Nghệ An:
Hàng ngàn người đội mưa khai hội đền Đức Hoàng
(Dân trí) - Từ ngày 30/1 và 1/2 (Âm lịch), tại huyện lúa Yên Thành, Nghệ An đã diễn ra lễ hội đền Đức Hoàng. Lễ hội nhằm nhớ công lao của Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn và để cầu tài, cầu lộc và bình an cho một năm.
Đền Đức Hoàng (xã Phúc Thành, huyện Yên Thành) được xây dựng trên vị trí đắc địa, có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Đền được ví là một trong “Đông Thành bát cảnh” (tám cảnh đẹp nhất đất Đông Thành) bởi phong thủy uy nghi, cổ kính bao quanh. Đền được Bộ Văn hóa - Thể thao xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia năm 1998.
Hàng năm, Lễ hội Đền Đức Hoàng được tổ chức vào ngày 30/1 và ngày 1/2 (Âm lịch) nhằm có ý nghĩa giáo dục các thế hệ luôn giữ truyền thống uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ công ơn của Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn và các vị thần linh có công báo quốc hộ dân.
Lịch sử ghi lại, đền Đức Hoàng được xây dựng từ thời nhà Trần, đền thờ Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn (ông sinh ngày 15/4/1254) trong một gia đình chài lưới ở thôn Vạn Phần, huyện Đông Thành - nay là xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, Nghệ An.
Tương truyền, Hoàng Tá Thốn vốn là một chàng trai thông minh, tuấn tú, có tài bơi lội. Khi nước nhà bị quân Nguyên Mông xâm lược, Hoàng Tá Thốn nghe theo tiếng gọi của triều đình lên đường đi đánh giặc. Ông đã được tiến cử lên gặp Hưng Đạo Vương và được Hưng Đạo Vương truyền cho vào đội quân thủy thiện chiến và còn chiêu ông về làm nội gia đồng tử và huấn luyện thêm về binh thư, binh pháp.
Vào cuối năm 1287, khi giặc Nguyên Mông trở lại mở cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ 3, Hoàng Tá Thốn được giao thống lĩnh hàng vạn thủy binh và tàu thuyền. Nhờ sử dụng chiến thuật tài tình, ông đã chỉ huy đội quân phục kích đánh tan quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng. Với chiến tích lẫy lừng đó, ông được nhà Vua phong “Sát Hải chàng lai Đại tướng quân” và giao nhiệm vụ thống lĩnh quân đội phòng giữ vùng duyên hải.
Thế nhưng, trong một lần đi tuần thủ đường biển Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hóa, không may ông bị lâm bệnh rồi đột ngột qua đời. Triều đình sau khi nghe tin đã vô cùng thương tiếc, cho thuyền rồng chở linh cữu ông về an táng và lập đền thờ tại quê nhà; đồng thời truy phong cho ông tước hiệu “Sát Hải Đại tướng quân Thiên Bồng Nguyên soái chi thần” và ra sắc lệnh cho nhiều địa phương cùng lập đền thờ ông.
Nhằm phát huy giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng miền nên lễ hội đền Đức Hoàng đã được UBND huyện Yên Thành tổ chức khá long trọng và có sự tham dự của hàng ngàn người dân quê lúa. Hầu hết, người dân đến với lễ hội đền Đức Hoàng là để cầu bình an, làm ăn được gặp nhiều may mắn, cho con cái được học hành giỏi hơn…
Dưới đây là một số hình ảnh do PV Dân trí ghi lại:
Nguyễn Tú