Hình tượng chuột trong đời sống văn hóa Á Đông
(Dân trí) - Chuột là loài vật không xa lạ trong đời sống, đặc biệt là trong nền văn minh lúa nước. Trong văn hóa Á Đông, chuột là linh vật đứng đầu trong 12 con giáp, đại diện cho những người tuổi Tý.
Vậy tại sao một con vật có hình dáng nhỏ bé, lại chuyên sống ở những nơi hang sâu, bụi bặm như thế, lại có thể đứng đầu trong tất cả các con vật, đứng trên cả chúa tể muôn loài là Hổ, hay loài vật linh thiêng là Rồng?
Theo tích xưa, khi Ngọc Hoàng tuyên bố chọn 12 con giáp, thì chuột là con lanh nhất và có mặt sớm nhất. Với bản tính tinh ranh, thông minh, nhanh nhẹn sẵn có của mình, chuột đã vận dụng khả năng và các mưu mẹo, để vượt qua tất cả các con vật còn lại và giành vị trí đầu tiên trong cuộc thi.
Chuột là loài vật quen thuộc với cuộc sống của người dân Á Đông, tồn tại cùng nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Hình ảnh loài chuột trong văn hoá dân gian bên cạnh những mặt không tốt, cũng tồn tại những mặt tích cực như thông minh, nhanh trí, đại diện cho sự sung túc và thịnh vượng.
Trên cánh đồng lúa, loài chuột cùng với bản tính tinh ranh, nhanh nhẹn và kích thước nhỏ bé thường dễ dàng kiếm ăn, lẩn trốn. Chuột luôn tồn tại và gia tăng số lượng nhanh chóng, nếu người nông dân không tích cực kiểm soát. Chính vì vậy, trong quan niệm dân gian, loài chuột còn biểu trưng cho gia đình sung túc, con đàn cháu đống.
Theo quan niệm dân gian, nơi nào có chuột tìm đến thì nơi đó có “của ăn của để” dồi dào. Vì vậy, nhiều người đặt tượng chuột trong nhà để cầu mong sự sung túc, thịnh vượng, tài lộc, tiền của dồi dào, làm ăn khá giả, gặp nhiều may mắn.
Trong những bức tranh dân gian của văn hóa Á Đông dành để đặc tả sự sung túc, dồi dào, thịnh vượng, đôi khi người ta còn thấy hình ảnh những chú chuột được đưa vào tranh, bên cạnh những vựa thóc, chĩnh vàng, chĩnh bạc… với quan niệm rằng chỉ nơi có nhiều thức ăn, chuột mới tìm đến.
Hay như trên đồng lúa, chỉ khi mùa màng bội thu, loài chuột mới có nhiều cái ăn để sinh sôi nảy nở, nên dù gì, sự tồn tại của loài chuột dù không được đón chào, nhưng trong thực tế lại phản ánh những tín hiệu tích cực xét theo một số khía cạnh.
Những ai đã từng xem bức tranh dân gian của Việt Nam đặc tả đám cưới chuột, hẳn sẽ thấy loài chuột hóm hỉnh thế nào. Bức tranh mô tả một đám cưới xưa, có cờ quạt, kèn trống và các loại lễ vật. Chuột đi trên con đường mấp mô, giữa đường có một con mèo đứng chặn đường.
Những chú chuột trong đám rước sợ hãi, lấm lét. Hóa ra, trước khi làm đám cưới, chuột đã phải lo lễ vật (chim, cá) cống nạp cho mèo, xin mèo cho đám cưới được bình yên. Người ta mượn hình ảnh chuột để châm biếm thói hư tật xấu trong xã hội. Chuột trong bức tranh này bỗng được người ta thương cảm, yêu mến.
Nhìn chung, trong quan niệm dân gian của văn hóa Á Đông, chuột biểu trưng cho sự sung túc và thịnh vượng bởi chúng là loài tìm kiếm thức ăn nhanh, sinh sản tốt. Nơi nào có chuột tìm đến là nơi đó đang có “của ăn của để” dồi dào. Chuột là biểu tượng của sự nhanh nhẹn, nhạy bén nên hình tượng chuột còn biểu trưng cho khả năng cải thiện cuộc sống theo hướng tích cực.
Bích Ngọc
Theo Asia One/SCMP