Hoàn thành tu bổ nơi thờ các bậc thân huân có công triều Nguyễn
(Dân trí) - Sáng 27/4, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ khánh thành công trình Tả Tùng Tự, nằm trong khu vực Thế Miếu (Đại Nội, Huế) vừa được bảo tồn tu bổ phục hồi xong.
Tả Tùng Tự cùng với Hữu Tùng Tự thuộc Thế Miếu là nơi thờ tự các bậc thân huân, công thần có công với triều Nguyễn. Trong buổi sáng khánh thành, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng tổ chức lễ an vị các án thờ và bài vị của các công thần dưới triều Nguyễn đã từng được bài trí tại đây.
Trong các cụm công trình được xây dựng với chức năng thờ tự ở khu vực Đại Nội, Thế Miếu là cụm công trình hoàn chỉnh nhất. Sau năm 1975, toàn bộ 9 công trình được xây dựng trong khu vực Thế Miếu chỉ còn lại 5 công trình là Thế Miếu, Hưng Miếu, Hiển Lâm Các, Thần Trù và Thổ Công Từ. Còn 4 công trình khác là Tả Tùng Tự, Hữu Tùng Tự, Thần Khố và Canh Y Điện chỉ còn lại phế tích.
Tả Tùng Tự trước khi tu bổ chỉ có nền và 2 bức tường
Và sau khi tu bổ như xưa
Riêng công trình Tả Tùng Tự (nơi thờ tự các công thần quan trọng nhất của Triều Nguyễn cùng với Hữu Tùng Tự) thì vẫn còn lại toàn bộ phần nền móng và 2 bức tường đầu hồi với đầy đủ dấu tích các cấu kiện của bộ khung chịu lực.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, mục đích của việc thực hiện Dự án Phục hồi di tích Tả Tùng Tự vẫn nằm trong mục đích chung trước đây của “Dự án Tu bổ tổng thể di tích Thế Miếu” là gìn giữ cho di tích Huế các công trình tư liệu - lịch sử - văn hóa, từng bước khôi phục lại các cụm công trình di tích với quy mô và chức năng hoàn chỉnh, góp phần tái hiện khung cảnh tráng lệ và đời sống sinh hoạt cung đình xưa nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân lao động và làm đa dạng hóa các hình thức phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội trên toàn Tỉnh.
Cắt băng khánh thành Tả Tùng Tự - nơi thờ các bậc thân huân, công thần của triều Nguyễn
Công trình Tả Tùng Tự - Thế Miếu có trị giá 11,5 tỷ đồng thực hiện trong hơn 1 năm. Công trình di tích này có diện tích 209,63m2; nền được gia cố lớp bê tông lót, chống mối bề mặt nền và hào xung quanh công trình, chống ẩm và lát hoàn thiện bằng gạch Bát Tràng thường; Hệ khung chịu lực và hệ mái được phục hồi bằng toàn bộ bằng gỗ Kiền… và thêm các hạng mục khác nhằm hoàn chỉnh việc bảo tồn phục hồi chức năng lịch sử của công trình này, gồm: Khám Thờ; Bàn đặt khám thờ, Đồ thờ, Bàn đựng lễ vật, Án thờ, Điện nội thất, Đèn lồng, Mành tre.
Đại Dương