Bạn đọc viết:
Hãy coi chừng đấy!
(Dân trí) - Bài viết dưới đây là của ca sĩ Phương Thảo - thành viên Dàn Hợp xướng Quốc tế Hà Nội, viết về cảm xúc một đêm diễn cũng như con đường và tình yêu đến với âm nhạc một cách bình dị, đáng trân trọng. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Thế là ngày 18/9, chúng tôi có buổi biểu diễn “Tiếng Thu” tại Nhà Hát Lớn, trong đó Dàn Hợp xướng tham gia hai phần: “Miền đất của Hy vọng và Vinh Quang” (Land of Hope and Glory) và một số trích đoạn trong vở nhạc kịch nổi tiếng “Carmen”.
Dàn Hợp xướng Quốc tế Hà Nội
Dàn Hợp xướng Quốc tế Hà Nội thành lập năm 1997 bởi một vị chỉ huy dàn nhạc người Mỹ. Đây là một dàn hợp xướng không chuyên, một hình thức khá phổ biến ở châu Âu. Thành viên của Dàn hợp xướng phần lớn là người nước ngoài, và người Việt đã có thời gian sinh sống ở nước ngoài, và có điều kiện làm quen với những bản nhạc cổ điển.
Điều kiện để trở thành thành viên của Dàn Hợp xướng là biết hát đúng nốt nhạc, và có thời gian tham gia tập đều đặn vào các buổi tối thứ Hai hàng tuần. Một năm, Dàn Hợp xướng có từ bốn đến 10 buổi biểu diễn, diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng của Nhà Hát Vũ Kịch Việt Nam, và cùng các dàn nhạc, dàn hợp xướng của nước ngoài lưu diễn ở Việt Nam trong các chương trình trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và các nước.
Từ hồi còn đi học Đại học, tôi ở nhờ nhà bác họ ở sau đê Sông Hồng, ngày nào cũng đi qua Nhà Hát Lớn. Mỗi tối có buổi biểu diễn, Nhà Hát Lớn sáng trưng đèn, trông thật nguy nga, lộng lẫy, và xa xỉ trong đôi mắt của cô gái người miền núi Hà Giang như tôi.
Thế rồi, một lần, nghe người ta hướng dẫn, tôi đã đặt chân đến Nhà Hát Lớn lần đầu tiên trong đời: tôi đến vào lúc giải lao giữa giờ, và xin nhân viên bảo vệ ở cổng phụ của Nhà Hát Lớn cho vào. Được vào bên trong, tôi biết điều leo lên tận tầng áp mái để nghe nhạc. Đến đây tôi mới biết có rất nhiều bạn sinh viên học nhạc cổ điển cũng đi nghe nhạc ở Nhà Hát Lớn như thế.
Là sinh viên nghèo thì lấy đầu ra tiền để mua vé. Thôi, được vào nửa buổi, không mất tiền, hoặc mất một khoản rất nhỏ, và ngồi tầng áp mái cũng đã là tuyệt vời lắm rồi. Đó là những năm 1995-1999 của tôi, khi mà tiền đi làm thêm chỉ vừa đủ sống một cách tằn tiện.
Sau này ra nước ngoài đi học hay đi làm, vẫn ít tiền, tôi lại tìm đến những buổi biểu diễn miễn phí (như buổi diễn 6h tối hàng ngày ở Trung tâm Biểu diễn Kennedy ở Thủ đô Washington), hay những nơi bán vé khuyến mại (ở thành phố New York có những ki-ốt bán vé nhạc kịch cho khách du lịch với giá chỉ bằng một nửa giá gốc), hay mua vé bằng thẻ sinh viên nên được giảm giá ở các nhà hát tại Melbourne hay London.
