Hò khoan Lệ Thuỷ lấy ý kiến trình UNESSCO công nhận là di sản

(Dân trí) - Tối 26/9, tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức buổi giao lưu “Hò khoan Lệ Thuỷ”. Đây đồng thời đồng thời là buổi lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu tiến tới đề nghị UNESSCO công nhận “Hò khoan Lệ Thuỷ” là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Buổi giao lưu nằm trong khuôn khổ một phần chuyến đi nhằm giới thiệu, quảng bá nét độc đáo “Hò Khoan Lệ Thuỷ” tới đông đảo nhân dân cả nước, đồng thời lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu tiến tới đề nghị UNESSCO công nhận “Hò khoan Lệ Thuỷ” là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Trong chuyến đi lưu diễn lần này, đoàn có 21 thành viên, trong đó có 4 Nghệ nhân dân gian và 4 Nghệ nhân ưu tú. Tại buổi biểu diễn, đông đảo khán giả được lần lượt thưởng thức 13 làn liệu độc đáo của “Hò khoan Lệ Thuỷ” như: Hát mái xắp, hò sáu mái, hò khơi, nậu xăm, hát mới, hò đối đáp, vè mẹ Suốt, xuống đò đi hội chùa Quang, chim khách, đêm hè nhớ Bác, Đại tướng về thăm quê, Quảng Bình trong câu hát, Hò đưa linh chè cạn, Quảng Bình quê ta ơi…

Các nghệ nhân mang Hò khoan Lệ Thuỷ ra Hà Nội giao lưu với sinh viên.
Các nghệ nhân mang Hò khoan Lệ Thuỷ ra Hà Nội giao lưu với sinh viên.

Khác với những nơi khác, dân ca là thú vui tiêu khiển, thậm chí phục vụ cho một giai tầng cao của xã hội ở chốn cung đình, ở cửa nhà quan, sân đình thì ở Lệ Thuỷ, hò khoan là của mọi người lao động, gắn liền với lao động. Từ nhịp điệu, tiết tấu của động tác lao động mà sáng tạo ra lời hò, giai điệu hò khoan, thậm chí là ứng tác (bằng miệng) ngay tại chỗ. Đến lượt nó, khi đã hình thành, hò khoan lại trở lại phục vụ lao động.

Ông Dương Ngọc Liên, Trưởng đoàn lưu diễn dân ca “Hò khoan Lệ Thuỷ”, Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Lệ Thuỷ cho biết: “Quảng Bình là mảnh đất có đủ loại hình văn học dân gian như truyền thuyết, chuyện kể, giai thoại, dân ca, song nổi trội vẫn là dân ca, đặc biệt là hò khoan. Hò khoan có mặt ở mọi ngóc ngách của cuộc sống từ việc lớn đến việc nhỏ. Chèo thuyền, giã gạo, cày bừa, cấy lúa, đạp nước, kéo gỗ, nện đất, giã vôi, cất nhà, kéo lưới, đẩy thuyền…tất tần tật việc gì cũng hò khoan được, ở đâu cũng hò khoan được.

Với những giá trị đó, mong muốn của Đoàn là giới thiệu những nét văn hoá độc đáo của Hò khoan Lệ Thuỷ tới đông đảo nhân dân cả nước, đồng thời tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu để hoàn tất hồ sơ đề nghị UNESSCO công nhận Hò khoan Lệ Thuỷ là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại”.

Đông đảo người dân Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung mong di sản này sẽ được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Đông đảo người dân Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung mong di sản này sẽ được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Có mặt tại buổi giao lưu, Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ, từ trong cuộc sống lao động sản xuất, hò khoan Lệ Thủy thể hiện 9 mái đã có từ xa xưa truyền nối như: Mái chè, mái nện, mái xắp, mái ba, mái ruổi, mái nhì, hò khơi, hò nậu xăm, hò lỉa trâu.

Trong số gần 1000 câu hò lời cổ sưu tầm được thấy rằng, cái tôi trữ tình mà hò khoan đề cập là rất phong phú. Có những cái to tát như nhân tình, thế thái, sự đời, chuyện quan trường, quốc sự. Cho đến tình cảm, trao duyên, thậm chí là một chút trách cứ, than phiền. Nhưng trong đó bao trùm lên cả vẫn là tình yêu đất nước, quê hương sâu nặng, nhắc nhủ con người sống giữ trọn chữ hiếu, trung, nhân, nghĩa, đặc biệt là tình yêu lưa đôi.

Ca sĩ Tố Nga cũng đến góp vui một số tiết mục trong chương trình.
Ca sĩ Tố Nga cũng đến góp vui một số tiết mục trong chương trình.

“Trong một lần tôi được trò chuyện với GS. TS Trần Quang Hải, con trai cố GS. TS Trần Văn Khê, ông có nói rằng nếu như chỉ riêng một điệu dạ cổ hoài lang cũng đã được UNESSCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể nhân loại thì đến Hò khoan Lệ Thuỷ khó có thể nói lên hết được cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của nó nhưng chỉ cần một điệu hò “mái xắp” cũng sẽ làm nên được điều kì điệu đó.

Tôi tin là như thế. Tuy nhiên, việc Hò khoan Lệ Thuỷ có làm được điều kì điệu như nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng khác hay không điều đó phụ thuộc vào trách nhiệm của không chỉ những người làm văn hoá Quảng Bình mà còn có sự chung tay, ủng hộ của các ngành, các cấp, đặc biệt là những người làm văn hoá”, ông Vĩ cho biết thêm.

Các nghệ nhân hát say sưa trong làn điệu quen thuộc của quê hương Đại tướng.
Các nghệ nhân hát say sưa trong làn điệu quen thuộc của quê hương Đại tướng.

Nằm trong khuôn khổ chương trình, ngày 27/9, Hội Đồng hương Quảng Bình tại Hà Nội và các nghệ nhân dân gian Hò Khoan Lệ Thủy sẽ có buổi giao lưu với Trung tâm bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống, Hội Nhạc sỹ Việt Nam.

Ngày 28/9, đoàn dâng hương và diễn báo cáo tại nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại 30 Hoàng Diệu nhân ngày giỗ Đại tướng. Cùng ngày, các nghệ nhân dân gian sẽ trình diễn Hò Khoan giao lưu với các liền anh, liền chị Quan họ Bắc Ninh tại Nhà Văn hóa, TP Bắc Ninh.

Hà Tùng Long

Ảnh: Phạm Quý