Họa sỹ Phạm Lực: “Tôi xem vẽ chỉ để giải khuây cho những đêm buồn...”

(Dân trí) - Trời phú cho Phạm Lực một tài năng thiên bẩm nhưng đồng thời khiến trái tim người họa sỹ được mệnh danh là “Van Gogh Việt Nam” ấy chịu không ít tổn thương. Chẳng thế mà đằng sau ánh mắt và những bức tranh của ông già với bộ ria mép rậm rạp- nay đã 73 tuổi vẫn thấy thấp thoáng một nỗi buồn nhân tình, thế thái.

Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với họa sỹ đặc biệt này!

Chân dung họa sỹ Phạm Lực
Chân dung họa sỹ Phạm Lực

Vẽ như bị “giời đày”

Xin chào họa sỹ! Những người yêu quý dành tặng ông cái tên “Van Gogh Việt Nam”, ông nghĩ sao, thưa ông ?

Có lẽ vì lối vẽ của tôi gần gũi với cuộc sống của mọi người chứ không phải tôi tài giỏi gì. Cuộc sống của người Việt Nam có đầy đủ trong tranh của tôi, từ cô gái bán hoa, anh lính, cụ già, người nông dân, cháu bé… Mỗi bức vẽ là một câu chuyện, là một cuộc đời. Một người tình cờ nhìn thấy rồi bảo giống họ thế, và họ thích.

Chỉ tính riêng việc Phạm Lực có hẳn một câu lạc bộ chuyên sưu tầm tranh của mình với hơn 100 thành viên và đang giữ trong tay khoảng 6000 tác phẩm đủ để thấy ông có sức vẽ tranh hơn người ?

Tôi gặp gì vẽ nấy, coi vẽ chỉ để giải khuây cho những đêm buồn, vẽ chơi cho vui nên cứ miệt mài vẽ thôi. Từ năm 14 tuổi tôi bị huyết áp cao, vì vậy tôi coi lao động để giữ gìn sức khỏe. Lao động nghĩa là vẽ ấy… chứ cả đời Phạm Lực cầm chì, cầm cọ có biết làm gì khác đâu (cười). Nếu không vẽ là tôi ốm, tôi vẫn hay đùa mình “vẽ như bị giời đày”.

Họa sỹ Phạm Lực: “Tôi xem vẽ chỉ để giải khuây cho những đêm buồn...” - 2
Bức vẽ “Hai mẹ con 2 ”
Bức vẽ “Hai mẹ con 2 ”

Dường như ông bén duyên với vẽ tranh từ rất sớm?

Tôi vẽ từ khi 3 tuổi, vật gì cũng có thể trở thành bút vẽ: cành cây, cục than, miếng gạch vụn, mẩu sắn mì phơi khô... và vẽ lên bất cứ ở đâu. Nhiều lần bị hàng xóm xung quanh "mắng vốn" vì tôi chuyên vẽ bậy lên tường nhà họ. Cũng may, sau này tôi phát hiện ra nguyên một bãi cát rộng dọc bờ sông La, thế là có chỗ cho tôi mặc sức tung hoành.

Đi lính, tôi vẫn tay súng tay cọ. Thời kì gian khổ trong quân ngũ tôi phải vẽ trên cả bao tải. Số bị thất lạc, số thì bị hỏng vì mọt mối, mưa bom bão đạn. Đến giờ, không ngờ bao tải lại trở thành quý giá.

Hồi ấy, tôi bị nhiều phen cười ra nước mắt. Với họa sỹ vật bất ly thân chính là chiếc túi đồ nghề đựng hộp màu, giấy, bút vẽ. Lần nào đi công tác bằng xe nhà binh thì túi đồ nghề được nguyên vẹn, còn những lần nhảy tàu hỏa đi công tác tôi thường bị kẻ gian rạch túi. Kẻ cắp chẳng lấy làm gì những tuýp sơn dầu lem luốc, nhưng tôi thì khổ sở vì túi rách, hộp màu vung vãi.