Năm 2003, sau khi sinh con đầu lòng, công việc nhiều hơn, cuộc sống bận rộn lên nhiều và có lúc căng thẳng. Được chồng khuyến khích, tôi quyết định tham gia Dàn hợp xướng Quốc tế Hà Nội, như là một cách để làm cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
Đêm 18/9 vừa rồi, trước khi chuẩn bị lên sân khấu cùng Dàn nhạc và Dàn Hợp xướng, tôi nói đùa qua điện thoại với anh bạn ở bên Anh rằng: “Bài hát Mảnh đất của Hy vọng và Vinh quang được coi là bản nhạc ái quốc phổ biến nhất của nước Anh. Hôm nay là ngày lịch sử của Scotland, họ bỏ phiếu sẽ tiếp tục nằm trong Vương quốc Anh hay trở thành một nước độc lập. Và cũng ngày này, ở Hà Nội, chúng tôi mở đầu buổi biểu diễn bằng bài hát Mảnh đất của Hy vọng và Vinh Quang!”.
Qua điện thoại, bạn tôi nói: “Có thể đây là một điềm báo trước rằng sáng mai kết quả kiểm phiếu sẽ là Scotland vẫn thuộc Vương quốc Anh…”. Hôm sau, Scotland ở lại với nước Anh thật, tôi tinh nghịch nhắc anh bạn về kết quả đúng như điềm báo.
Ở phần hai của buổi biểu diễn “Tiếng Thu”, Dàn Hợp xướng hát một số trích đoạn của vở nhạc kịch “Carmen”, trong đó có trích đoạn nổi tiếng “Habanera”. Nàng Carmen hát bài này ngay trong hồi đầu tiên của vở kịch, khi các anh lính trẻ xúm lại cười đùa với các cô gái xinh đẹp và hấp dẫn làm việc ở nhà máy cuốn thuốc xì-gà.
Vừa ném chiếc bông giắt trên ngực cho anh chàng Jose, Carmen hát: “Ái tình như con chim nổi loạn không gì có thể thuần phục được… Ái tình như đứa trẻ sống lang thang, chẳng bao giờ biết đến luật lệ nào cả. Nếu anh không yêu tôi, thì tôi lại yêu anh. Còn nếu tôi yêu anh, thì anh hãy coi chừng đấy!”.
“Hãy coi chừng đấy!” (Prend garde a toi!) là phần hát đệm của Dàn Hợp xướng cho nữ diễn viên hát solo chính vào vai Carmen. Nhiều khán giả người nước ngoài trong thính phòng biết và thuộc lời phần này. Khán giả Việt Nam chắc hẳn cũng biết giai điệu của bài này và phần hát đệm.
Chúng tôi đang chuẩn bị cho phần hát này thì Chỉ huy dàn nhạc Đồng Quang Vinh quay xuống phía khán giả và bắt đầu cuộc đối thoại thật vui. Vinh tạo sự thoải mái cho mọi người bằng cách giải thích một chút về nội dung vở Carmen. Vinh mời anh bạn người Pháp trong dàn hợp xướng tên là Matthieu phát âm thật rõ cụm từ “Prend garde a toi!” để mọi người cùng nghe.
Sau đó, tất cả cùng biểu biễn bài hát “Habanera” với sự tham gia của dàn nhạc Nhà Hát Vũ Kịch Việt Nam và của dàn hợp xướng không chuyên Quốc tế Hà Nội, thú vị nhất là của cả mấy trăm khán giả trong thính phòng Nhà Hát Lớn. Chúng tôi đã có một buổi biểu diễn đáng nhớ, đầy chất thơ, và chất Thu.
Lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến một vị Chỉ huy dàn nhạc của Việt Nam, trẻ trung và đầy nhiệt huyết, hết sức sáng tạo tìm cách tạo sự thích thú cho tất cả mọi người trên nền nhạc và lời của một vở ca kịch kinh điển của thế giới. Đây cũng là buổi ra mắt đầu tiên của Đồng Quang Vinh với tư cách Chỉ duy dàn nhạc chính thức của dàn nhạc Nhà hát Vũ Kịch Việt Nam.
Tôi mong chờ tham gia các buổi biểu diễn tiếp theo của Chỉ huy Dàn nhạc Đồng Quang Vinh. Chắc hẳn sẽ còn nhiều điều thú vị với vị chỉ huy trưởng còn trẻ, đầy tài năng và nhiệt huyết này. Hãy coi chừng đấy! Prend Garde A Toi!
Thảo Griffiths