn những diễn viên có nghề, những bộ phim truyền hình hiện nay thường tuyển hoa hậu, ca sĩ, người mẫu… đóng phim. Nói không quá, những “bình hoa di động” ấy “góp phần” khiến chất lượng phim “tuột dốc không phanh”. Có thể kể tới: ca sĩ Bảo Anh trong phim “Vừa đi vừa khóc” bị chê “tơi bời” với lối diễn tẻ nhạt, khuôn mặt cứng nhắc, khó lột tả tính cách nhân vật: ca sĩ Thủy Tiên “lấn sân” điện ảnh qua các bộ phim “Nụ hôn thần chết” hay “Bỗng dưng muốn khóc”, “Ngôi nhà hạnh phúc”, với cách diễn khiến nhiều người xem bấm nút chuyển kênh...

Giẫm phải “vết xe đổ” là Mỹ Tâm. Vào vai chính trong phim “Cho một tình yêu”, cô bị chê quá già so với nhân vật, diễn xuất như một cái máy nói, khuôn mặt không biểu cảm... Hoa hậu châu Á tại Mỹ Jennifer Phạm vào phim “Xin thề anh nói thật” cũng bị “ném đá”.

Diễn xuất còn gượng gạo của dàn diễn viên cùng cách lột tả cảm xúc không trung thực cũng là điểm yếu của những người đẹp trước sức nặng về việc hóa thân vào nhân vật. Không ít khán giả phải thốt lên: “Nhiều bộ phim truyền hình dài tập, càng xem chất lượng nội dung và cách diễn của diễn viên càng đuối”.

Nghề diễn dần bị nghiệp dư hóa đến mức có cảm giác ai cũng có thể trở thành diễn viên.

“Lẩu thập cẩm” trong biên kịch

Chất lượng phim truyền hình Việt Nam hiện nay là điều đáng bàn. Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thực thi Luật Điện ảnh quy định: “Tỷ lệ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng”. Quy định này nhằm khuyến khích “người Việt xem phim Việt”, tăng tính tự tôn dân tộc, giảm thời lượng phát sóng phim truyền hình nước ngoài.

Vậy nhưng, “góc khuất” trong thực hiện Nghị định ấy là sự cẩu thả ở khâu sản xuất, kiểm duyệt phim truyện. Có trên 30 hãng phim tư nhân với hàng trăm bộ phim “ra lò” tương đương 4.500 tập phim được sản xuất mỗi năm. Dường như họ chỉ quan tâm tới “lượng”, còn “chất” thì “tặc lưỡi” bỏ qua.

Vì chạy đua với thời gian, sức ép phim dài tập, những diễn viên trẻ chẳng có thời gian nghiên cứu tâm lý nhân vật, thuộc thoại. Diễn viên mỗi lần thoại phải có người nhắc hoặc nhìn giấy ảnh hưởng đến diễn xuất. Đây cũng là một nguyên nhân khiến chất lượng phim truyền hình làng nhàng, ít ấn tượng. Không ít ý kiến còn lo ngại khi văn hóa công sở, văn hóa ứng xử của giới trẻ bây giờ được đưa vào phim một cách quá tùy tiện, ngẫu hứng, phản cảm...

Kịch bản phim ngày càng nhạt bởi xu hướng “lẩu thập cẩm” trong biên kịch. Rất nhiều kịch bản được viết theo kiểu nhóm. Mỗi người viết một đoạn, sau đó người biên tập chính sẽ “chuốt” lại một cách qua loa. Hệ quả, văn phong, tư duy mỗi người một khác, tính cách nhân vật, bối cảnh phim lộn xộn, không logic; tập phim sau “đá” tập phim trước. Có những nhà sản xuất tư nhân chỉ chú trọng hiệu quả kinh tế, xem nhẹ chất lượng phim, xem nhẹ hiệu quả xã hội của phim. Không hiếm bộ phim, khán giả xem xong thấy như “nước đổ lá khoai”. Bộ phim chẳng đọng lại ấn tượng cũng như thông điệp gì với người xem.

Đạo diễn Lê Hoàng từng phân tích: “Sự kém hấp dẫn chẳng qua do nhà sản xuất không chịu đầu tư. Đầu tư ở đây không nên hiểu theo nghĩa hẹp là kinh phí, tiền bạc. Đó là sự đòi hỏi đầu tư về chất xám, tư duy trong tâm thế phim Việt đang phải cạnh tranh trầy trật với phim ngoại”.

Tất cả những lỗi trên đều phần nào thể hiện sự cẩu thả, thiếu tôn trọng, nếu không muốn nói là coi thường khán giả của các nhà làm phim. Nếu cứ chịu nhiều áp lực từ nhà tài trợ, nhà sản xuất phải kéo dài phim để đáp ứng yêu cầu về thời lượng, đưa dàn “bình hoa di động” diễn xuất... như hiện nay, sự phát triển của phim truyền hình sẽ bị đẩy lùi.

Theo Thùy Dương
Báo Pháp luật