Hàng ngàn người phấn khởi đón nhận bằng Di tích lịch sử Đền Choọng
(Dân trí) - Ngày 30/7, hàng ngàn người dân là đồng bào các dân tộc Thái, Thổ, Kinh... ở huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An) đã đổ về xã Châu Lý để cùng đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Đền Choọng.
Đoàn rước Bằng xếp hạng bắt đầu từ trụ sở UBND huyện Quỳ Hợp đã long trọng tiến về khu vực Mường Choọng (xã Châu Lý) với quãng đường dài hơn 15km. Tham dự đoàn rước có lãnh đạo Ban Dân tộc Nghệ An, Sở VH-TT-DL và UBND huyện Quỳ Hợp cùng rất đông người dân, các doanh nghiệp và những nhà hảo tâm đóng góp công sức phục dựng Đền Choọng.
Đền Choọng được xây dựng từ thời Hậu Lê - thế kỷ XV, hiện nằm trên địa phận bản Choọng thuộc xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Căn cứ vào phong tục, tập quán, lễ hội, các cổ vật còn lưu giữ, việc bài trí thờ phụng tại di tích cũng như các tài liệu, địa danh liên quan (truyện kể dân gian, văn cúng, câu đối, tên núi, tên sông...) cho thấy Đền Choọng được lập để thờ Nang Phốm Hóm (tiếng Thái nghĩa là Nàng tóc thơm) - người có công lớn giúp nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh ở thế kỷ XV.
Lịch sử đã minh chứng, mảnh đất Mường Choọng có một vai trò rất đặc biệt trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, vùng đất này là nơi nghĩa quân lưu lại để tuyển quân, gom góp lương thực phục vụ cho chuỗi trận đánh chống quân Minh trên miền tây Nghệ An.
Có thể hình dung chính trong quá trình lưu lại nơi này (vào khoảng năm 1425), một tướng tài của nghĩa quân đã đem lòng yêu thương và hẹn thề nên duyên chồng vợ cùng một người con gái dân tộc Thái đẹp người, đẹp nết trong vùng. Người con gái ấy đã được nghĩa quân tin cậy giao phó đảm trách sứ mệnh chỉ huy việc gom góp lương thực nuôi quân.
Người con gái ấy chính là Nang Phốm Hóm. Như hội tụ khí thiêng đất trời, ngay từ lúc sinh ra Nàng (Nang Phốm Hóm) đã có được nét thông minh, lanh lợi khác người, đặc biệt là mái tóc nàng luôn thoang thoảng hương thơm hoa rừng. Nàng đi tới đâu là mang theo may mắn và niềm vui tới đó. Không quản ngại vất vả, Nàng đã đến từng nhà hướng dẫn bà con trong vùng làm ra thật nhiều lúa gạo, dệt nên nhiều tấm vải phục vụ nghĩa quân kháng chiến trường kỳ.
Tướng quân cùng nghĩa quân chinh chiến dặm trường, hết đánh trận Trà Lân, đến trận Độ Gia, giải phóng miền Tây rồi giải phóng cả vùng Hoan Châu rộng lớn…Dõi theo tin thắng trận của nghĩa quân, Nàng cùng dân bản càng ra sức cấy trồng, ươm tơ dệt vải làm tròn vai trò miền hậu phương lớn.
Chiều chiều sau khi cắt đặt công việc xong xuôi Nàng thường ra bến nước ven dòng Nậm Choọng để gội đầu. Một buổi chiều nọ trong nỗi nhớ mong tướng quân đang dọc ngang trên chiến trận, lúc gội đầu nàng đã thẫn thờ vô ý làm rơi chiếc lược, với tay vớt lược và bị nước cuốn xuống vực sâu…
Nhận được tin nàng mất, tướng quân cùng binh lính tức tốc tìm về. Trong nỗi xót thương đến tột cùng, tướng quân cùng binh lính và người dân Mường Choọng ngày đêm ra sức tìm Nàng. Nhưng vực nước quá sâu, đất ven dòng Nậm Choọng đào lên chất thành núi mà chẳng thấy Nàng đâu, chỉ thấy những sợi tóc thơm như hồn thiêng của Nàng còn đọng lại.
Thương nhớ Nàng, người dân Mường Choọng đã lập đền thờ Nàng ngay trên đồi đất mà trong quá trình tìm kiếm Nàng đã bồi đắp nên - Ngôi đền ấy có tên Đền Choọng. Tự trong tâm thức của người dân Mường Choọng, Nang Phốm Hóm là hiện thân nét đẹp về công- dung- ngôn- hạnh của người con gái Thái, là biểu tượng kết tinh từ tình đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc anh em miền Tây xứ Nghệ.
