Bạc Liêu:

Họa sĩ U50 với nghiệp tranh cổ động các ngày lễ "ăn sâu vào máu"

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Vào nghề từ 35 năm trước, người đàn ông 54 tuổi ở Bạc Liêu xem tranh, ảnh tuyên truyền, cổ động liên quan đến công tác chính trị như lễ kỷ niệm, bầu cử... là cái nghiệp đã "ăn sâu vào máu" của mình.

Mấy ngày qua ai đi đâu cũng thấy hình ảnh tuyên truyền, cổ động về bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp treo ở các tuyến đường. Có thể nhiều người nghĩ rằng tranh, ảnh này "in ra một cái là xong", nhưng với ông Đặng Hữu Lộc- một họa sĩ có hơn 35 năm theo tranh cổ động - là cả một câu chuyện nghề.

Ông Đặng Hữu Lộc chia sẻ về vẽ tranh cổ động

Vẽ Hòn Khoai khi chưa một lần đặt chân đến đó

Những ngày tháng 5 này, nhìn các bức tranh, ảnh tuyên truyền, cổ động treo rực rỡ ở các tuyến đường, ông Đặng Hữu Lộc (SN 1967, hiện là Phó giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Bạc Liêu) lại bồi hồi về một thời "máu lửa" của mình.

Ông kể, năm 1986, sau khi học xong lớp trung cấp mỹ thuật, ông ra trường tham gia một đoàn kịch nói. Tuy nhiên, vào đoàn kịch chưa được bao lâu, với khiếu vẽ, ông về phòng sáng tác mỹ thuật của Sở Văn hóa thông tin tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau).

Công việc của ông Lộc xoay quanh vẽ hình, tranh, ảnh minh họa, tuyên truyền, cổ động… liên quan đến công tác chính trị như các ngày lễ, ngày kỷ niệm… của địa phương, đất nước.

Họa sĩ U50 với nghiệp tranh cổ động các ngày lễ ăn sâu vào máu - 1

Ông Đặng Hữu Lộc đã có hơn 35 năm theo nghề vẽ, xử lý tranh tuyên truyền, cổ động cho các hoạt động liên quan đến công tác chính trị ở địa phương như lễ kỷ niệm, bầu cử... 

"Hồi đó vẽ tranh, ảnh bằng thủ công, dùng cọ vẽ bằng nước sơn, phẩm màu nên khá vất vả nhưng cũng lắm công phu. Sáng tác bằng cọ vẽ thì nội dung, bố cục của bức tranh, ảnh đó hoàn toàn độc lập của mình nên người vẽ thỏa sức có ý tưởng miễn sao phù hợp với hoạt động đó", ông Lộc khái quát nghề vẽ hàng chục năm trước.

Có những bức tranh, ảnh phải mất đến 2 - 3 ngày, lọ mọ, tỉ mỉ vẽ từ sáng đến tối mới xong. Bởi theo ông Lộc, bức tranh, ảnh đó chỉ cần sơ suất một chút như vẽ con người mà mắt, miệng… "lệch" với bối cảnh thì coi như bỏ, phải vẽ lại.

"Vẽ tranh liên quan đến công tác chính trị rất chỉn chu. Như vẽ sự kiện bầu cử thì hình ảnh người đi bầu mặc trang phục gì, có ánh mắt, miệng, tay cầm lá phiếu thế nào cho phù hợp, chứ không phải muốn vẽ thế nào cũng được", ông Lộc chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Lộc kể, có kỷ niệm mà ông không thể nào quên được khi mới "tập tễnh" vào nghề, đó là lần vẽ tranh về sự kiện kỷ niệm khởi nghĩa Hòn Khoai (thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau hiện nay) vào năm 1990.

"Khi nhận nhiệm vụ vẽ bức tranh miêu tả lại bối cảnh nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa ở Hòn Khoai, lúc đó tôi lo lắm vì mình chưa đi nên chưa biết Hòn Khoai bao giờ. Sau khi tham khảo ý kiến của chú, bác lớn tuổi ở địa phương, tôi mới hình dung ra được cây cối, hòn đá… ở trên hòn đảo thế nào nên mới vẽ.

Sau khi vẽ xong bức tranh bằng nước sơn dầu trên tấm tôn, cuối cùng khi đưa ra trưng bày ngay trong ngày lễ kỷ niệm thấy ai cũng khen nên tôi mới nhẹ lòng", ông Lộc bồi hồi nhớ lại.

