Hình tượng của Thái sư Trần Thủ Độ qua vở diễn "Thiên mệnh"
(Dân trí) - Vở kịch "Thiên mệnh" được Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn phục vụ khán giả Thủ đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong hai đêm mùng 3 và 4/11.
Vở kịch "Thiên mệnh" là câu chuyện xoay quanh cuộc đời của Thái sư Trần Thủ Độ, đặc biệt xoáy sâu vào vấn đề dùng người của Trần Thủ Độ, khẳng định tầm quan trọng của nhân tài đối với giang sơn, xã tắc…
Câu chuyện về Thái sư Trần Thủ Độ trong "Thiên mệnh" khẳng định một chân lý rằng tính kỷ cương phép nước phải được giữ gìn, không thể bị phá vỡ bởi bất cứ lý do gì hoặc bất kỳ một ai, kể cả đó là tình anh em ruột thịt thân thích. Hình tượng nhân vật Trần Thủ Độ được khắc họa trong "Thiên mệnh" như một vị khai quốc công thần, là trụ cột của triều Trần.
Trần Thủ Độ đã trực tiếp can gián, không để vua phong anh trai ruột (Trần An Quốc) lên làm tể tướng khi lý giải với vua Trần Thái Tông rằng: "An Quốc là anh thần, nếu cho giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm Tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao?".
Sau này, khi An Quốc làm phản, Trần Thủ Độ quyết xử trảm anh trai, không vì thân thích, ruột thịt mà nương tay cho kẻ phản quốc. Bên cạnh đó, vở kịch cho thấy một Trần Thủ Độ với những quyết định đúng đắn trong việc dùng người tài như: như tin dùng Trần Quốc Tuấn, người được xem như con của kẻ tội đồ với triều đình.
Chỉ với những điều trên, chúng ta có thể thấy tính thời sự trong vở kịch "Thiên mệnh", qua câu chuyện cách đây gần 800 năm, câu chuyện ấy vẫn còn nguyên giá trị.
Kịch bản "Thiên mệnh" được chấp bút tác giả Hoàng Thanh Du, do NSƯT Đỗ Kỷ đạo diễn với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ gạo cội như: Họa sỹ - NSƯT Doãn Bằng, âm nhạc - NSƯT Huỳnh Tú, biên đạo múa Tuyết Minh, thể hiện phục trang - NSƯT Tiến Đại…
Chia sẻ về tâm huyết dành cho vở kịch lần này với tư cách đạo diễn, NSƯT Đỗ Kỷ cho biết: "Đây là một vở diễn có nhiều lớp diễn, có nhiều sự xung đột giữa các nhân vật. Khán giả thường nghĩ rằng chuyện lịch sử đưa lên sân khấu thường sẽ nhàm chán nhưng không phải như vậy. Vở diễn này không đơn thuần là lịch sử, đó còn là những bài học của lịch sử để lại cho hậu thế.
Các diễn viên tham gia đóng trong vở kịch nói "Thiên mệnh" là những nghệ sỹ tài năng của Nhà hát Kịch Việt Nam như: NSƯT Tạ Tuấn Minh, NSƯT Lâm Tùng, NSƯT Dũng Nam, Nghệ sĩ Hồ Liên, Khuất Quỳnh Hoa…
Được đạo diễn "chọn mặt gửi vàng", đảm nhiệm vai diễn chính Thái sư Trần Thủ Độ, NSƯT Tạ Tuấn Minh cho biết: "Tôi cảm thấy biết ơn và tự hào khi đảm nhiệm vai diễn này. Với tôi, đây một vai diễn nặng ký, bởi Thái sư Trần Thủ Độ là hình tượng nổi bật, tầm cỡ trong lịch sử Việt Nam, bản thân tôi cũng đã dành thời gian tìm hiểu rất kỹ và chi tiết về Thái sư Trần Thủ Độ để có thể hiểu được nhân vật và từ đó hóa thân và sống trọn với nhân vật những giây phút trên sân khấu".
Chia sẻ về vở kịch "Thiên mệnh", NSƯT Xuân Bắc (Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam) bày tỏ: "Vở kịch nói "Thiên mệnh" tái hiện lại lịch sử nhưng vẫn mang trong đó tính thời sự cấp thiết trong xã hội hiện đại.
Có rất nhiều câu hỏi sẽ được vén màn, được trả lời trong vở kịch này: Tại sao những việc làm của Thái Sư Trần Thủ Độ lại gây tranh cãi? Để một quốc gia hưng thịnh, từng cá nhân sẽ có trách nhiệm gì với đất nước? Hào khí Đông A đã được hun đúc, khơi gợi ra sao? Đó là những câu hỏi muôn đời nay vẫn giữ nguyên tính thời sự, đương đại. Và tất cả những câu trả lời đó sẽ đều có trong "Thiên mệnh", NSƯT Xuân Bắc bật mí.
Sau hai đêm diễn vào ngày 3, 4/11 tại Nhà hát Lớn, "Thiên mệnh" cũng sẽ là vở diễn được Nhà hát Kịch Việt Nam lựa chọn tham gia Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 diễn ra vào 20 giờ ngày 9/11 tại Rạp tháng 8 (Thành phố Hải Phòng).