Hệ thống bảo tàng ở Việt Nam, "nàng công chúa" ngủ... mãi trong rừng!
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, chuyên gia về bảo tàng, đánh giá, ở Hà Nội có một số bảo tàng như Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, chất lượng dịch vụ tốt nhưng vị trí đặt không chuẩn nên phá vỡ cảnh quan đẹp của di tích.
Tết Trung thu này, người dân lại loay hoay tìm chỗ cho trẻ em chơi. Thiếu chỗ chơi nhưng không mấy ai nghĩ tới bảo tàng. Trong khi đó, nhìn ra thế giới thì bảo tàng lại có vị trí đặc biệt, vừa là nơi vui chơi, vừa là nơi học tập, tìm hiểu văn hoá, khoa học, nền văn minh nhân loại. Vào bất kỳ thời điểm nào, các bảo tàng cũng đều đáp ứng nhu cầu đa dạng cho công chúng.
Ở Việt Nam, chính sự đánh giá chưa toàn diện, tư duy cũ và cả lối làm bảo tàng sáo mòn nên mới dẫn đến cuộc tranh luận gay gắt về việc nên hay không nên xây dựng một bảo tàng quốc gia nghìn tỷ. Cả nước có hơn 120 bảo tàng lớn nhỏ nhưng hoạt động èo uột. Vậy làm sao khơi dậy được tiềm năng, đánh thức một lĩnh vực đang được coi là “nàng công chúa ngủ trong rừng”?.
Người nước ngoài đến du lịch một quốc gia, muốn tìm hiểu về lịch sử, về nền văn hóa của dân tộc đó người ta tìm đến bảo tàng. Khi đến Việt Nam cũng vậy, người ta luôn bắt gặp hình ảnh người nước ngoài chăm chú tìm hiểu, lắng nghe câu chuyện của các hiện vật, trong khi công chúng trong nước dường như chỉ lướt qua, mà số lượng cũng không nhiều. Đáng buồn thay, mỗi khi có kỳ nghỉ hay vào dịp lễ, Tết, nơi quá tải khách tham quan, vui chơi lại là các trung tâm thương mại, là siêu thị... Bảo tàng chưa tạo ấn tượng và sự cuốn hút trong lòng công chúng.
Quán bia đông khách, bảo tàng đìu hiu
Tôi tìm đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia vào một buổi chiều thứ 6. Cơn mưa bất chợt níu chân khách ở lại lâu hơn. Thế nhưng, trong toàn bộ khuôn viên rộng với nhiều gian trưng bày chỉ có lác đác vài vị khách nước ngoài tham quan. Tôi là người Việt Nam duy nhất tham quan bảo tàng lúc này. Thực ra, đây là một trong những bảo tàng quốc gia có số lượng khách tham quan khá đông. Những đoàn khách đông thường là các trường học tổ chức cho học sinh đi tham quan, tìm hiểu và là buổi dã ngoại để bổ sung kiến thức trong trường học. Ngoài ra, lượng khách lẻ vào tham quan chưa nhiều.
Khác với không khí đìu hiu bên trong bảo tàng ngày không có đoàn khách tham quan, quán bia hơi Lan Chín chạy dọc Bảo tàng Lịch sử quốc gia phía mặt phố Tràng Tiền lại hấp dẫn khá đông thực khách Hà Nội. Đây là phần diện tích tận dụng khoảng không gian giữa bảo tàng và hàng rào, được làm mái che, bên ngoài có rèm sơn cùng màu với hàng rào xanh để tạo sự kín đáo. Tuy nhiên, người ta vẫn nhìn thấy có cái gì đó gợn gợn, chưa đẹp mắt của quán ăn này từ bên ngoài.
Tôi có anh bạn ở ngoại tỉnh phía Bắc thường xuyên về Hà Nội. Hỏi chuyện anh có biết Bảo tàng Lịch sử quốc gia không. Anh bảo không biết. Thế nhưng khi tôi nhắc: “Có quán bia hơi Lan Chín ở đầu phố Tràng Tiền ấy”. Anh ngượng nghịu: “À, à, nhớ ra rồi”.
Nhìn tấm biển hiệu và khách khứa ra vào đông kín buổi trưa thì đủ biết quán này chủ yếu dành cho dân nhậu. Mới đây, tấm biển quảng cáo bia hơi đã được thay đổi cho phù hợp với không gian bảo tàng thành: “Khu dịch vụ phục vụ khách tham quan – Nhà hàng Lan Chín”. Chữ “bia hơi” gắn với quán ăn này hàng chục năm nay đã được thay thế bằng chữ “nhà hàng”.
Và mới đây, tận dụng nốt không gian hở phía góc đường Tôn Đản - Tràng Tiền, một quán phở, quán cà phê mới được mọc lên. Rất may, quán phở và quán cà phê này có hình thức và thẩm mỹ bắt mắt, tạo thêm không gian sang trọng cho bảo tàng chứ không chướng mắt như quán bia hơi kín bưng, phải bật đèn suốt ngày ở bên cạnh.