Họa sĩ U50 với nghiệp tranh cổ động các ngày lễ ăn sâu vào máu - 2

Ông Đặng Hữu Lộc đang xử lý lại hình ảnh trong bức cổ động tuyên truyền về bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp sắp diễn ra.

Gắn bó với tranh cổ động vì đã "ăn vào máu"

Vừa trò chuyện với phóng viên, ông Lộc vừa nhìn vào màn hình máy tính, tay nhấp chuột thoăn thoắt xử lý nhanh chóng một bức tranh cổ động ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới.

"Thời đại công nghệ thông tin bây giờ chỉ cần mở máy tính, nhấp chuột vào những tập tin, hình ảnh cần thiết thì xử lý rất nhanh mà có thể nói không tốn nhiều công sức", ông Lộc chia sẻ thời hiện đại so với thời còn vẽ tranh bằng cọ.

Người đàn ông đã có hơn 35 năm theo con đường mỹ thuật thoáng chốc trầm ngâm nhớ về thời vẽ tranh bằng cọ, cũng những ngày chuẩn bị bầu cử như thế này, ông nói: "Mỗi lần đến kỳ bầu cử, khi còn dùng cọ để vẽ tranh cổ động thì vui lắm. Không khí vẽ rất xôm tụ, náo nhiệt khi có sự tham gia của nhiều người chụm đầu, hí hoáy vào một bức tranh.

Còn bây giờ, có khi chỉ một mình trong căn phòng nhỏ, chủ yếu "xử lý" hình ảnh chứ không còn gọi là vẽ nữa nên không khí nghề cũng có chút lặng lẽ. Nhưng vì nhiệm vụ, vì cái chung nên mình luôn cố gắng xử lý những bức tranh, ảnh tuyên truyền, cổ động bầu cử đạt chất lượng tốt nhất".

Họa sĩ U50 với nghiệp tranh cổ động các ngày lễ ăn sâu vào máu - 3

Ông Lộc cho biết bản thân có nhiều tâm tư khi nghề vẽ tranh cổ động dường như ít ai theo nên mong muốn có thể đào tạo thế hệ trẻ yêu nghề này.

Theo ông Lộc, hình ảnh tuyên truyền, cổ động bầu cử bây giờ chủ yếu có mẫu sẵn từ cơ quan chuyên môn. Vì thế, nhân vật trong ảnh có thể không còn là ý tưởng của riêng mình "nặn ra" như trước đây nữa nên công việc "xử lý" hình ảnh giờ cũng nhanh hơn.

Dù nghề vẽ thủ công đã có chút mai một nhưng ông Lộc vẫn luôn tìm hỏi, học hỏi công nghệ để đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Ông cũng sáng tạo nét riêng của mình trong bức tranh, ảnh cổ động đó như thay đổi vị trí, chỉnh lại chút nét mặt, màu sắc… trên tinh thần làm sao cho phù hợp với việc tuyên truyền, cổ động tại địa phương.

Có thể xem vẽ tranh cổ động là một nghề và ông Đặng Hữu Lộc đã gắn bó hơn 35 năm qua, ông nói đây như là cái nghiệp đã "ăn sâu vào máu" của mình. Ở tuổi 54 tuổi, ông nói mình vẫn luôn tâm huyết với nghề tranh cổ động này để góp phần nào công sức cho quê hương.

"Vẽ tranh tuyên truyền, cổ động không phải ai cũng có thể vẽ được, nhìn hình ảnh thấy dễ nhưng cần phải có kinh nghiệm, tâm huyết thì mới có thể vẽ hoặc xử lý tốt. Vì thế, mong muốn của tôi là tiếp tục theo nghề đến khi nào không còn làm được và đào tạo lại cho lớp trẻ có đam mê lĩnh vực này", ông Lộc bày tỏ.

Ông Vưu Long Vĩ, Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Bạc Liêu, đánh giá thời gian qua việc tuyên truyền, cổ động bằng hình ảnh trực quan về công tác chính trị trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có sự đóng góp rất lớn của ông Đặng Hữu Lộc.

"Anh Lộc có kinh nghiệm về mỹ thuật, lại tận tụy với công việc, cũng như chịu khó học tập cái mới... để làm sao cho tác phẩm của mình hoàn thiện nhất", ông Vĩ nhìn nhận.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm