Họa sĩ Lê Linh thắng kiện tác quyền Thần đồng đất Việt sau 12 năm
(Dân trí) - Theo HĐXX, ông Linh là tác giả duy nhất của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt và bà Hạnh không phải là đồng tác giả. Từ đó, yêu cầu công ty Phan Thị chấm dứt việc tạo ra, sử dụng những biến thể khác nhau của các hình tượng do ông Linh sáng tạo.
Ngày 18/2, TAND quận 1, TPHCM tuyên án vụ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt giữa nguyên đơn là ông Lê Phong Linh, bị đơn là công ty TNHH thương mại dịch vụ kỹ thuật và Phát triển tin học Phan Thị (công ty Phan Thị) và bà Phan Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc công ty Phan Thị).
Theo HĐXX, tác giả là người trực tiếp sáng tạo toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học nghệ thuật khoa học, để được công nhận là tác giả thì phải ký tên dưới tác phẩm.
Trong đơn yêu cầu Cục bản quyền tác giả cấp bản quyền tác giả cho 4 hình tượng các nhân vật "Trạng Tí", "Sửu Ẹo", "Dần Béo", "Cả Mẹo" thì nội dung chỉ xác nhận ông Linh và bà Hạnh được Công ty Phan Thị giao nhiệm vụ thực hiện các tác phẩm: bản vẽ nhân vật bé Sửu Ẹo, Trạng Tí, Cả Mẹo, Dần Béo để in trên bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt, toàn bộ quyền sở hữu thuộc về Công ty Phan Thị, không có nội dung nào xác nhận ông Lê Linh là đồng tác giả với bà Hạnh.
Bị đơn cho rằng ông Linh ký tên vào văn bản đăng ký ở Cục Bản quyền thừa nhận cả hai là đồng tác giả, HĐXX cho rằng, văn bản trên có chữ ký của cả 2 bên đề nghị Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận sở hữu cho công ty Phan Thị; văn bản có chữ ký của cả ông Linh và bà Hạnh, không có nội dung ghi ai là tác giả hay đồng tác giả mà chỉ ghi chủ sở hữu là của Phan Thị.
Tuyên án vụ Thần đồng đất Việt.
Trước khi đăng ký bản quyền tác giả, từ tập 1 đến tập 6 Thần đồng đất Việt, ghi tác giả truyện và tranh là Lê Linh. Công ty Phan Thị từng xuất bản tập truyện Thần đồng đất Việt trong đó xác định Lê Linh tham gia 6 bước trong quy trình xuất bản bộ truyện này. Việc bị đơn cho rằng bà Hạnh đã chỉ vẽ cho ông Linh nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh. Bên cạnh đó, nếu bà Hạnh cung cấp tài liệu cho ông Linh cũng không được xác định là đồng tác giả. Từ đó, HĐXX xác định ngoài họa sĩ Lê Linh không còn bất kỳ ai tham gia vào quá trình sáng tạo ra tác phẩm Thần đồng đất Việt. Bà Hạnh không phải là tác giả của 4 hình tượng nhân vật nên trên.
Đại diện đồng bị đơn cho biết sẽ kháng cáo.
Về yêu cầu buộc công ty Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng những biến thể khác nhau của các hình tượng do ông Linh sáng tạo từ các tập Thần đồng đất Việt tiếp theo cũng như trên các ấn bản khác như Thần đồng đất Việt khoa học, Thần Đồng Đất Việt mỹ thuật…Theo HĐXX, năm 2006, ông Linh nghỉ việc và ngừng sáng tác truyện tranh Thần đồng đất Việt. Trong thời gian này, ông phát hiện công ty Phan Thị phát hành các tập truyện Thần Đồng Đất Việt tiếp theo mà không có sự đồng ý của ông. Theo HĐXX, công ty Phan Thị có quyền sở hữu nhưng không có quyền làm biến thể khi chưa được sự đồng ý của ông Linh. Việc làm biến thể làm thay đổi bản gốc của các hình tượng này ảnh hưởng đến quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của ông Linh.
Từ đó, HĐXX chấp nhận phần yêu cầu này của ông Linh, buộc công ty Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng những biến thể khác nhau của các hình tượng do ông Linh sáng tạo. Đồng thời buộc bị đơn xin lỗi công khai trên một số phương tiện thông tin đại chúng trong 3 kỳ liên tiếp và thanh toán chi phí dịch vụ luật sư mà ông Linh phải thuê để bảo vệ quyền tác quyền của mình bị xâm phạm là 20 triệu đồng.
Xuân Duy