Hé lộ đời sống của người Hà Nội thời tiền sơ sử qua khai quật di chỉ Vườn Chuối

(Dân trí) - Những kết quả khai quật khảo cổ tại cụm di chỉ Vườn Chuối (Hoài Đức, Hà Nội) đang dần làm sáng tỏ những bí ẩn lịch sử về đời sống của người Hà Nội thời tiền sơ sử.

Cụm di chỉ Vườn Chuối đã được các nhà nghiên cứu khảo cổ học phát hiện và nghiên cứu từ năm 1969. Từ đó đến nay, nhiều đợt thăm dò, khai quật nghiên cứu được tiến hành ở các địa điểm gò Vườn Chuối, gò Dền Rắn, gò Mỏ Phượng, gò Cây Muỗng, gò Chùa Gio và gò Chiền Vậy.

Hé lộ đời sống của người Hà Nội thời tiền sơ sử qua khai quật di chỉ Vườn Chuối - 1

Bản đồ hiện trạng cụm di chỉ Vườn Chuối.

Hé lộ đời sống của người Hà Nội thời tiền sơ sử qua khai quật di chỉ Vườn Chuối - 2

Toàn cảnh cụm di chỉ Vườn Chuối năm 2019 nhìn từ trên cao.

Các cuộc khảo sát, thăm dò và khai quật nghiên cứu từ trước đến nay ở cụm di chỉ Vườn Chuối đã xác định đây là loại hình di chỉ cư trú kết hợp mộ táng, tồn tại ít nhất ba tầng văn hóa phát triển liên tục từ giai đoạn Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn.

Đây đồng thời là một địa điểm quan trọng, chứa đựng nhiều giá trị nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là khảo cổ học Tiền - Sơ sử khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng. Mỗi lần khai quật đều đem lại những kết quả và tư liệu mới cho công tác nghiên cứu khảo cổ học khu vực, góp phần làm sáng tỏ lịch sử Hà Nội thời tiền sơ sử.

Công tác khai quật năm 2019 được nhóm các nhà nghiên cứu Viện Khảo cổ học và Đại học KHXH&NV Hà Nội tiến hành ở địa điểm Vườn Chuối với 2 hố khai quật, mỗi hố có diện tích 100m2, một hố mở ở giữa gò và một hố mở ở phía nam gò. Các hố thăm dò được thiết kế mỗi hố 4m2, gồm 75 hố, mở ở 3 địa điểm gò Vườn Chuối, gò Dền Rắn và gò Mỏ Phượng nhằm tìm hiểu diện phân bố trong từng di chỉ.

Kết quả tổng thể xác định di chỉ Vườn Chuối là một làng cư trú kéo dài theo hướng Bắc Nam (210m) và hẹp chiều Đông Tây (chỗ rộng nhất 75m), trong đó các lớp văn hóa cổ nhất nằm ở đầu phía Bắc và tiến dần về phía Nam là các giai đoạn văn hóa muộn hơn.

Hé lộ đời sống của người Hà Nội thời tiền sơ sử qua khai quật di chỉ Vườn Chuối - 3

Hố khai quật H1 - 2019.

Các nhà khảo cổ đã phát hiện 15 mộ táng đều là mộ giai đoạn văn hóa Đông Sơn với hai loại mộ huyệt đất và mộ quan tài gốm. Đợt thăm dò, khai quật này cũng phát hiện thêm các loại hình di tích sinh hoạt cư trú như: các khu bếp đun nấu, vết tích lò nấu đồng, các hố đất đen, hố chân cột, vết tích nền sân hoặc nền kiến trúc… thuộc nhiều giai đoạn văn hóa khác nhau từ Đồng Đậu đến Đông Sơn.

Thống kê sơ bộ, các nhà khảo cổ đã thu được trên 1.000 hiện vật đồ đá với các nhóm loại hình: Công cụ lao động, đồ trang sức và các loại hình hiện vật khác. Đồ đồng thu được 40 hiện vật thuộc các loại hình: Công cụ sản xuất (rìu, dao, kim, lưỡi câu…), vũ khí (giáo, mũi tên) và các hiện vật khác… Ngoài ra còn có đồ tre, gỗ và trên một vạn mảnh gốm cổ.

Từ kết quả nghiên cứu, các nhà khảo cổ học đã đề xuất ba phương án bảo tồn cụm di chỉ Vườn Chuối. 

Hé lộ đời sống của người Hà Nội thời tiền sơ sử qua khai quật di chỉ Vườn Chuối - 4

Mộ táng văn hóa Đông Sơn ở hố H2 năm 2019.

Phương án 1 là bảo tồn nguyên trạng toàn bộ cụm di chỉ Vườn Chuối (Vườn Chuối tổng diện tích phân bố di tích gần 12.000m2; Dền Rắn phần diện tích còn lại gần 3.000m2 và Mỏ Phượng phần diện tích còn lại gần 500m2). Khoanh vùng khu vực bảo tồn bằng các mốc giới.

Phương án 2 là dành một phần diện tích di chỉ Vườn Chuối để thực hiện việc dựng bia giới thiệu về cụm di chỉ khảo cổ học, tiến hành xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng khi đủ điều kiện.

Phương án 3 là bảo tồn 6.000m2 nửa phía Đông di chỉ, tiến hành khai quật nghiên cứu 6.000m2 nửa phía Tây di chỉ Vườn Chuối. Đồng thời với việc khai quật nghiên cứu làm rõ những giá trị đặc trưng của di tích là xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng theo Luật DSVH. 

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm