Hoa hậu Diễm Hương: “Tôi từng mua sắm không cần nhìn... giá tiền”

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - “Sau một đêm, tôi có rất nhiều tiền và sau đó cũng... mất ngay. Bài học đầu tiên, cho đến giờ là 10 năm tôi mới học được là... cách xài tiền”, Hoa hậu Thế giới người Việt trải lòng.

“Tôi được nhiều tiền, mất cũng rất nhiều...”

21/8/2010 - 21/8/2020, vừa tròn một thập kỷ Diễm Hương đăng quang Hoa hậu Thế giới người Việt 2010. Hẳn là Hương có rất nhiều cảm xúc và hoài niệm?

10 năm qua là chuỗi hành trình cho tôi rất nhiều cung bậc cảm xúc và tôi cảm thấy thú vị về cuộc sống cũng như định mệnh của mình. Cho đến giờ, đối với tôi việc trở thành Hoa hậu là điều kỳ diệu, mang lại cho tôi rất nhiều bài học. Tôi nghĩ rằng nếu không có những bài học đó, không có những niềm vui, đau khổ đó thì liệu có một Diễm Hương như ngày hôm nay không?

Vào ngày này, 10 năm trước, tâm hồn tôi chưa còn nhuốm màu đời, nhiệt huyết, máu lửa, hiếu thắng và cả nông nổi... Tôi có tất cả đặc điểm của một cô bé vừa bước ra thế giới . Nhiều nhất là sự tự tin và kiêu hãnh! Để rồi hôm nay nhìn lại, chỉ biết mỉm cười và lặng im nghĩ suy về tất cả: chuyện đã xảy ra, hiện đang diễn ra và sắp xảy đến....

Tôi cảm ơn chặng đường 10 năm qua. Dù có bao biến cố, nước mắt đã rơi xuống, uất ức giấu nhẹm thì với tôi đó vẫn là những ngày tháng thanh xuân tuyệt vời mà không phải ai cũng được trải nghiệm.

Hoa hậu Diễm Hương: “Tôi từng mua sắm không cần nhìn... giá tiền” - 1

Diễm Hương chia sẻ sau 10 năm đăng quang Hoa hậu Thế giới người Việt. (Ảnh: NVCC)

Chị nói việc trở thành Hoa hậu là điều kỳ diệu, mang lại cho bản thân rất nhiều bài học, chị có thể chia sẻ cụ thể hơn?

Bài học đầu tiên, cho đến bây giờ là 10 năm tôi mới học được là... cách xài tiền. Giành được danh hiệu Hoa hậu, tôi có ngay 500 triệu đồng, cộng với 30 triệu đồng khi đạt giải Người đẹp ăn ảnh (chưa kể đóng thuế) và vương miện trị giá hơn một tỷ đồng.

Sau một đêm thi, tôi có rất nhiều... tiền và sau đó cũng mất ngay.

Nếu bây giờ có số tiền lớn như ngày đăng quang Hoa hậu, tôi sẽ đi đầu tư căn hộ này nọ, sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Còn trước đó, khi giành danh hiệu, tôi được nhiều tiền quá, dễ dàng kiếm được nhiều tiền quá nên mua sắm đâu cần... nhìn giá tiền? Nếu có nhìn giá thì tôi cũng nghĩ: “ồ, không đáng bao nhiêu đâu, ngày mai mình sẽ có thôi”.

Nhưng đến ngày hôm nay, tôi mới nhìn nhận được rằng, ngày hôm nay mình có thể kiếm được nhưng ngày sau chưa chắc kiếm được số tiền đó. Cuộc sống luôn thay đổi, ngày hôm nay, mình được như vậy nhưng ngày mai lại có người khác, cơ hội sẽ không đến với mình. Cho nên, làm được ngày hôm nay mình phải tích lũy cho ngày mai. Điều đó không chỉ tốt cho mình mà cho cả gia đình, cho con mình nữa.

Cụ thể hơn là đến thời điểm này chị mới biết cách quản lý tài chính hay là sau khi làm mẹ?

Sau khi sinh con, tôi vẫn còn phung phí lắm. Tôi tin rằng, có đứa con đầu tiên thì người mẹ nào cũng muốn dành điều tốt đẹp nhất cho con mình. Tôi cũng như vậy. Tôi sẵn sàng chi 40- 50 triệu đồng để mua quần áo cho con mà không cần biết ngày mai mình kiếm được số tiền đó hay không. Tôi mua quần áo nhập từ nước ngoài hết. Tôi không dám nói mình thương con, lo cho con hơn người khác nhưng tôi đã cho con nhiều hơn cái khả năng mình có.

Tôi vẫn nhớ, ngày trước mình tiêu tiền đến nỗi mỗi lần đi nước ngoài, bố mẹ tôi phải chia nhau, người đi đầu đi cuối, để tôi đi giữa. Và thấy tôi “mất tích” một cái là bố mẹ chia nhau đi tìm tôi ngay vì “mất tích” một cái là tôi đã vào mua đôi dép lê giá 500 USD. Mẹ giận tôi luôn!

Sau này, tôi mới nhận ra, chỉ nên mua những thứ cần thiết, có thể sử dụng được lâu dài. Tôi thấy vui khi bạn bè quen biết nhiều năm nay nói tôi đã biết tiết kiệm nhiều hơn. Đó là dấu hiệu đáng mừng!

Hoa hậu Diễm Hương: “Tôi từng mua sắm không cần nhìn... giá tiền” - 2

Diễm Hương và con trai, bé Noah Nguyễn.

Vì sao chị lại nói, bài học lớn nhất để trở thành con người tốt là học cách xài tiền?

Bởi vì cách xài tiền tốt mình sẽ duy trì được nhiều mối quan hệ xung quanh. Ví dụ, mình phung phí tiền vào các cuộc ăn chơi, nhậu. Nó không thực sự giúp ích cho mình hay cho những người xung quanh mình, không mang lại giá trị đích thực.

Nhưng nếu mình bớt ăn chơi để mình có thể giúp đỡ người thân, người bạn khó khăn thì ít nhất mình có niềm vui là giúp đỡ được người khác, mối quan hệ của mình cũng được xây dựng trên giá trị bền vững: đến với nhau là vì tình nghĩa chứ không chỉ đến với nhau từ những cuộc vui.

“Nhiều lúc tôi quên mình là... Hoa hậu”

Không chỉ rút ra cho bản thân nhiều bài học, cách quan sát, nhìn nhận người khác mà thời gian đã tôi luyện Diễm Hương từ cô gái được nuông chiều, thích gì làm thế trở thành người phụ nữ đằm và chín chắn?

Sau 10 năm, sự thay đổi của tôi được mọi người đánh giá là nhìn nhận mọi thứ tích cực hơn rất nhiều. Trước đây, nếu có ai đó làm cho tôi tổn thương, tôi sẽ ngay lập tức xù lông, đáp trả nhưng giờ thì tôi không vội vã phản ứng. Tôi nghĩ, có thể họ chưa hiểu mình. Đợi dịp nào đó thích hợp, tôi sẽ có cơ hội giải quyết vấn đề này.

Hay như năm nay có dịch Covid- 19 khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Nó khiến tôi nhiều lúc cảm thấy khó thở và bế tắc trong kinh doanh. Nhưng tôi lại nghĩ, đó là sự khó khăn chung của cả thế giới. Hiện giờ, gia đình mình không quá vất vả, mình vẫn được ăn thứ mình thích thì đó là sự may mắn rồi. Thay vì than thở, quằn quại thì tôi dành thời gian để đọc sách, học hỏi thêm kiến thức để đợi thời cơ phát triển trong điều kiện thuận lợi hơn.

Như chị chia sẻ, trong quãng thời gian 10 năm, bên cạnh ánh hào quang, sự nổi tiếng, được nhiều người yêu thương... còn là những biến cố, uất ức...?

Như tôi chia sẻ, biến cố là đã cũ rồi, không còn ký ức gì với tôi, ngoài việc lâu lâu nhớ lại thì tôi lên mạng tìm. Trong tâm khảm của tôi, những chuyện đó đã trở  thành chuyện không phải của mình nữa rồi. Ngay cả việc mình là Hoa hậu, thực sự đến ngày này mới nhớ lại. Mới đây, tôi đi chụp hình mới lấy vương miện đội lên đầu. Còn trong cuộc sống thường nhật, đối với những người xung quanh, tôi quên mất mình là... Hoa hậu. Bởi vì quá bận rộn với cuộc sống lo toan cho con cái, gia đình...

Hoa hậu Diễm Hương: “Tôi từng mua sắm không cần nhìn... giá tiền” - 3

Diễm Hương đăng quang Hoa hậu Thế giới người Việt 2010.

Hoa hậu Diễm Hương: “Tôi từng mua sắm không cần nhìn... giá tiền” - 4

Người đẹp ủng hộ việc "mở cửa" các cuộc thi sắc đẹp...

Nhớ lại thời điểm bản thân đăng quang Hoa hậu và nhìn về các Hoa hậu cuộc thi sắc đẹp sau này, chị nhận ra điều khác biệt gì?

Tôi rất ngưỡng mộ những hoa hậu sau này, bằng tuổi tôi lúc đăng quang vì họ thông minh, có ê kíp hỗ trợ để định hướng kịp thời con đường họ đi. Họ được sự uốn nắn nhiều hơn từ ê kíp.

Tôi sinh ra trong gia đình có nền tảng cơ bản ở Sài Gòn, không khó khăn về kinh tế nên sự khôn ngoan của cô bé sinh trưởng ở thành phố hẳn là khác với cô bạn sinh ra lớn lên ở vùng quê. Nhìn lại, tôi thấy mình là cô bé phần nào hơi “hư” một xíu. “Hư” không phải là sự đua đòi mà là không thực sự biết quý những gì mình đang có.

Nhưng trải qua những chuyện, mà tôi nghĩ sau này mình biết cách để nuôi dạy con. Tôi vẫn hi vọng, thành tựu cuối cùng của cuộc đời là có những cô bé, cậu bé thông minh, có ích trong cuộc sống và đem lại hạnh phúc cho gia đình con cái mình.

Theo dự thảo Nghị định mới, các cuộc thi hoa hậu trong nước sẽ không bị giới hạn số lượng, việc đi thi quốc tế có thể được nới lỏng. Theo đó, Cục Nghệ thuật Biểu diễn chỉ cấp phép cuộc thi hoa hậu quốc tế tại Việt Nam hoặc cuộc thi cấp quốc gia. Các cuộc thi do đơn vị, công ty tổ chức tại địa phương sẽ do địa phương cấp phép. Có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc “mở toang” các cuộc thi sắc đẹp như thế này. Ý kiến của chị thì sao?

Tôi ủng hộ những gì phù hợp với sự phát triển của thời thế, của xã hội. Nếu dự thảo Nghị định mới phù hợp với sự phát triển mới, định hướng mới thì nên ủng hộ. Vì chúng ta cũng không thể nào “đóng cửa” mãi trong khi thế giới “mở toang” ra.

Nhưng tôi muốn chia sẻ thêm, tại sao giờ nhiều lúc tôi quên mất mình là Hoa hậu vì tôi nhận ra trong cuộc sống, khi xã hội phát triển, mình tiếp xúc với nhiều người tôi mới thấy giờ ai cũng có thể trở thành người nổi tiếng: chỉ cần là người có luận điểm sắc bén trên mạng xã hội hoặc là người có nhan sắc dưới trung bình, hay một nhóm có tư duy độc đáo... đã có thể nổi tiếng trên youtube.

Tôi thấy việc nổi tiếng phải dựa vào tài năng rất nhiều. Vì thế, việc “mở cửa” cho nhiều cuộc thi sắc đẹp cũng không sợ giảm chất lượng mà phải xem người đoạt danh hiệu có tài năng bao nhiêu, sự đầu tư chỉn chu bao nhiêu. Vì thời đại công nghệ, khán giả được tiếp nhận đa chiều, cập nhật thông tin thường xuyên thì sự đánh giá càng khắt khe hơn...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm