Hãy cứu lấy Sử thi Tây nguyên

(Dân trí) - “Khoảng 5 năm nữa thôi nếu không có kế hoạch bảo tồn cụ thể, Sử thi Tây Nguyên sẽ mất đi. Khi đó muốn tìm hiểu Sử thi chỉ có cách duy nhất là đi vào Bảo tàng…”, ông Trương Bi - Phó Giám đốc Sở VH- TT-DL tỉnh Đắk Lắk cay đắng nói.

Tây Nguyên được biết đến như là một vùng đất huyền thoại, nơi cư trú của các dân tộc thiểu số: M’nông, Ê-đê; Ba Na, Ja Rai… Vùng đất này còn được biết đến với những giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần vô cùng quý giá của những điệu cồng chiêng, rượu cần, đàn T’rưng… và đặc biệt là Sử thi.

Trong cuộc khảo sát, sưu tầm Sử thi do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên, số liệu do ông Trương Bi cho biết, từ năm 2001 - 2007, đã xuất bản được 75 bộ sách Sử thi Tây Nguyên (đợt 1 năm 2007-2009) dưới hình thức song ngữ. Đến 2010, tiếp tục xuất bản đợt 2 thêm 20 bộ sách Sử thi Tây Nguyên. Tại Đắk Lắk -được xem là “cái rốn” của Sử thi Tây Nguyên - đã tiến hành điều tra, khảo sát 110 xã thuộc 11 huyện thống kê được 70 nghệ nhân Ê-đê và 9 nghệ nhân M’nông biết hát kể Sử thi. Tuy nhiên, theo thời gian con số nghệ nhân biết hát kể Sử thi còn sống ở các buôn làng Tây Nguyên đang bị “hao mòn cực đại”, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trương Bi không khỏi hụt hẫng khi cho biết con số mới nhất trong cuộc khảo sát gần đây thì người Ê-đê biết hát kể Sử thi chỉ còn lại 5 người, còn người M’nông chỉ còn lại vài người sống rải rác trên các buôn làng (gồm cả Đắk Lắk, Đắk Nông) nhưng tuổi tác đã già khiến họ đang dần “quên đi” giá trị văn hóa tinh thần độc đáo của dân tộc mình.

“Người M’nông biết hát kể Sử thi giỏi hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại Đắk Song (Đắk Nông) chỉ có nghệ nhân Điểu Kluk biết hát kể Sử thi nhưng ông này đã trên 80 tuổi. Còn tại Đắk Lắk một nghệ nhân người M’nông khác biết hát kể Sử thi là ông Điểu K’Lung (70 tuổi, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) thuộc khoảng 120 Sử thi M’nông”, ông Bi cho biết.
 
Ông Trương Bi - Phó GĐ Sở VHTT&DL Đắk Lắk cho biết Sở này vừa nhận được
Ông Trương Bi - Phó GĐ Sở VHTT&DL Đắk Lắk cho biết Sở này vừa nhận được
 công văn của Bộ VHTT&DL về việc lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể

Ông Bi cho biết thêm, người Ê-đê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ còn 2 nghệ nhân biết hát kể Sử thi giỏi nhưng tuổi đã cao. Một là, ông Y Nuih Niê (trên 90 tuổi, xã Ea Kênh, Krông Pắk, Đắk Lắk) thuộc khoảng 10 Sử thi Ê-đê. Một nghệ nhân khác, là ông Y Wang (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) thuộc khoảng 5 - 6 Sử thi Ê-đê.

Theo ông Bi, nguyên nhân dẫn đến Sử thi đang dần lụi mòn là do sự ảnh hưởng của văn hóa điện đại nên cộng đồng người đồng bào các thôn buôn thực sự ít có nhu cầu nghe kể Sử thi như trước đây. Trong khi đó, các nghệ nhân biết hát kể Sử thi đã già yếu, nhiều người đã chết đồng nghĩa họ mang theo “kho báu” về thế giới bên kia trong khi thế hệ trẻ không có sự tiếp cận kịp thời. Mặt khác, không gian nghe kể Sử thi là ngôi nhà dài đang dần mai một, thậm chí nhiều buôn làng ngôi nhà dài chính thức bị “xóa sổ” nên không gian kể Sử thi cũng không còn.

“Khoảng 5 năm nữa thôi nếu không có kế hoạch bảo tồn cụ thể thì Sử thi Tây Nguyên sẽ mất đi. Khi đó muốn tìm hiểu Sử thi chỉ có cách duy nhất là đi vào Bảo tàng để nghe lại những băng cassette, xem lại những hình ảnh mà cố nhân đang hát Sử thi khi xưa. Bởi vì khi đó Sử thi đã không còn lưu giữ trên các buôn làng của người đồng bào Tây Nguyên…”, ông Trương Bi tiên lượng về “số phận” bi đát của Sử thi trong tương lai.

Chứng minh điều đó ông Trương Bi lấy thí dụ về ngôi nhà dài truyền thống của người Êđê được xem là một không gian kiến trúc độc đáo, một công trình sáng tạo văn hóa vật chất ấn tượng như là điển hình về sự mai một và sự thật đang dần mất đi trên thực tế ở các buôn làng Tây Nguyên. “Buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) có mấy chục nhà dài nhưng chiếc cầu thang đã thay đổi, mái nhà lợp ngói cùng nhiều chi tiết khác đã dị dạng.... Bây giờ muốn hiểu sâu về nhà dài thì không có sự lựa chọn nào khác là người ta đang đi vào Bảo tàng tìm hiểu”, ông Bi chứng minh trong sự nuối tiếc.
 
Ông Trương Bi - Phó GĐ Sở VHTT&DL Đắk Lắk cho biết Sở này vừa nhận được

“Việc cần kíp lúc này trong việc bảo tồn Sử thi theo tôi không có cách nào khác là cần chuyển nội dung các bộ Sử thi từ sách qua băng, đĩa phát phát trên các đài truyền thanh cho người đồng bào nghe thường xuyên. Thứ nữa, biên tập Sử thi thành các cuốn mỏng song ngữ Việt - tiếng đồng bào chuyển vào thư viện trường học có con em người đồng bào theo học, phát cho người đồng bào. Đặc biệt, chuyển Sử thi thành truyện tranh, phim hoạt hình là một trong những hình thức hiệu quả để đưa Sử thi quay lại cùng đồng bào. Đồng thời, chọn một số buôn còn các nghệ nhân để phục hồi sinh hoạt hát kể Sử thi. Ngoài ra, cần đưa Sử thi vào các cuộc liên hoan, dân ca, dân vũ bởi trong dân ca người ta có sử dụng hát kể Sử thi”, ông Bi nói.

Ông Bi cho biết thêm, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Đắk Lắk vừa nhận được công văn của Bộ Văn hóa Thể Thao & Du lịch về việc lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật truyền khẩu Sử thi Tây Nguyên” để đưa vào Danh mục di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Trên cơ sở đó Bộ sẽ có kế hoạch cho việc lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận di sản Văn hóa phi vật thể. “Việc lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật truyền khẩu Sử thi Tây nguyên” không phải là chuyện đơn giản. Chúng tôi đã nhận được công văn của Bộ Văn hóa Thể Thao & Du lịch nhưng chưa thể triển khai vì chưa có mẫu cụ thể”, ông Bi nói.

 
 
Viết Hảo