“Hào khí Thăng Long- 12 ngày đêm 1972”- Một cuốn sách giá trị

(Dân trí)- Với gần 400 trang viết, cuốn "Hào khí Thăng Long - 12 ngày đêm 1972" của Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội do nhà xuất bản Hà Nội vừa xuất bản được độc giả đánh giá là một cuốn sách văn học lịch sử có giá trị.

Trong phần đầu "Mười hai ngày đêm Điện Biên Phủ trên không" của tập sách người đọc đã được biết dự đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến thăm Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân cuối 1967: "... Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua.... Ở Việt Nam đế quốc Mỹ nhất định thua nhưng chúng chỉ thua sau khi thua trên bẩu trời Hà Nội. Các chú phải suy nghĩ chuẩn bị để chủ động đối phó". Từ đầu 1968, cán bộ Quân chủng đã tập trung trí tuệ chuẩn bị đánh B-52 Mỹ qua từng giai đoạn từ cuối 1967 cho đến khi kết thúc thắng lợi 12 ngày đêm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội (18 đến 29/12/1972), buộc Tổng thống Mỹ Ních-xơn phải tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam bắt đầu từ 30/12/1972, tiến tới ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam ngày 27/1/1973.

Tại phần 2, "Sáng ngời hào khí Thăng Long", trong số khoảng 500 bài và tư liệu của gần 500 phường, xã thuộc 29 Quận, Huyện, Thị xã của Thủ đô, Ban Tuyên Giáo Thành uỷ đã nhận được, anh chị em trong Ban đã tuyển chọn được 37 bài viết dùng trong trên 200 trang viết của phần này. Đó là bài của trưởng phòng lịch sử Ban Tuyên giáo Thành uỷ Phạm Minh Khanh viết theo nguyên Chủ nhiệm Quân y quân khu Tả ngạn, nguyên Viện phó viện Quân y 108 Đỗ Doãn Đại, thời kỳ ông là Giám đốc bệnh viện Bạch Mai nói về những ngày bám trụ bệnh viện dưới những trận ném bom huỷ diệt của B-52 Mỹ tháng 12/1972. Đó là chuyện những chiến sĩ áo trắng ở Bệnh viện Việt-Đức, Sanh Pôn của chiến sĩ Điện Biên Phủ 1954, Giáo sư Tôn Thất Tùng, nguyên Giám đôc Bệnh viện Việt-Đức. Đó là những chuyện Tết ở rừng Trường Sơn nói về các đồng chí nguyên Tư lệnh, phó Tư lệnh và cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng Quân khu 5 Chu Huy Mân, Lư Giang, Võ Thứ, Hoàng Anh Tuấn....; là những chuyện Tết ở Paris của ông Nguyễn Minh Vĩ từ khi ông còn là một người chỉ huy chuyến tàu Ba Lan chuyển quân tập kết ra Bắc sau hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 với danh nghĩa một Trung tá cùng với Đại tá Hà Văn Lâu chỉ huy một chuyến tầu khác cho đến khi ông là phó đoàn ngoại giao nước V.N.D.C.C.H. ở Hội Nghị Paris, .....thời gian sau chiến thắng Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội.
 
“Hào khí Thăng Long- 12 ngày đêm 1972”- Một cuốn sách giá trị
Cuốn sách viết về 12 ngày đêm oanh liệt của quân dân Thủ đô trong cuộc chiến Điện Biên Phủ trên không

Trong phần này của tập sách "Hào khí Thăng Long", Ban Tuyên giáo Thành uỷ còn giới thiệu nhiều cán bộ chỉ huy các đơn vị Phòng Không-Không quân, nhiều Trung đội trưởng, tiểu đội trưởng, chiến sĩ dân quân tự vệ nhà máy dệt 8/3, xí nghiệp sửa chữa xe đạp Điện Biên Phủ....nhiều chuyện chiến đấu hào hùng của các chiến sĩ dân quân tự vệ nhà máy điện Yên Phụ, Đài phát thanh Mễ trì, xã Đông Hội, Đông Anh, lực lượng Phòng cháy chữa cháy Lộc Hà, chuyện bắn rơi tại chỗ chiếc B-52 ở Hồ Hữu Tiệp, chiến đấu bảo vệ ga Hà Nội của dân quân Cửa Nam, chuyện dân quân Quảng Bá, Khương Thượng bắt sống giặc lái Mỹ... chuyện những chiến sĩ áo trắng ở Bệnh viện Việt-Đức, Bạch Mai, Sanh Pôn rồi tiếp theo là những chuyện Tết ở Paris , ở rừng Trường Sơn sau chiến thắng Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội. cùng nhiều chuyện lý thú khác của những người đã góp phần làm nên lịch sử. trong chiến thắng B-52 tại Hà Nội tháng 12 năm 1972.

