Hoàng Tùng: “Trả cát- sê 100 triệu tôi cũng không hát nhạc Sơn Tùng”

(Dân trí) - Nam ca sĩ gắn tên tuổi với những ca khúc nhạc đỏ như “Tôi là người thợ mỏ”, “Tình ca” tiết lộ mức cát- sê ngày đầu đi hát khiến nhiều người… giật mình. Anh cũng thẳng thắn từ chối mức cát- sê khủng nếu bị yêu cầu hát dòng nhạc “tréo ngoe” với giọng hát…

“Tôi muốn trở thành nghệ sĩ đa năng”

Là ca sĩ dòng nhạc thính phòng, Hoàng Tùng cũng chạy theo trào lưu các ca sĩ khác khi ra mắt album nhạc xưa?

Tôi ra mắt “Khúc xưa” thời điểm này không phải chạy theo trào lưu mà đây là những bản tình ca tôi đã thích từ lâu. Tôi nghĩ rằng, sự trải nghiệm thời gian qua giúp tôi cảm nhận sâu sắc hơn về những ca khúc.

Ví như ca khúc “Nửa hồn thương đau”, đằng sau nó là cả một câu chuyện tình lớn của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Ông viết ca khúc cho người mình yêu nhưng người ấy lại phản bội ông vì thế, trong một đêm vắng ông viết câu “ôi những người khóc lẻ loi một mình…”. Người yêu phản bội, một nửa hồn ông như đã chết.

Bây giờ tôi mới cảm nhận được nỗi đau này của chính tác giả, còn nếu là trước kia tôi sẽ không hiểu được hết câu chuyện đằng sau ca khúc cũng như không cảm nhận được hết nỗi lòng của tác giả. Khi mình cảm nhận, hiểu được ca khúc thì hát sẽ tình hơn, đời hơn và có độ sâu hơn.

Tại buổi ra mắt album nhạc xưa chiều ngày 16/1, ca sĩ Hoàng Tùng chia sẻ, album Khúc xưa bị lùi phát hành gần 1 năm vì nhiều yếu tố khách quan. (Ảnh: Hòa Nguyễn)
Tại buổi ra mắt album nhạc xưa chiều ngày 16/1, ca sĩ Hoàng Tùng chia sẻ, album "Khúc xưa" bị lùi phát hành gần 1 năm vì nhiều yếu tố khách quan. (Ảnh: Hòa Nguyễn)

Vốn gắn tên tuổi với những ca khúc nhạc đỏ mang âm hưởng thính phòng như “Tôi là người thợ lò” của Hoàng Vân, “Tình ca” của Hoàng Việt, “Tình hoài hương” của Phạm Duy…, việc anh lấn sân sang hát nhạc xưa, anh có sợ vấp phải những ý kiến trái chiều?

Hãy nghe những bản tình ca tôi hát và hãy cảm nhận nó rồi hãy đưa ra những ý kiến nhận xét. Tôi không muốn đóng mình với một dòng nhạc nào mà muốn trở thành một nghệ sĩ đa năng. Hiện tại, tôi cũng đang sáng tác và sắp tới tôi sẽ hát chính những ca khúc của mình.

Biết đâu thời gian tới tôi sẽ hát cả bolero. (Cười)

Có ý kiến cho rằng, bolero như mảnh đất đang có quá nhiều người nhảy vào “cày xới” khiến cho khán giả cảm thấy bội thực. Theo anh, vì đâu bolero lại có sức hút mãnh liệt với các nghệ sĩ đến vậy?

Vì bolero có ca từ gần gũi với cuộc sống và đang được khán giả đón nhận nhiệt tình. Thời gian qua, truyền thông cũng dành cho bolero sự quan tâm nhiều hơn.

Hoàng Tùng nói, anh không muốn đóng mình với một dòng nhạc nào.
Hoàng Tùng nói, anh không muốn đóng mình với một dòng nhạc nào.

“Trả 100 triệu, tôi cũng không hát nhạc Sơn Tùng”

Gần đây, ca sĩ Ngọc Anh 3A gây ồn ào khi bị nhạc sĩ Phú Quang tố thiếu tình khi “hét” cát-sê lên tới 10.000 USD trong đêm nhạc của ông. Trong khi ông là người đã góp công lăng xê Ngọc Anh, kéo nữ ca sĩ từ nhóm 3A ra hát solo. Là một ca sĩ, với nhiều mối quan hệ trong nghề, anh có thể chia sẻ điều gì xoay quanh vụ việc này?

Thực ra, mỗi người một hoàn cảnh, chỉ có người trong cuộc là hiểu rõ nhất. Nếu là tôi, tôi sẽ tìm cách ứng xử phù hợp và tế nhị nhất. Tôi nghĩ, trong bất kỳ mọi chuyện, cách ứng xử là điều quan trọng nhất.

Nhiều ca sĩ dòng nhạc chính thống bày tỏ cảm giác tủi thân khi mức cát- sê giữa ca sĩ dòng nhạc chính thống và nhạc thị trường bị chênh lệch quá lớn. Ý kiến của anh thế nào?

Không biết người khác nghĩ thế nào, bản thân tôi không suy nghĩ nhiều, không trăn trở về điều đó. Vì tạo hóa cuộc sống đã dành cho mỗi người một công việc khác nhau nên việc thu nhập khác nhau là chuyện bình thường.

(Cười) Nếu trả cát- sê cho tôi 100 triệu để tôi hát nhạc của Sơn Tùng hay Mỹ Tâm, tôi cũng không thể làm được.

Ca sĩ Hoàng Tùng không kén chọn sân khấu, miễn là có khán giả đón nhận và anh cảm thấy thoải mái...
Ca sĩ Hoàng Tùng không kén chọn sân khấu, miễn là có khán giả đón nhận và anh cảm thấy thoải mái...

Hát ở các sự kiện mừng thọ, hiếu hỉ bao giờ cát- sê cũng “khủng” nhưng xoay quanh vấn đề này cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Có người thì sẵn sàng hát ở bất kỳ đâu miễn là có khán giả. Cũng có người thẳng thừng từ chối hát đám cưới vì không muốn hát trong khi khán giả chỉ mải… ăn và nói chuyện. Cá nhân anh thì sao?

Tôi thì không cực đoan đến nỗi từ chối hát đám cưới mà tùy sự kiện để nhận lời. Chương trình nào thoải mái thì mình vẫn hát. Đối với tôi, cát- sê không phải là yếu tố quan trọng nhất. Mà tôi hát đám cưới không cát- sê thường xuyên ấy chứ. Anh em bạn bè cưới thì mình lên hát chúc mừng, hát nhiệt tình.

Từ ngày bước chân vào nghề ca hát và cho đến khi đoạt giải nhất dòng nhạc thính phòng Sao Mai năm 2003 thì mức cát- sê của anh tăng gấp bao nhiêu lần?

Từ những ngày học sinh, sinh viên tôi đi hát với cát- sê rất thấp, có thể nói là được bồi dưỡng 17 ngàn đồng, 20 ngàn đồng. Thậm chí, trong nhiều chương trình chỉ là hát vui, không có cát- sê.

Giờ thì mức cát- sê của tôi gấp gần 1000 lần so với thời gian đầu tiên đi hát. So với mặt bằng thị trường âm nhạc là bình thường nhưng tôi tự tin sống với mức cát- sê đó.

Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!

Nguyễn Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm