Hình tượng đặc biệt của loài Rắn trong lịch sử dân tộc
(Dân trí)- Trong lịch sử dân tộc, từng có nhiều vị vua, danh nhân lập nên công trạng hoặc tiêu tan sự nghiệp vì liên quan tới rắn. Có thể có nhiều câu chuyện không nằm trong chính sử, nhưng dân gian đã truyền miệng từ nhiều đời và thuộc nằm lòng.
Đau đớn nhất và khiến người ta kinh hãi nhất là truyện rắn báo thù trong vụ án Lệ Chi Viên mà Nguyễn Trãi đã bị tru di tam tộc. Chuyện bắt đầu từ lần cha của Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh cho dọn khu vườn hoang, đêm nằm mơ thấy một người đàn bà và bầy con mọn đến xin ông hãy tạm khoan phát quang bụi rậm thêm ít bữa để họ kịp dời đi. Sáng hôm sau, vì bận việc, ông chưa kịp dặn dò người nhà thì đám học trò đã đánh chết một bầy rắn con và làm bị thương rắn mẹ. Đêm đến, khi ông đang đọc sách, một con rắn bò trên xà nhà nhỏ máu xuống, thấm vào ba trang sách.
Rắn là loài động vật đáng sợ, nhưng theo dân gian, không ít lần rắn đã giúp người Việt lập công đánh bại kẻ thù. Nhiều truyền thuyết về rắn thần đặc biệt gắn với triều Lý ở thế kỷ 11. Tương truyền, bài thơ thần Nam quốc Sơn hà của Lý Thường Kiệt được ghi lại từ lời của hai vị thần Trương Hống và Trương Hát báo trong giấc mộng. Hai vị này được cho là hóa thân của rắn thần trong đầm lầy Dạ trạch, từng biến thành người để phò giúp Dạ trạch vương Triệu Quang Phục đánh đuổi quân Lương. Sau này, khi Lý Phật Tử cướp ngôi, họ đã tự tử bằng lá ngón. Đền thờ của họ được lập ở ngã ba Xà, phía Nam sông Cầu. Vào thế kỷ thứ 11, Lý Thường Kiệt trong trận chiến ở phòng tuyến sông Như Nguyệt đã may mắn được hai vị thần Trương Hống, Trương Hát về hứa giúp mang thần binh đến quét sạch lũ giặc. Trong giấc mộng của Lý Thường Kiệt, hai thần ngâm bài thơ:
Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Ở Hà Nội, ngay tại Thủ Lệ, quận Ba Đình ngày nay có đền thờ thần Linh Lang và ở gần đó cũng có phố Linh Lang, nhưng ít ai biết, ông là ai. Theo những gì còn truyền lại, Linh Lang là hoàng tử thứ tư của vua Lý Thánh Tông, sinh nhằm ngày 13 tháng Chạp năm Giáp Thìn (1064) tại làng ở Trị Chợ Thủ Lệ (Quận Ba Đình ngày nay). Ông cũng có dòng dõi từ rắn và rồng. Tương truyền, một người đàn bà hiếm muộn ở huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây nằm mơ thấy rắn mây đuổi theo mặt trăng, sau đó có mang sinh được một gái đặt tên là Hạo. Lớn lên, nàng Hạo vô cùng xinh đẹp lọt vào mắt xanh vua Lý Thánh Tông. Vào cung hầu vua được vài năm, mẹ mất, nàng Hạo xin vua về làm lễ mai táng và ở lại chăm sóc phần mộ. Một hôm Hạo ra bờ hồ Tây tắm rửa, thì một con giao long lao tới quấn chặt, hương thơm sực nức, rồi có thai tới mười bốn tháng. Vào một hôm trời nổi cuồng phong, hương thơm ngào ngạt, nàng Hạo sinh được một người con trai tướng mạo khôi ngô đặt tên là Hoàng Lang. Sau đó, giặc Trịnh Vĩnh xâm lược, Hoàng Lang vụt lớn xin đi đánh giặc và đại thắng. Đất nước yên ổn, Hoàng Lang hoá rắn bò về hồ Tây.
Vào thế kỷ 18, nhà bác học Lê Quý Đôn từng nổi tiếng khi còn là cậu bé Lê Danh Phương với bài thơ Rắn đầu biếng học bằng chữ Nôm. Bài thơ 8 câu 7 chữ đã nhắc đến 8 thứ rắn phổ biến ở Việt Nam (rắn liu điu, rắn hổ lửa, rắn mai gầm, rắn ráo, rắn thằn lằn, rắn hổ trâu, rắn hổ mang). Nhờ có bài thơ này mà cậu bé Lê Quý Đôn thuở nhỏ đã tránh được một trận đòn của cha vì tội biếng học, mải chơi.
Chẳng phải liu điu cũng giống nhà
Rắn đầu biếng học quyết không tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ
Nay thét mai gầm rát cổ cha
Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo
Lằn lưng chẳng khỏi vết roi da
Từ nay trâu lỗ xin siêng học
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia
Bài thơ không chỉ hay về ý nghĩa, mà còn thể hiện phép chơi chữ kỳ tài của Lê Quý Đôn. Và quả nhiên, thần đồng thuở nhỏ sau này đã đỗ đạt, là quan thời Lê trung hưng, là nhà thơ, và là bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến.
Lê Nguyễn (tổng hợp)