Hé lộ những lá thư cuối cùng Trịnh Công Sơn gửi bà Dao Ánh

(Dân trí) - Sau thời gian thư từ qua lại, vào tháng 8/1966, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tỏ tình với bà Dao Ánh, ông viết: “Có một điều không nên nói ra mà phải nói và phải nói trong lúc uống thật say để có đủ can đảm nghe lời phủ nhận hay cái gật đầu. Anh yêu Ánh. Chỉ có đơn giản thế thôi mà phải dè dặt, phải cân nhắc, phải chạy thoát ra ngoài cái tỉnh”.

Tỏ tình?

Trong phần 1 – Những lá thư đầu tiên, thông những cánh thư mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi cho người tình của của mình – bà Dao Ánh, có thể thấy, tình cảm mà ông dành cho bà rất thật, rất ngọt ngào nhưng không hề suồng sã. Cũng qua những lời thư, ông thể hiện được tính cách, sự lãng mạn của mình trong từng câu chữ. Những tâm tư, tình cảm và một phần đời sống, suy nghĩ của ông cũng được chia sẻ, giải bày.

Sau khoảng thời gian 2 năm gắn bó qua những dòng thư, đến tháng 8/1966 nhạc sĩ đã có những dòng tâm sự hét sức đặc biệt với bà Dao Ánh. Ngôn từ chân thật, tha thiết dành cho người yêu dấu nhưng ông vẫn thể hiện được cái tôi của một nghệ sĩ tài danh, suy nghĩ chín chắn của một người trưởng thành “Đây cũng là khởi điểm. Từ đó anh sẽ còn yêu Ánh dài lâu hơn hai sẽ mất hẳn chưa biết chừng. Anh đã chọn vào lúc mà cảm thấy Ánh đủ khôn ngoan để nói”.

Hé lộ những lá thư cuối cùng Trịnh Công Sơn gửi bà Dao Ánh - 1

Tháng 8 năm 1966

Dao Ánh,

Có một điều không nên nói ra mà phải nói và phải nói trong lúc uống thật say để có đủ can đảm nghe lời phủ nhận hay cái gật đầu.

Anh yêu Ánh.

Chỉ có đơn giản thế thôi mà phải dè dặt, phải cân nhắc, phải chạy thoát ra ngoài cái tỉnh.

Điều đó đáng lẽ không nên nói mà có phải bổn phận nhìn thấy phải cảm thông, nhưng cũng nói bởi vì nó là chóp đỉnh của tình cảm. Nói ra thì tình yêu đã biến thành tĩnh vật, đã đông đặc lại như một khối thủy tinh.

Cũng là lần đầu tiên anh phải tự thú điều đó ra trước. Như thế phải tự thú điều đó ra trước. Như thế đã phải tự coi là thất bại trong cuộc tình chung này. Nhưng mà đã sao. Đáng lý thì chúng mình cũng phải thú nhận điều đó một lần.

Nhưng thôi có ích gì.

Đây cũng là khởi điểm. Từ đó anh sẽ còn yêu Ánh dài lâu hơn hai sẽ mất Ánh chưa biết chừng.

Anh đã chọn vào lúc mà cảm thấy Ánh đủ khôn ngoan để nói. Những điều buồn bã của năm qua anh đã quên và khởi mới lại cái nhìn cái nghĩ của anh từ đây.

Đó, như thế là Ánh đã được đặt trước một cái gì đó rõ ràng hơn cũ. Hãy nhìn và lựa chọn.

Nếu điều đó không làm Ánh phiền lòng thì hãy đến anh bằng một dáng dấp khác, bằng một thời khắc và bằng một vẻ và nồng nàn mà anh vẫn hằng mong.

Thân yêu

Trịnh Công Sơn

Sau khi nhận được hồi âm của bà Dao Ánh, có thể thấy sự hân hoan trong tình yêu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Sau khi nhận được hồi âm của bà Dao Ánh, có thể thấy sự hân hoan trong tình yêu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Chia tay...

Sau 4 năm liên lạc, tình cảm của nhạc sĩ họ Trịnh và bà Dao Ánh đã đi vào ngõ cụt. Ông gửi hồi âm cho bà để kết thúc cuộc tình lãng mạng “Chúng mình chấm dứt tình yêu đó ở đây”.

Dường như có thể thấy, đây chính là tình cảm đã choáng hết suy nghĩ của ông. 4 năm với những nhớ mong, những thiết tha, kỳ vọng và nhiều nhưng “Anh đã bất lực không cứu vãn được gì nữa cho tình yêu của mình. Thêm một lần đánh mất và thất lạc những vàng son”.

Huế, ngày 25 tháng 3 năm 1967

Ánh yêu dấu,

Anh sang Trang vì nghe anh Cường bảo Ánh có gửi thư về đó. Nghe Trang kể lại những điều Ánh viết trong thư anh vừa thất vọng vừa buồn.

Bây giờ đã quá khuya. Chương trình chủ đề về tình yêu còn để lại một vị đắng rất mỏng. Mọi người cũng đã ngủ từ lâu và anh cũng phải quyết định một lần cho cả Ánh lẫn anh, một quyết định thật khó khăn mà chẳng ai trong cuộc đời dám dứt khoát với chính mình. Quyết định nào cũng có sự khổ sở của nó. Anh cam đành làm kẻ bội bạc để mở ra cho Ánh sự ngạt thở bấy lâu trong đó người này hay kẻ kia đã cố đóng cho trọn vai của mình. Cho đến phút này anh vẫn cảm thấy chỉ riêng anh đã sống thật hồn nhiên trong tình yêu đã qua.

“Chúng mình chấm dứt tình yêu đó ở đây”. Hãy xem mọi lầm lỗi đều ở anh cả. Và bên sau quyết định này là một lỗi ngõ thênh thang trên đó Ánh hãy đi vào những phiêu lưu mới đừng ăn năn, đừng băn khoăn gì cả.