Tác phẩm “Gánh gạo theo chồng”
Tác phẩm “Gánh gạo theo chồng”

“Tuổi trẻ bây giờ muốn sướng ngay, giàu nhanh và đầu óc quá thực tế”

Thời chiến tranh ông vẽ những gì ?

Sứ mệnh của người cầm cọ là ghi nhận lại. Chiến tranh, ngoài những bức vẽ có tính “cổ động” của người lính, tôi còn vẽ những thứ mình thích bằng cảm nhận và những khao khát của người nghệ sỹ.

Phải nói rằng, không ở đâu trên trái đất này, người phụ nữ lại vất vả như những người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến. Chiến tranh ở các nước khác trên thế giới phân định rõ tiền tuyến, hậu phương, còn ở ta không rõ ranh giới ấy. Ở hậu phương nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể bị bom đạn máy bay bắn phá, bởi vậy, người phụ nữ vừa vất vả trong lao động, vừa cô đơn trong chiến tranh.

Bởi thế tôi chú ý nhiều đến góc khuất chiến tranh, đặc biệt hình ảnh người phụ nữ. Hình ảnh bà mẹ già lưng còng xúc từng thìa cháo cho con trai là thương binh đang ngồi trên xe lăn, vẽ người vợ mang bầu nhìn lên bàn nơi có ảnh người chồng vừa hi sinh trong chiến trận ám ảnh tôi đến nao lòng. Đó là những giây phút im tiếng súng, nhưng không có nghĩa là mọi thứ đã bình yên.

Trong số những tranh ấy ông ưng ý với bức tranh nào nhất?

Thú thực tôi chưa thật sự hài lòng với bất cứ tác phẩm nào của mình cả. Tôi cũng không rõ bức nào là đẹp nhất, cái đẹp của tranh không phải do mình biết được mà do người chơi, xem đánh giá. Nếu họa sỹ vẽ được một bức đã đến đích rồi thì bỏ bút không vẽ được nữa. Tôi vẫn còn đang bơi, chưa đến đích!

Nhưng có một bức tranh đặc biệt hơn, tôi không bao giờ bán. Ðó là bức tranh vẽ mẹ tôi hồi chiến tranh. Nhiều lần tranh bị bom phá không còn nguyên vẹn, tôi vá lại và đã đưa về quê Hà Tĩnh giữ.

Phụ nữ trong tranh của ông đẹp và nghĩa tình, còn ngoài đời thực ?

Chắc tôi lận đận về đường tình nên để “lỡ duyên” với những người phụ nữ bên cạnh. Dù những người phụ nữ không mãi mãi ở bên nhưng tình yêu của họ đã hóa thân và tỏa sáng trên tranh Phạm Lực rồi. Tôi không ghét ai, cũng chẳng giận ai bao giờ. Tôi chỉ không quên hẹn, còn những ai làm mình đau đớn, tổn thương thì tôi nhanh quên lắm.

Giống như nhà văn, nhà thơ, bài nào hay chính là mang dáng dấp cuộc đời riêng tư của mình, cảm thấy chua xót mới ra được nó. Bởi lẽ đó nghệ thuật chưa chắc đã phải là đẹp, là hay, là hạnh phúc.

Các con của ông có ai theo đuổi nghiệp vẽ không ?

Tôi nhận thấy năng khiếu vẽ của các con từ nhỏ nhưng không tạo điều kiện để chúng nuôi dưỡng năng khiếu. Tuổi trẻ bây giờ muốn sướng ngay, giàu nhanh và đầu óc quá thực tế. Chúng thích những nơi sang trọng, không hiểu được cuộc sống gian khổ là thế nào.Vì thế tôi không muốn các con sớm say với ảo tưởng thành công mà quên đi sự nỗ lực phấn đấu.

Xin cảm ơn họa sỹ. Chúc ông dồi dào sức khỏe để sáng tác và thăng hoa!

Quỳnh Nguyên