Hoa hậu Ngọc Hân: "Đọc Tôi đi học - Thanh Tịnh, thương lắm trẻ em mùa dịch"
(Dân trí) - "Đọc "Tôi đi học" của Thanh Tịnh, thương lắm trẻ em mùa dịch. Biết bao giờ các em mới được đến trường, gặp thầy cô, bạn bè, được nghe tiếng trống trường quen thuộc, được ngắm đất trời đã sang thu..."
"Tôi đi học của Thanh Tịnh gói cả trời thương nhớ tuổi thơ"
"Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học"...
Đó là đoạn mở đầu bài văn Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh thường được nhắc đến vào mỗi dịp năm học mới.
Hoa hậu Ngọc Hân chia sẻ: "Trên cả một tác phẩm văn chương, Tôi đi học gói ghém cả một trời ký ức tuổi thơ tôi. Cứ mỗi lần đọc lại, tôi như được sống dậy những năm tháng trong trẻo nhất, đẹp đẽ nhất của thuở thiếu thời với những kỷ niệm thật đẹp".
Hoa hậu Ngọc Hân ngày đi học đã là một cô bé giàu bản lĩnh và cá tính. "Có hôm bố mẹ quên không đón Ngọc Hân vì cứ người này tưởng người kia đón rồi.
Đến 7 giờ tối về tới nhà, cả hai mới tá hỏa vẫn chưa ai đón con, vội vàng quay lại trường thì thấy Hân vẫn tha thẩn chơi một mình. Bố mẹ đến đón, Hân tự leo lên xe, không hề khóc lóc cũng chẳng hỏi tại sao bố mẹ đến đón muộn, về nhà vẫn ăn cơm như bình thường", Hoa hậu kể.
Ngọc Hân nhớ lại thuở mới đi học lớp 1, cô thường bảo với mẹ là "con vẽ chữ" bởi thích vẽ từ bé, tâm hồn lúc nào cũng bay bổng, mộng mơ. Mẹ phải giải thích mãi "viết chữ chứ không phải vẽ". Có lẽ, chính nhờ sự liên tưởng khác lạ ấy mà giờ đây mới có một Hoa hậu kiêm Nhà thiết kế thời trang đặc biệt.
"Đọc Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh, thương lắm trẻ em mùa dịch. Biết bao giờ các em mới được đến trường, được gặp thầy cô, bạn bè, được nghe tiếng trống trường quen thuộc, được ngắm đất trời đã sang thu... Bây giờ, theo cách nói của nhiều bé thì "cái trống trường em, mùa nào cũng nghỉ. Suốt cả năm ròng. Trống nằm ngẫm nghĩ".
Tôi xem tivi, thấy gương mặt ngơ ngác của nhiều bé ngày đầu vào lớp 1, khai giảng online trước màn hình máy tính, ipad, điện thoại thông minh. Các bé chẳng thể có được cảm xúc của "buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh", Ngọc Hân chia sẻ thêm.
Không riêng gì Ngọc Hân, Tôi đi học cho nhiều người trở về khoảng trời tuổi thơ với cảm xúc trong trẻo nhất ngày đầu đi học của nhân vật "tôi". Tôi đi học giống như một mẩu hồi ức hơn là một tác phẩm văn chương. Ấy vậy nên những cảm xúc được ghi lại thật trong trẻo.
Bằng câu chuyện của mình, nhân vật "tôi", Thanh Tịnh đã nói thay tất cả lớp lớp thế hệ học trò những suy nghĩ, hình dung về buổi học đầu tiên trong cuộc đời mỗi người.
Truyện được viết theo dòng hồi tưởng: từ bối cảnh hiện tại và nhớ về quá khứ với giọng văn trữ tình, trong sáng, ngôn ngữ giàu biểu cảm.
Ngôi trường Mỹ Lý trong truyện ngắn Tôi đi học là ngôi trường trong trí tưởng tượng bay bổng của nhà văn. Từ ngôi trường ấy, mỗi người đọc sẽ có một hình dung riêng về ngôi trường tuổi thơ của mình.
Xúc cảm được tác giả gửi gắm chân thật, tự nhiên và sinh động.
Sự xuất hiện của các nhân vật như ông đốc, thầy giáo chủ nhiệm hiền lành là đại diện cho hình ảnh người lái đó tận tụy, chở lớp lớp thế hệ học trò qua sông đến với bến bờ tri thức.
Bóng dáng người mẹ trong tiềm thức của nhân vật "tôi" thể hiện tầm quan trọng của người thầy đầu tiên đối với con cái. Điều đặc biệt, thiêng liêng nhất là được mẹ cha dắt tay tới trường - hình ảnh sẽ theo ta đến suốt cuộc đời.
Ký ức không bao giờ quên với mỗi em bé ngày đầu đến trường, đó là được mặc bộ quần áo còn thơm mùi vải, ôm theo chiếc cặp sách mới với bút, sách tinh tươm, những trang vở thơm mùi giấy mới.
Tôi đi học - món quà đặc biệt gửi đến từ hòm thư tuổi thơ
Theo Ngọc Hân, truyện ngắn giàu chất thơ này như món quà đặc biệt gửi đến từ hòm thư tuổi thơ. "Nếu như nhà văn Thạch Lam có truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa thì Thanh Tịnh có Tôi đi học nhẹ nhàng mà đầy chất tự sự, khơi gợi dòng cảm xúc không ngơi nghỉ. Tôi đi học như một món quà đặc biệt gửi đến từ hòm thư tuổi thơ mà mỗi câu, mỗi từ đều khơi gợi biết bao kí ức", Hoa hậu Ngọc Hân chia sẻ cảm xúc.
Nhiều độc giả khi lật giở lại những trang sách giáo khoa xưa cũng có chung những hoài niệm ấy:
"Cả một trời thương nhớ, làm sao quên được "Tôi đi học", "Gửi lời chào lớp 1", "Thương ông ", "Hạt gạo làng ta", "Nói với em", " Mẹ vắng nhà ngày bão"...."
"Cuộc đời mỗi người đều có sự khởi đầu, sự khởi đầu tươi đẹp nhất của học trò là Tôi đi học. Những cảm xúc trong trẻo ấy, đi cả cuộc đời ta sẽ muốn mang theo bên mình mãi mãi".
"Đọc lại những trang sách xưa, bao nhiêu kí ức tuổi thơ ùa về. Từng câu từng chữ nghe hay và thấm thía lòng người, mà câu văn thì dễ thuộc,..."
"Thế hệ của chúng tôi, cứ nói đến ngày khai trường là lập tức nhớ ngay đến Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh.
Nhiều năm trôi qua, dù thấm đẫm nắng mưa cuộc đời, thế nhưng những kỉ niệm về buổi tựu trường ấy vẫn không phai nhạt. Nó vẫn để lại trong ta bao xúc cảm cùng những dòng suy tư chảy chậm hòa với nhịp đập rộn ràng của con tim".
"Không phải vô tình mà ngày khai trường cũng là lúc Hà Nội vào thu: có hương cốm mới phả vào gió se, có lá vàng mênh mang cả miền nhớ. Ôi, lật giở lại từng trang sách lại nhớ ngày đầu được mẹ chở bằng xe đạp đi khai giảng, qua những con đường Trần Phú, Hoàng Diệu... Tuổi thơ ơi!"
Thanh Tịnh (1911 - 1988) tên khai sinh của ông là Trần Văn Ninh, quê ở Gia Lạc, ven sông Hương, thành phố Huế.
Những giải thưởng mà nhà văn Thanh Tịnh đã được tặng: Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam (1951-1952) cho những bài độc tấu xuất sắc, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2007).