Hoàng Sa của Đế chế An Nam trên bản đồ

Bản gốc bộ Atlas thế giới vô cùng quý giá do nhà địa lý học kiệt xuất Philippe Vandermaelen vẽ năm 1827 chính thức gia nhập kho tàng sử liệu của Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Tấm bản đồ số 106 cho thấy rõ quần đảo Paracels (Hoàng Sa) thuộc Đế chế An Nam

Tấm bản đồ số 106 cho thấy rõ quần đảo Paracels (Hoàng Sa) thuộc Đế chế An Nam

Nhân dịp Bộ Thông tin Truyền thông hôm nay (13/5) giới thiệu trọn bộ 6 tập bộ Atlas thế giới này đến công chúng sau khi kỳ công khảo sát, đánh giá, mua và đưa về VN từ Bỉ, những giá trị quan trọng nhất của chúng đối với việc khẳng định chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa đã được phân tích.

GS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN, người đã trực tiếp đi khảo sát, đánh giá và đem tư liệu quý giá này về VN chỉ ra: Bộ Atlas được Philippe Vandermaelen (1795-1869) hoàn chỉnh trên cơ sở những tấm bản đồ tốt nhất thế giới lúc đó, cùng những thông tin về quan sát thiên văn hay những chuyến du hành tới nhiều nơi trên trái đất. Bộ Atlas nổi tiếng này đã được khai thác và sử dụng ở nhiều nước trong suốt gần 200 năm qua.

Tấm bản đố số 98 cho thấy biên giới phía nam của Trung Quốc chỉ đến cực nam đảo Hải Nam

Tấm bản đố số 98 cho thấy biên giới phía nam của Trung Quốc chỉ đến cực nam đảo Hải Nam

"Trong 111 tấm bản đồ các nước châu Á, Việt Nam khi đó được giới thiệu thông qua 4 tấm. Trong đó, tấm 106 đề Partie de la Cochinchine vẽ đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16. Phía ngoài khơi, Paracels (Hoàng Sa) được vẽ chi tiết và chuẩn xác trong khoảng vĩ độ từ 16 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 111", ông Ngọc nói.

Bên cạnh khu vực được xác định là Paracels là một bản giới thiệu tóm tắt về Đế chế An Nam (Empire d'An-nam) với những thông tin địa lý, chính trị, thống kê, khoáng sản... mà "chỉ cần đọc lên là biết đó là nước ta chứ không phải nước nào khác", GS. Nguyễn Quang Ngọc phân tích.

Tấm bản đố số 98 cho thấy biên giới phía nam của Trung Quốc chỉ đến cực nam đảo Hải Nam

GS. Nguyễn Quang Ngọc: Đây là một bằng chứng hùng hồn, đích thực, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế cao

Cũng quan trọng không kém là tấm bản đồ số 98 đề Partie de la Chine vẽ khu vực Quảng Đông và đảo Hải Nam, cho thấy rõ biên giới cực nam của Trung Quốc khi đó chỉ đến đúng cực nam của đảo Hải Nam, chưa chạm đến vĩ độ 18.

Những phản ánh này của bộ Atlas thế giới do Philippe Vandermaelen vẽ cũng thống nhất với các tấm bản đồ phương Tây cùng thời cũng như với các bản đồ của chính Trung Quốc từ thập kỷ đầu thế kỷ 20 trở về trước.

Bộ Atlas thế giới nói chung và tấm bản đồ Partie de la Cochinchine nói riêng, do đó, là một tài liệu vô giá, một bằng chứng hùng hồn, đích thực, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế cao cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của VN, Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN khẳng định.

Cũng nhận xét về giá trị pháp lý của bộ Atlas và tấm bản đồ số 106, GS.TS. luật sư Nguyễn Bá Diễn, Giám đốc Trung tâm luật Biển quốc tế, ĐHQG Hà Nội, nói: Đây có thể trở thành nguồn chứng cứ, thậm chí là chứng cứ quan trọng nếu ta đưa vấn đề này ra các cơ quan tài phán quốc tế. Vì hai tiêu chí quan trọng mà nó đạt được là tính chính xác với kinh độ, vĩ độ rõ ràng và tính khách quan tức là được vẽ bởi một bên thứ ba không liên quan đến các bên tranh chấp.

Tấm bản đố số 98 cho thấy biên giới phía nam của Trung Quốc chỉ đến cực nam đảo Hải Nam

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son (phải) nhận bộ Atlas từ tay ông Ngô Chí Dũng, công ty Dược phẩm ECO, doanh nghiệp tài trợ kinh phí cho quá trình khảo sát, mua và đưa bộ Atlas về VN

"Các tấm bản đồ đã chỉ rõ Hoàng Sa cho đến đầu thế kỷ 19 chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc, chứ chưa nói đến Trường Sa. Qua đó cho thấy yêu sách và việc Trung Quốc xâm chiếm hai quần đảo này là hoàn toàn trái pháp luật quốc tế", ông Diễn cho biết kho tàng đồ sộ về bằng chứng chủ quyền của VN đối với hai quần đảo này vừa có thêm một tư liệu giá trị.

Phát biểu tại lễ trao tặng bộ Atlas, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng nhận định: "Việc tiếp nhận bộ Atlas thế giới này bổ sung thêm một tư liệu quý, bằng chứng quan trọng góp phần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang xâm phạm vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam bằng việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, cho tàu và máy bay hộ tống tấn công các tàu chấp pháp của Việt Nam".

Theo Chung Hoàng
Vietnamnet