Vụ người mẫu tố hoạ sĩ body painting cưỡng hiếp ở TP.HCM:
“Hành vi đó là của kẻ tà dâm chứ không phải của họa sĩ chân chính”
(Dân trí) - Đó là quan điểm của hoạ sĩ Bùi Trọng Dư về việc người mẫu Nguyễn Thị Kim Phượng tố bị một hoạ sĩ vẽ body painting ở TP.HCM cưỡng hiếp tại nhà nghỉ khi mời cô làm mẫu.
Mấy ngày qua, sự việc người mẫu Nguyễn Thị Kim Phượng làm đơn tố giác một nam hoạ sĩ tên N.L có hành vi cưỡng hiếp cô tại một nhà nghỉ khi mời cô hợp tác làm mẫu body painting đã khiến dư luận bàn tán khá nhiều.
Phía cơ quan công an Quận 10 – TP.HCM đã tiếp nhận đơn tố giác và đưa người mẫu này đi khám nghiệm tại trung tâm pháp y TP. HCM ngay trong ngày nhận đơn. Sau khi sự việc xảy ra, phía hoạ sĩ N.L đã đóng trang cá nhân. Liên lạc trực tiếp, anh chỉ trả lời: “Đây mới chỉ là thông tin một chiều, mọi việc cứ để cơ quan chức năng làm rõ”.
Hoạ sĩ Bùi Trọng Dư cho rằng, với tư cách cá nhân, anh cực lực phản đối hành vi của hoạ sĩ cưỡng hiếp người mẫu. Nó đã làm ảnh hưởng không tốt tới toàn giới hoạ sĩ.
“Tôi xem đó là hành vi đó của một kẻ tà dâm chứ không phải của một họa sĩ chân chính. Kẻ đó đã mượn danh nghệ thuật để làm chuyện đồi bại. 20 năm trước đã từng có một vụ tương tự và giới hoạ sĩ đã bị ảnh hưởng rất nặng nề về chuyện này. Tất cả mọi người trong giới đều hết sức phản đối hành vi đó”, hoạ sĩ Bùi Trọng Dư nói.
Theo hoạ sĩ Bùi Trọng Dư, vẽ body painting là thường vẽ trên thân thể người nên có sự tiếp xúc da thịt. Có lẽ vì thế mà dễ làm nảy sinh tình cảm. Các hoạ sĩ thường vẽ trên toan, vóc, giấy… nên có một khoảng cách nhất định. Nhưng vì thế mà người họa sĩ vẽ Body Painting cần phải có đạo đức và cái tâm của người làm nghề.
“Tôi nghĩ, những người có tính tà dâm luôn có xu hướng đó, không kể là vẽ body hay vẽ các chất liệu khác. Việc đối diện với người mẫu khoả thân thì tất cả các hoạ sĩ đều trải qua suốt quá trình học mỹ thuật ở trường Đại học. Chúng tôi luôn được dạy phải quý trọng người mẫu như: cô, chị, em… mình.
Đạo đức và phẩm cách của một con người được hình thành từ gia đình, nhà trường và sự tu dưỡng của bản thân. Nếu không có đạo đức và phẩm cách thì khó làm nghề lắm”, hoạ sĩ Bùi Trọng Dư nhấn mạnh.
Hoạ sĩ Phương Vũ Mạnh (một trong những hoạ sĩ vẽ body painting đầu tiên ở Hà Nội) cho rằng, câu chuyện người mẫu K.P tố hoạ sĩ N.L hiếp dâm chưa thực sáng rõ trắng đen nên anh không muốn phát ngôn gì quá cụ thể. Tuy nhiên, theo nam hoạ sĩ này thì từ trước tới nay, trong giới hoạ sĩ vẽ Body Painting chưa hề xảy ra câu chuyện nào ầm ĩ và tai tiếng như câu chuyện này. Vì lẽ đó, khi sự việc xảy ra, thông tin lan truyền trên mạng xã hội lẫn các phương tiện truyền thông đã làm ảnh hưởng không ít đến giới hoạ sĩ lẫn giới người mẫu Body Painting.
