Hậu trường cuộc thi Hoa hậu “bí ẩn nhất hành tinh”

(Dân trí) - Cuộc thi Hoa hậu Thế giới Hồi giáo không xét tới tiêu chí nhan sắc và vẻ đẹp hình thể, mà đây được xem là... "đấu trường đạo đức" của những người đẹp Hồi giáo dự tranh vương miện.

Một blogger thời trang người Anh - một cô gái theo đạo Hồi có tên Dina Torkia (25 tuổi) - đã trở thành nhân vật chính trong bộ phim tài liệu “Hoa hậu Thế giới Hồi giáo”. Bộ phim vừa được chiếu trên kênh BBC. Bộ phim này đã được thực hiện trong suốt thời gian Dina Torkia tham gia cuộc thi Hoa hậu “bí ẩn nhất thế giới”.

Những thí sinh tham gia cuộc thi này sẽ phải tranh tài trong một “đấu trường đạo đức” được mở ra trong suốt hai tuần, trong thời gian này, họ sẽ phải chứng tỏ mình thông qua việc thực hiện những nhiệm vụ được ban tổ chức giao cho.

Qua những công việc được giao, như đến thăm trại trẻ mồ côi, nhà dưỡng lão, bệnh viện…, trải qua các bài thi thể chất, những bài kiểm tra tâm lý…, các ứng viên sẽ bộc lộ cá tính bản thân và những phẩm chất đạo đức một cách tự nhiên nhất.

Cuộc thi Hoa hậu Thế giới Hồi giáo được mở ra từ năm 2011, như một “câu trả lời của các tín đồ Hồi giáo đối với cuộc thi Hoa hậu Thế giới”.

Đương nhiên, luật lệ của cuộc thi này sẽ tuân thủ theo những quy chuẩn nghiêm khắc đối với phụ nữ đạo Hồi, đánh giá họ không dựa trên tiêu chí nhan sắc và vẻ đẹp hình thể, mà dựa trên tư cách đạo đức, lối sống, phẩm hạnh…

Tiêu chí quan trọng nhất đối với một Hoa hậu Thế giới Hồi giáo là phải đề cao những chuẩn mực đạo đức truyền thống đối với phụ nữ đạo Hồi. Nhiệm vụ hàng đầu của Hoa hậu sau khi đăng quang là phải thúc đẩy những giá trị đó ngày càng được phát triển, được gìn giữ trong cộng đồng.

Hậu trường cuộc thi Hoa hậu “bí ẩn nhất hành tinh”

Cô gái người Anh Dina Torkia đến thành phố Yogyakarta, Indonesia để tham gia vào cuộc thi Hoa hậu Thế giới Hồi giáo 2014.

Cuộc thi này đương nhiên chỉ tiếp nhận những thí sinh là tín đồ Hồi giáo, để thẩm định điều này, yếu tố ngoại hình (xuất hiện trong trang phục truyền thống) là chưa đủ, các thí sinh còn phải trải qua bài sát hạch với những kiến thức căn bản về tôn giáo và phải đọc thuộc lòng những đoạn kinh Koran.

Hàng trăm cô gái đã đăng ký tham gia cuộc thi này và 20 người được lựa chọn vào vòng chung kết, trong đó có Dina Torkia - nhân vật chính của bộ phim tài liệu.

Người sáng lập ra cuộc thi này - bà Eka Shanty - khẳng định rằng cuộc thi được mở ra để tăng thêm sức mạnh cho phụ nữ Hồi giáo trong xã hội đương đại, bằng cách tạo ra một chuẩn mực lý tưởng về người phụ nữ Hồi giáo.

Dina
Torkia trong màn tự giới thiệu bản thân với các ứng viên khác.

Dina Torkia trong màn tự giới thiệu bản thân với các ứng viên khác.

Cuộc sống của nhân vật nữ chính trong những ngày tham gia cuộc thi được kể lại một cách chi tiết trong bộ phim tài liệu. Trong ngày đầu tham gia cuộc thi, các cô gái phải thức dậy lúc 3h sáng để… đọc thuộc lòng kinh Koran.

Dina
Torkia trong màn tự giới thiệu bản thân với các ứng viên khác.

Những cô gái tham gia cuộc thi phải trải qua những bài sát hạch đa dạng, bao gồm cả những bài kiểm tra trắc nghiệm tâm lý để ban giám khảo có thể đánh giá về cá tính và phẩm chất đạo đức của từng người.

Sau đó là những bài kiểm tra thực tế, ví dụ, các cô gái được đưa tới một khu dân cư nghèo, tại đây, ban giám khảo sẽ theo chân các thí sinh để xem họ sẽ giao tiếp, ứng xử như thế nào với những người nghèo khó và xem trải nghiệm này có tác động như thế nào đối với tâm lý của từng thí sinh.

Trong cuộc thi, có lúc họ phải di chuyển bằng tàu hỏa, tất cả các thí sinh khi ngồi trên toa đều giữ yên lặng, chỉ thủ thỉ trò chuyện và tuyệt đối không ca hát. Nguyên nhân là bởi trong toa tàu có nam giới, vì vậy các cô gái đều phải giữ yên lặng bởi giọng nói của họ cũng là một phần riêng tư cần phải giữ gìn.

Cuộc thi có một ban giám khảo bao gồm cả nam và nữ, nhưng quyết định cuối cùng để tìm ra Hoa hậu lại được đưa ra bởi 100 trẻ em mồ côi, chính những em bé này sẽ là người quyết định ai trong số hai ứng viên xuất sắc nhất sẽ trở thành Hoa hậu.

Dina
Torkia đến từ Vương quốc Anh, và một cô gái người Iran.

Dina Torkia đến từ Vương quốc Anh, và một cô gái người Iran.

Trong một thử thách khác, mỗi cô gái được ban tổ chức đưa cho 150.000 rupi (gần 240.000 đồng) và được yêu cầu tự chọn mua 3 món quà để dành tặng 3 bà cụ sống trong một trại dưỡng lão.

Sau một số thử thách tương tự, đêm chung kết cũng đến sau hai tuần tranh tài và danh hiệu Hoa hậu Thế giới Hồi giáo đã thuộc về cô gái đến từ Tunisia. Trong số 100 trẻ em được quyền bỏ phiếu để lựa chọn ra Hoa hậu, cô gái người Tunisia nhận được 51 phiếu, cô gái người Ấn Độ nhận được 49 phiếu.

Dina
và cô gái người Iran là đôi bạn thân thiết trong suốt quá trình dự thi.

Dina và cô gái người Iran là đôi bạn thân thiết trong suốt quá trình dự thi.


Bích Ngọc
Theo Daily Mail