“Hòa nhạc Giao hưởng đặc biệt” thu hút đông đảo khán giả Thủ đô

(Dân trí) - Chương trình “Hòa nhạc Giao hưởng đặc biệt I” chào mừng kỷ niệm 71 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và là chương trình đầu tiên của chuỗi chương trình nghệ thuật đỉnh cao đã cháy vé trước ngày công diễn.

Tối qua (30/8), chương trình “Hòa nhạc Giao hưởng đặc biệt I” chào mừng kỷ niệm 71 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời là chương trình nghệ thuật chất lượng cao đầu tiên nằm chuỗi các chương trình - tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao do Bộ VHTTDL chủ trương trong năm 2016 đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình thu hút đông đảo chính khách, các nhà chuyên môn và khán giả đến tham dự.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Giám đốc Nhà hát Lớn chia sẻ, hơn 300 vé của ba đêm diễn mở màn các chương trình nghệ thuật, tác phẩm đạt chất lượng cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã được bán hết trước khi đêm đầu tiên diễn ra.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL và các Bộ, Ban, Ngành đến ủng hộ đêm nhạc. Ảnh: Nam Nguyễn.
Lãnh đạo Bộ VHTTDL và các Bộ, Ban, Ngành đến ủng hộ đêm nhạc. Ảnh: Nam Nguyễn.

Theo bà Nguyệt, đa phần khách mua vé là các doanh nghiệp Việt mua cho nhân viên, một phần là khách du lịch nước ngoài. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với chủ trương đưa các chương trình nghệ thuật - sân khấu chất lượng cao vào Nhà hát Lớn Hà Nội của Bộ VHTTDL.

Chương trình “Hòa nhạc Giao hưởng đặc biệt I” do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn tối qua chật kín khán giả trung niên và lớn tuổi. Họ chính là những yêu âm nhạc hàn lâm và am hiểu về thể loại âm nhạc này. Khán phòng lặng im từ đầu đến cuối chương trình để nhường chỗ cho những gì tinh tuý nhất của âm nhạc lan toả.

Mở đầu chương trình là khúc khởi nhạc “Chào mừng” của Giáo sư, Nghệ sỹ Nhân dân Trọng Bằng công diễn năm 1986 nhân kỷ niệm 10 năm đất nước thống nhất. Tác phẩm thể hiện niềm tin, lòng tự hào của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong âm điệu “khoan hò khoan hự hò khoan”, mô tả tình yêu thương quê hương đất nước, với âm sắc quyến rũ của đàn bầu. Các chủ đề âm nhạc tương phản, dẫn đến đoạn kết như khúc khải hoàn tráng lệ.

Đêm nhạc đã mang đến nhiều cảm xúc cho người xem khi kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại, thế giới và Việt Nam. Ảnh: Nam Nguyễn.
Đêm nhạc đã mang đến nhiều cảm xúc cho người xem khi kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại, thế giới và Việt Nam. Ảnh: Nam Nguyễn.

Tiếp đến là Aria “Largo al factotum”, là trích đoạn vở Nhạc kịch nổi tiếng “Người Thợ cạo thành Seviglia” của G.Rossini-Nhà soạn nhạc người Ý, được coi là bậc thầy của nghệ thuật Nhạc kịch châu Âu. Tác phẩm của ông đã trở thành kịch mục biểu diễn thường xuyên của Nhà hát ở nhiều nước trên thế giới.

Tác phẩm “Người Hà Nội” được nhạc sỹ Nguyễn Đinh Thi sáng tác năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp vừa mới nổ ra, cả Hà Nội lên đường sơ tán theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được biểu diễn trong chương trình đặc biệt này. Tác phẩm thể hiện không khí hào hùng, tinh thần cách mạng, lòng tự tôn và tự hào dân tộc, trong những năm đầu kháng chiến, thể hiện niềm tin vào tương lại, chiến thắng.

Tuyệt phẩm “Variations on a Rococo Theme Op.33” (Biến tấu trên chủ đề Rococo) do P.I.Tchaikovsky hoàn thành vào tháng 3/1877 và được đánh giá là một trong 100 tuyệt tác giao hưởng thính phòng tinh hoa âm nhạc thế giới, đỉnh cao của nghệ thuật biểu diễn đàn cello. Đây là tác phẩm bắt buộc đối với thí sinh vòng Chung kết cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên Tchaikovsky cũng được gửi đến khán giả trong đêm nhạc này.

Ngoài khí nhạc còn có thanh nhạc. Ảnh: Nam Nguyễn.
Ngoài khí nhạc còn có thanh nhạc. Ảnh: Nam Nguyễn.

“Symphony No.5 C minor, Op.67” - bản giao hưởng số 5 cung Đô thứ, hay còn được gọi là “Giao hưởng Chiến thắng” hay “Giao hưởng Định mệnh”, được Ludwig van Beethoven viết giữa năm 1804 và hoàn thành năm 1808. Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất trong nền âm nhạc cổ điển và là một trong những bản giao hưởng được các dàn nhạc nổi tiếng thế giới biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát Vienna từ năm 1808. Thành công và danh tiếng phi thường của nó được E.T.A. Hoffmann - nhà lý luận phê bình âm nhạc nổi tiếng người Đức, mô tả là “một trong những bản giao hưởng trọng yếu nhất của mọi thời đại” là tác phẩm âm nhạc kết thúc chương trình.

Nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ trong giờ giải lao giữa chương trình rằng, để khán giả hiểu hơn về giao hưởng, phải tìm cách gầy dựng thói quen cho họ từng bước một. Thời ông còn làm giao hưởng, mỗi khi biểu diễn khán giả vẫn say sưa nghe và vỗ tay nồng nhiệt dù thời đó đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

“Nói như vậy để thấy rằng, không phải do đời sống kinh tế quyết định đến đời sống văn hóa. Chính đời sống văn hóa đang ảnh hưởng đến văn hóa. Những chương trình ồ ạt trên truyền hình đang làm tầm thường hóa trình độ thưởng thức của người dân. Phải chấp nhận vài lần lỗ nhưng đến một lúc nào đấy sẽ có người mua vé, sẽ bán được vé với giá cao”, nhạc sĩ Phú Quang nhấn mạnh.

Theo vị nhạc sĩ này, những năm 70, khi các ông làm ở Dàn nhạc giao hưởng, không có nhiều nhạc công giỏi như bây giờ, không có chỉ huy là người nước ngoài như bây giờ nhưng các đêm nhạc luôn chật kín khán giả, không ngớt tiếng vỗ tay. Còn bây giờ, nỗi lo khi tổ chức các đêm nhạc giao hưởng là không có khách. Đó là sai lầm của một thời kỳ chúng ta thiếu quan tâm đến nghệ thuật.

Cụ Bùi Đình Kế (90 tuổi), một trong những khán giả lớn tuổi nhất của chương trình đã bắt taxi từ Đội Cấn lên Nhà hát Lớn để xem bằng được đêm nhạc. Chia sẻ trong một tâm trạng khá xúc động, cụ Kế cho biết: “Đây là chương trình quá hay. Vừa là nhạc dân tộc, vừa là nhạc quốc tế, vừa thanh nhạc… thực sự người không hiểu nhiều về giao hưởng như tôi cũng yêu thích. Tôi xem mà cứ sợ hết chương trình. Nếu Bộ VHTTDL có nhiều chương trình như thế nữa thì tuyệt vời. Các nhạc sĩ, nhạc công đã trình diễn rất hay.

Làm tôi nhớ lại những câu thơ của Nguyễn Du “Trong như tiếng hạc bay qua/Đục như tiếng suối mới sa nửa vời/ Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa”. Tiết mục Đàn bầu, tiết mục đơn ca “Người Hà Nội” hay tiết mục “Conterbass” tôi thấy trình độ của Dàn nhạc Giao hưởng nước ta không thua kém gì chương trình của dàn nhạc giao hưởng thế giới. 90 tuổi, không có giấy mời nhưng vì yêu nhạc nên tôi cứ đến. Tôi nghĩ sẽ được vào và đúng là Bộ VHTTDL tổ chức rất chu đáo, đã cho tôi vào xem. Trong 70 năm, tháng 10/ 1946, tôi đã vào Nà hát Lớn dự thính kỳ họp Quốc hội lần thứ nhất của Quốc hội Việt Nam và đúng 70 năm sau lại được vào Nhà hát Lớn nghe nhạc, tôi thấy không có hạnh phúc nào hơn”.

Các nghệ sĩ biểu diễn rất hăng say và thăng hoa. Ảnh: Nam Nguyễn.
Các nghệ sĩ biểu diễn rất hăng say và thăng hoa. Ảnh: Nam Nguyễn.

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái dù đang trong quá trình điều trị bệnh nhưng vẫn nhiệt tình đến đêm diễn. Bà cho rằng đây là một đêm diễn có chất lượng tuyệt hảo bởi những dàn nhạc như thế này cực kỳ khó khăn khi thành lập và nhất là khi biểu diễn và để biểu diễn với tinh thần chất lượng cao.

“Tôi rất xúc động khi xem chương trình và rất thích cử chỉ này của Bộ VHTTDL, đây là một cử chỉ chiến lược. Chương trình này phải được cho dân chúng nghe và Dàn nhạc giao hưởng phải được biểu diễn thường xuyên thì mới có sức sống được. Không biểu diễn thì không có sức sống, đó là quy luật của một nền biểu diễn.

Hai bản nhạc giao hưởng của hai tác giả người Việt là Lê Phi Phi và Trọng Bằng vô cùng xúc động. Những bản nhạc quốc tế thì không còn gì để bàn, đã là kinh điển thế giới rồi. Thanh nhạc (hát) ở đây thì quá xuất sắc, không mic. Đó mới là trình độ cao cấp của Dàn nhạc Giao hưởng, hát giao hưởng không mic và hay quá. Giọng Soprano của cô Đào Bích Vân rất hay, đẳng cấp. Tôi bỗng nhớ đến Lê Dung, tôi rất tiếc giọng ca như Lê Dung”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái xúc động nói.

Nằm trong chuỗi 3 đêm nghệ thuật chào mừng 71 năm quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tối nay (31/8) vở kịch “Biệt đội báo đen” của Nhà hát Kịch Việt Nam và tối 1/9 chương trình “Âm nhạc và các trích đoạn Chèo truyền thống mẫu mực” do Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn sẽ được công diễn để phục vụ công chúng yêu nghệ thuật.

Hà Tùng Long