Ở một địa điểm khác, dưới chân cột cờ Hà Nội trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử quân sự có một quán cà phê khá hấp dẫn khách. Quán cà phê này được trổ riêng một cửa để khách không cần qua cổng bảo tàng cũng có thể vào uống cà phê. Từ phía bên ngoài đường Điện Biên Phủ, tôi loay hoay tìm các góc độ để chụp trọn vẹn được cột cờ. Nhưng, dù đứng trong cả khuôn viên của vườn hoa phía đối diện, những bức ảnh của tôi vẫn bị những chiếc ô màu đỏ choán mất phần lớn khung hình.
Dịch vụ là cần thiết, nhưng phải văn minh
Tôi đem câu chuyện dịch vụ ở các bảo tàng hiện nay trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Văn Huy, chuyên gia về bảo tàng, ông bảo: “Câu chuyện dịch vụ ở bảo tàng là cũ rích”. Ông đánh giá, ở Hà Nội có một số bảo tàng như Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, chất lượng dịch vụ tốt nhưng vị trí đặt không chuẩn nên phá vỡ cảnh quan đẹp của di tích.
Ví dụ như ở Bảo tàng Lịch sử quân sự, quán cà phê Highland chất lượng dịch vụ tốt nhưng làm hỏng mất cảnh quan của Cột Cờ. Người ta ngắm Cột Cờ thì phải ngắm từ chân cột lên, phải nhìn từ xa để ngắm toàn diện. Nếu muốn chụp ảnh đẹp thì phải nhìn từ xa. “Còn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, quán bia hơi tồn tại khoảng hơn 20 năm nay rồi, đó là lịch sử để lại. Có thể, họ giải quyết được nhiều phúc lợi cho CBNV nhưng nên chọn một góc khác để làm dịch vụ”.
Cũng bàn về vấn đề trên, PGS.TS Phạm Văn Lực, Chủ tịch Hội đồng khoa học Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thì đưa ra quan điểm: “Dịch vụ phục vụ khách tham quan bảo tàng là cần thiết, nhưng đưa bia hơi vào bảo tàng là... không ổn”.
Các nhà nghiên cứu về bảo tàng cho rằng, ở nhiều bảo tàng tiên tiến trên thế giới đều chú trọng dịch vụ phục vụ khách tham quan nên chúng ta cần khuyến khích bảo tàng mở dịch vụ phục vụ khách tham quan, đặc biệt là có nơi ngồi nghỉ, giải khát. Bởi, các gia đình đưa nhau đến bảo tàng để chơi, xem, giao lưu, thậm chí người ta còn hẹn nhau đến bảo tàng để ăn và đi xem. Tại châu Âu, thậm chí khách còn đặt bàn trước. Dịch vụ đáp ứng nhu cầu cho khách tham quan ăn, chơi, nghỉ là một trong những chức năng của bảo tàng.
Có một thời gian chúng ta không khuyến khích dịch vụ trong bảo tàng vì nhận thức sai lầm, cho rằng việc kinh doanh ăn uống trong khuôn viên bảo tàng là không phù hợp. Nhưng, quan niệm đó đã được sửa chữa. Dịch vụ ăn uống giải khát trong bảo tàng là nên có và tất yếu.
Nhưng dịch vụ gì và nên như thế nào để giữ được bảo tàng là cơ quan văn hoá, người ta đến bảo tàng là trau dồi văn hoá, thưởng thức nghệ thuật, giải trí nên cần có dịch vụ tốt, chuẩn chứ không thể xô bồ giống như cửa hàng ở vỉa hè, mà phải là cửa hàng mẫu mực, văn minh. Cách bố trí, sắp xếp dịch vụ trong các bảo tàng chưa hợp lý đã tác động đến tâm lý người dân nhận thức về bảo tàng. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến bảo tàng “mất điểm” trong mắt du khách.
Phục vụ khách là mục tiêu quan trọng của bảo tàng. Giữ được khách ở lại bảo tàng càng lâu càng thành công. Nếu không chú trọng chất lượng dịch vụ ăn uống thì bảo tàng mất điểm. Tôi đi nhiều bảo tàng trên thế giới chứng kiến bảo tàng có dịch vụ ăn uống rất tốt. Chúng ta nên học kinh nghiệm của các đồng nghiệp trên thế giới để hoạt động tốt hơn.
Cách khai thác bảo tàng hiện chưa ổn. Để đạt được chỉ tiêu đề ra trong ngành giáo dục, các trường học tổ chức cho học sinh đi tham quan bảo tàng thành các nhóm hàng trăm em một lần, giới thiệu lướt qua. Với số đông như thế đương nhiên là ầm ĩ, nhốn nháo. Đó là cách giáo dục truyền thống phi giáo dục, không hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên.
Theo Việt Hà
Công an nhân dân