Tất cả đã rõ như một khoảng trắng.

Cũng đành vậy thôi.

Anh đang nhìn tình yêu ở một độ cao nhất của thủy triều. Quyết định như không thuộc về anh.

Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được.

Để vĩnh biệt nhau trong tình yêu đó anh chỉ muốn khuyên Ánh trong tương lai hãy tự tin hơn và bớt suy tính.

Anh đã bất lực không cứu vãn được gì nữa cho tình yêu của mình. Thêm một lần đánh mất và thất lạc những vàng son.

Đã viết quá dài ngoài ý muốn nhưng nói một lần mà cho tất cả về sau.

Cầu mong thật nhiều bình an cho Ánh và đời đời hạnh phúc trong những dự tính mới ở tương lai.

Thân yêu,

Anh,

Trịnh Công Sơn

Và đến năm 1969, sau 2 năm không liên lạc kể từ khi chia tay, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi tặng bà Dao Ánh ca khúc Tình xa. Sau đó bà Dao Ánh sang Mỹ và lập gia đình.

Hé lộ những lá thư cuối cùng Trịnh Công Sơn gửi bà Dao Ánh - 3

Khánh Ly thể hiện ca khúc Tình xa nhạc sĩ đã viết tặng bà Dao Anh

20 năm tái ngộ - Xin trả nợ người

Mãi đến năm 1994, bà về Việt Nam và tái ngộ ông, sau 20 năm. Ông cũng đã viết tặng bà ca khúc Xin trả nợ người. Sau lần về Việt Nam này, bà đã ly dị chồng.

Trước đó, vào năm 1993 ông có gửi cho bà 1 lá thư sau khoảng thời gian dài không gặp, tình cảm ông dành cho bà dường như vẫn không nhiều thay đổi: "Ánh bảo anh viết thật dài cho Ánh nhưng những dòng chữ không thể dài bằng nỗi nhớ được. Nỗi nhớ đã đi qua hết những quãng đời dài hơn 20 năm. Đi từ Huế lên Đà Lạt về Sài Gòn vẫn âm ĩ như một dòng nước ngầm không quên lãng. Nhớ Ánh vô cùng nhớ".

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Dao Ánh tái ngộ sau 20 năm
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Dao Ánh tái ngộ sau 20 năm
Chân dung của bà do chính nhạc sĩ phác họa
Chân dung của bà do chính nhạc sĩ phác họa
Và ca khúc Xin trả nợ người ông viết tặng bà sau 20 năm gặp lại...
Và ca khúc "Xin trả nợ người" ông viết tặng bà sau 20 năm gặp lại...

Ca khúc Xin trả nợ người do Khánh Ly trình bày

Lá thư cuối cùng trước khi nhạc sĩ qua đời

Từ lần hội ngộ cho đến những năm tháng cuối đời, thỉnh thoảng ông có biên thư cho bà, những lần gặp vội ở Paris vẫn in đậm trong ký ức của ông. Có lẽ, đây là mối tình để lại trong ông nhiều day dứt nhất.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất vào ngày 1/4/2001. Trước khi mất, vào ngày 17/1/2001 ông đã gửi thư cho bà để hỏi thăm sức khỏe cũng như chia sẻ tình hình hiện tại của mình. Ông không thể viết thư vì sức khỏe kém nên đã nhờ bạn email cho bà.

Ngày 17 tháng 1 năm 2001

From: trinhcongson trinhcongson@tlnet.com.vn

To: anhv@pocketmail.com

Date: Wednesday, January 17, 2001 11:30 AM

Subject: Thư cho Dao Ánh

Dao Ánh,

Lâu quá không có tin tức gì của Ánh, không biết tình hình đời sống thế nào?

Nhân năm mới chúc Ánh có được những niềm vui mới. Bao giờ thì có thể thu xếp về Việt Nam được? Vừa rồi đường lên cao đột ngột, mình phải vào bệnh viện, hiện đã về nhà chích thuốc, điều chỉnh lại lượng đường trong máu. Bao giờ đường ổn định thì mới tính đến chuyện đi xa được.

Trinh về lại đây có kể lại chuyện ở lại nhà Ánh. Rất vui nghe nói Ánh sức khỏe bình thường mình cũng ngủ yên tâm. Càng sống, càng thấy có được một cuộc sống luôn luôn bình thường là điều may mắn lắm rồi. Cố gắng tìm niềm vui trong những điều nhỏ nhặt nhất để cảm thấy đời nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn.

Lâu nay có điều kiện đi du lịch đâu xa không? Có đầy đủ sức khỏe để đi được nơi này nơi nọ là quý lắm. Mình lúc này quá lời, nên chuyến đi xa không hề nghĩ đến.

Mong gặp lại Ánh ở Sài Gòn trong những ngày sắp tới.

Một lần nữa, chúc Ánh có được một cái Tết thú vị, dù chỉ một mình hay với nhiều người.

“Thông qua những lá thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi cô gái Huế có tên Ngô Vũ Dao Ánh, người đọc không chỉ tìm thấy vẻ đẹp kỳ diệu của một tình yêu huyền nhiệm mà con hiểu được những lo âu, dằn vặt triền miên của nhạc sĩ về kiếp người, về lòng tin và những điều tốt đẹp đang bị mai một dần trong cõi nhân gian. Bên cạnh gia tài đồ sộ về âm nhạc của Trịnh Công Sơn, đây có thể được xem là một áng văn chưa thật ấn tượng trong đời hoạt động nghệ thuật của ông”, trích dẫn từ lời bình của nhà xuất bản tập Thư tình gửi một người.

Băng Châu (Tổng hợp)