Tự bao giờ, Nang Phốm Hóm như sứ giả văn hóa gắn kết các nền văn hóa Kinh - Thái cùng cộng đồng các dân tộc anh em miền Tây xứ Nghệ xích lại gần nhau. Có lẽ vì thế mà các nghi thức tế lễ, hội hè, kiến trúc, tế khí... của đền Choọng xưa đều mang nét bản sắc riêng có. Thể hiện sâu sắc nhất của sự giao thoa văn hóa là chính lễ Đám Lục Ngoạt.
Trong Đám Lục Ngoạt, vừa có lễ rước thần, vừa có lễ tế thần, có hát chúc thần, đọc chúc văn, có các phường trò về biểu diễn mang đậm dấu ấn văn hóa, phong tục người Kinh. Đồng thời, lễ này cũng mang đậm bản sắc văn hóa của Mường Choọng như trang phục truyền thống, những điệu lăm, điệu xuối, tiếng cồng chiêng, tiếng khắc luống... ngân vang hay các trò chơi dân gian như ném còn, bắn cung nỏ...
Ông Cao Văn Thái, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã Châu Lý cho biết: “Đây là một lễ hội rất đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái ở Mường Choọng, không hoàn toàn Kinh hóa nhưng cũng không giống lễ hội của những vùng Thái khác như lễ hội đền Chín Gian, Pu Nhạ Thầu, Hang Bua... Tôi cho rằng đó là sự giao thoa, hài hòa giữa văn hóa Kinh và Thái, giữa miền ngược và miền xuôi, tiếp thu nhưng đồng thời cũng bảo lưu bản sắc truyền thống của mường bản”.
Trải qua hàng trăm năm, ngôi đền đã bị xuống cấp theo thời gian. Đến đầu năm 2014, UBND huyện Quỳ Hợp đã quyết định phục dừng ngôi đền và kêu gọi sự đóng góp của các doanh nghiệp địa phương và các nhà hảo tâm. Chỉ trong thời gian ngắn, nhờ sự ủng hộ của các doanh nghiệp và nhân dân, ngôi đền đã được phục dựng lại khang trang trên ngọn đồi Pu Đên, trung tâm Mường Choọng.
Đến ngày 16/7 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã chính thức công nhận xếp hạng đền Choọng là Di tích lịch sử cấp tỉnh trong niềm vui của lãnh đạo và hàng vạn người dân địa phương.
Phát biểu tại lễ đón nhận bằng xếp hạng, bà Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp khẳng định việc Đền Choọng được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh là sự kiện văn hóa lớn của người dân địa phương. Ngôi đền là minh chứng sâu sắc cho tinh thần yêu nước bất khuất chống ngoại xâm của người dân Mường Choọng, mảnh đất địa linh, nơi sơn quần thủy tụ.
“Trong tâm niệm của người Thái ở Mường Choọng, anh linh của Nang Phốm Hóm luôn dõi theo và bảo hộ cho bản mường. Vì vậy, đền Choọng luôn là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân Mường Chọong xưa và Châu Lý nay, phục vụ nhu cầu thăm viếng, tưởng niệm người có công với quê hương, đất nước. Đặc biệt, đây là một di tích có sự giao thoa văn hóa Kinh - Thái. Nang Phốm Hóm như một sứ giả văn hóa, kéo hai nền văn hóa Kinh - Thái xích lại gần nhau hơn.
Nang Phốm Hóm còn là biểu tượng cao đẹp của người phụ nữ Thái đầy đủ “công dung ngôn hạnh”, chịu thương chịu khó, biết hi sinh cho quê hương, đất nước”, bà Sinh nhấn mạnh.
Cũng tại buổi đón nhận, lãnh đạo huyện Quỳ Hợp khẳng định sẽ tiếp tục quy hoạch, khoanh vùng di tích; phục dựng lại Hạ Điện và am thờ Pa Thai... Cùng với đó là nỗ lực tuyên truyền cho bà con các dân tộc về ý nghĩa lịch sử đền Choọng, để biến di tích thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc ở vùng Tây xứ Nghệ.
Một số hình ảnh hàng ngàn người, gần cả trăm ô tô rước bằng Di tích lịch sử Đền Choọng do PV Dân trí ghi lại:
Rước bằng Di tích lịch sử Đền Choọng vào đền.
Nguyễn Phê