Hàng nghìn người tham gia lễ rước hòn đá “vía”
(Dân trí) - Hàng năm, vào đầu mùa xuân, người dân trên địa bàn huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa) và du khách khắp nơi lại nô nức về xã Sơn Thủy để tham gia lễ hội Mường Xia và nghi lễ rước hòn đá “vía”.
Mường Xia - Mường Chu Sàn bao gồm hai xã Sơn Thủy, Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa). Tương truyền, ngày trước, cuộc sống của người dân đang êm đềm, bỗng Tạo Mường Chu Sàn qua đời, để lại người vợ trẻ và hai đứa con trai thơ. Một thời gian sau, người vợ kết đôi cùng với thầy đồ (Kéo Sày - một thầy đồ về dạy chữ cho con) và sinh được một con trai.
Gia đình đang đầm ấm, họ đột ngột về với Mường trời, để lại 3 người con cùng mẹ khác cha. Một ngày nọ, bỗng vang lên tiếng nói như “sấm truyền”: Nếu ai bắn rơi diều hâu sẽ được làm Tạo Mường Chu Sàn.
Sau khi bắn rơi diều hâu, người em út lên làm Tạo Mường, mâu thuẫn giữa 3 anh em bắt đầu nổ ra. Hai người anh đã rủ bà con bỏ Mường Chu Sàn sang các Mường khác. Từ đó, tên Mường Chu Sàn không còn nữa, mà được đổi bằng cái tên mới là Mường Xia (theo tiếng Thái là Mường mất).
Nghi lễ rước hòn đá vía về đền thờ Tư Mã Hai Đào.
Theo một số tài liệu nghiên cứu, Tư Mã Hai Đào là người Mường Đào - Mường Khô xưa (thuộc huyện Bá Thước ngày nay). Ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Ngay từ bé, Hai Đào đã rất giỏi chơi cù, đánh đu và luyện kiếm. Lớn lên, ông có thân hình cao to khỏe mạnh, tinh thông võ nghệ...
Nghe tin triều đình mở hội đấu võ chiêu mộ anh tài, phò vua diệt giặc ngoại xâm, Hai Đào lập tức xuôi về kinh kỳ dâng sớ tấu trình, xin được tham gia hội đấu võ. Trong võ đài năm ấy, Hai Đào đã thắng tuyệt đối các đối thủ khác và lọt vào mắt xanh của công chúa, được nhà vua tác thành.
Hòn đá vía sau khi đào lên được gội rửa sạch sẽ.
Vào thế kỷ XVII, vùng biên giới bị giặc ngoại xâm rình rập, đánh chiếm liên miên. Phò mã Hai Đào được vua cha cho cầm quân dẹp giặc, giữ vững biên cương. Hai Đào đã được Vua phong chức Tư mã Biên cương (tương đương Tư lệnh Biên phòng ngày nay).
Tư Mã Hai Đào đã chọn Mường Xia để xây dựng thủ phủ sinh sống. Từ đây, Mường Xia phát triển phồn thịnh, những người trước đây bỏ Mường đi lần lượt kéo về.
Khi vị tướng tài qua đời, người dân Mường Xia đã gửi “vía” vào một hòn đá, để cầu mong Tư Mã bảo vệ cho cả dân làng. Ngày nay, hòn đá vía vẫn nằm nguyên tại vị trí ở bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy, cạnh nền nhà của Tư Mã Hai Đào.
Người Mường Xia coi hòn đá vía như một báu vật, biết giữ hồn cho bản làng và nó có thể đánh đuổi được tà ma, bệnh tật.
Hàng năm, cứ vào mùa xuân, người dân xã Sơn Thủy lại tổ chức lễ hội Mường Xia để cầu mong no ấm, cuộc sống an lành, một năm thịnh vượng, mùa màng tốt tươi, con người và vạn vật sinh sôi, nảy nở.
Tại đây, hòn đá vía sau khi đào lên sẽ được rửa sạch sẽ, dùng tấm vải đỏ bọc lại cẩn thận đặt lên kiệu Long Đình do 9 chàng trai chưa vợ và 9 cô gái chưa chồng mang trang phục dân tộc rước về đền thờ tướng quân Hai Đào tế lễ. Sau khi kết thúc lễ hội, 9 đôi nam thanh, nữ tú này lại khiêng hòn đá vía về chôn ở vị trí cũ...
Lễ hội Mường Xia năm 2019 diễn ra từ ngày 14 - 16/3 (tức ngày 9 - 11 tháng 2 âm lịch), tại xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn. Các nghi lễ văn hóa tâm linh và các hoạt động văn hóa thể thao, trò chơi dân gian, thu hút người dân từ các bản làng xa xôi trong huyện và du khách khắp nơi về tham gia.
Những ngày đầu xuân, khi mùa màng đã được cấy xong, núi rừng Sơn Thủy lại vang lên tiếng khèn, tiếng trống, tiếng cồng chiêng cùng những điệu múa hay trò chơi, trò diễn dân gian và những câu khặp nghĩa tình, bên những màn khua luống rộn ràng...
Duy Tuyên