“Tôi nghĩ, sự việc này sẽ làm cho người mẫu chưa làm nghề lâu trở nên e ngại khi nhận lời làm mẫu. Cá nhân hoạ sĩ cũng mang tiếng xấu hoặc bị nhìn với cái nhìn không được tích cực. Thậm chí, có thể khi hoạ sĩ mời người mẫu đến làm việc sẽ rất khó khăn. Cá nhân tôi từ trước tới nay, khi làm việc với người mẫu, không bao giờ được phép để những tình cảm cá nhân xen vào. Tôi luôn xem việc vẽ trên cơ thể mẫu là một công việc chuyên nghiệp. Mọi hành vi khác đều được xem là thiếu chuẩn mực và không được phép, kể cả thân thiết tới mức nào”, hoạ sĩ Phương Vũ Mạnh bày tỏ.
Theo hoạ sĩ Phương Vũ Mạnh, việc một hoạ sĩ body painting vì không tìm được studio hoặc không có phòng vẽ riêng nên đưa người mẫu vào nhà nghỉ vẽ vẫn có thể chấp nhận được. Vì suy cho cùng, nhà nghỉ cũng là một không gian riêng tư có thể giúp họ thoải mái sáng tạo và người mẫu có đồng ý họ mới dám đưa vào đó. Nhưng nếu người hoạ sĩ đưa người mẫu vào đó không hẳn vì mục đích sáng tạo nghệ thuật mà vì mục đích khác thì đáng lên án.
“Chuyện nảy sinh cảm xúc giữa người hoạ sĩ với người mẫu sau khi đã hoàn tất công việc là chuyện bình thường. Nhưng nếu đang làm việc thì buộc phải biết kiềm chế cảm xúc lại. Thêm nữa, làm nghề gì cũng cần phải có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp. Không thể dễ dãi với bản thân rồi đổ lí do này, lí do kia.
Từ trước tới nay, tôi đã làm việc với rất nhiều người mẫu nhưng chưa bao giờ tôi cho phép mình đặt con người cá nhân vào công việc. Vì lẽ đó, có những người mẫu xem tôi như một người anh kết nghĩa, cần hỗ trợ gì chỉ cần “ới” một tiếng là họ đến liền. Thậm chí, có những người giúp hoàn toàn vô tư, không nhận thù lao làm mẫu”, hoạ sĩ Phương Vũ Mạnh nói thêm.
Trong khi đó, hoạ sĩ Nguyễn Đình Hợp chia sẻ: “Những hoạ sĩ chuyên nghiệp chắc chắn không thể có chuyện hiếp dâm người mẫu. Đây là những điều tôi khẳng định luôn, không chỉ bây giờ mà cả sau này. Bởi lẽ, đã gắn với sự chuyên nghiệp trong giới hội họa không phải chuyện đùa.
Một khi họa sĩ đã bỏ tiền ra để thuê người mẫu thường họ tận dụng từng giây từng phút, hơi sức đâu để ve vãn, cò cưa rồi hiếp dâm. Còn cảm xúc với nữ người mẫu đương nhiên là có thật, thậm trí rung rinh với cô mẫu đó cũng có thật nốt. Nhưng các anh bạn giả vờ là họa sĩ hãy tin đi, khi coi người mẫu cởi bỏ quần áo ra, ngay tức khắc sẽ có cảm xúc khác xâm lấn. Nó như luồng năng lượng thôi thúc họa sĩ vẽ, vẽ và vẽ. Còn những anh giả vờ là họa sĩ thì nhiều vô kể, chả riêng anh cái anh N.L đâu.
Sự mượn danh là có thật, tìm cơ hội để tiếp xúc người mẫu là có thật nhưng vĩnh viễn anh ta chỉ là họa sĩ giả vờ mà thôi. Kể cũng lạ, những anh cả đời vẽ vài bức tranh tường ba lăng nhăng cũng đương nhiên là họa sĩ?”.
Hà Tùng Long