Tiếp theo là những bài của Ban Tuyên giáo Quận uỷ Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Sơn Tây; của các Huyện uỷ Gia Lâm, Chương Mỹ, Hoài Đức, Thường Tín, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Thanh Trì, Ứng Hoà, Phú Xuyên, Từ Liêm; của Phường Khâm Thiên, Cửa Nam, Phú Thượng; Đội Tổng kết lịch sử và Quản lý khoa học-Công an thành phố Hà Nội, Đài Phát thanh Huyện Đông Anh...; của công nhân Đài Phát thanh Mễ Trì, đội tự vệ Xí nghiệp đầu máy xe lửa Hà Nội, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ, nhà máy dệt 8/3, xí nghiệp sửa chữa xe đạp Điện Biên phủ, chuyện chiến đấu của công nhân nhà máy điện Yên Phụ, Đài phát thanh Mễ trì, Công an xã Đông Hội, Đội Phòng cháy chữa cháy Công an Lộc Hà.

Tại phần 3 "Bài ca chiến thắng" của tập sách, qua 16 bài viết của các nhà văn nổi tiếng như Lưu Quí Kỳ, Hoàng Minh Giám, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, của nhà báo Tô-ra-van, phóng viên hãng thông tin Pháp A.F.P. ở Hà Nội.... và nhiều tác giả khác đăng trên các báo Nhân dân, Hà Nội mới và một số sách xuất bản ở Hà Nội ngay từ cuối tháng 12/1972 và đầu tháng 1/1973, người đọc được biết chuyện Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam ở Mễ Trì bị B-52 Mỹ đánh phá đúng lúc đài đang phát những bản nhạc theo yêu cầu của đồng bào mièn Nam vào 4 giờ 51 phút sáng 19/12/1972 nhưng chỉ sau 9 phút, giọng nói dịu hiền thân yêu của đài lại tiếp tục với những câu: "Đây là Tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Hà Nội....". Ngoài ra là các chuyện bắt sống giặc lái B52 trên đường phố Thủ đô, chuyện đám cưới bên một ụ súng phòng không, chuyện lễ Nô-en ở Hà Nội, chuyện xác B-52 và hoa Hà Nội chiến thắng....

Trong 60 trang của phần "Phụ lục" cuối sách, anh chị em Ban Tuyên Giáo Thành uỷ Hà Nội đã công phu sưu tầm nhiều tư liệu, nhiều ảnh lịch sử quí thời chiến thắng pháo đài bay chiến lược B-52 Mỹ ở Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác trên toàn quốc; những thư, điện khen của Đảng và Nhà Nước, Bộ Tổng Tư lệnh, của các tỉnh thành trong cả nước mừng chiến thắng của quân dân Hà Nội; danh sách các tập thể và cá nhân được Đảng, Nhà Nước tặng danh hiệu Anh Hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Kháng chiến và chiến công các loại ; thời gian và số máy bay chiến lược B-52, máy bay chiến thuật khác đã bị quân dân miền Bắc và Thủ đô Hà Nội bắn rơi tại chỗ.

Thành công lớn của cuốn "Hào khí Thăng Long - 12 ngày đêm 1972", có công đóng góp không nhỏ của nhà xuất bản Hà Nội đã kịp thời cho ra mắt tập sách phục vụ bạn đọc trong và ngoài nước đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội, Thủ đô nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam anh hùng .

  

Hà Nội tháng 12 năm 2012
Đỗ Nam Trung.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm