Hàng loạt nghệ sĩ Việt gây sốc dư luận khi livestream “cầu cứu”
(Dân trí) - Sau diễn viên Chu Hùng, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, hoa hậu Nam Em…, vợ nghệ sĩ Xuân Bắc cũng livestream khóc “cầu cứu” khi “bị dồn nén, phải chịu đựng sự uất ức quá lâu”...
Sau Chu Hùng, Đàm Vĩnh Hưng..., vợ Xuân Bắc cũng livestream kể khổ
Dư luận đang xôn xao trước thông tin chị Nguyễn Hồng Nhung, giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội, cũng là vợ của NSƯT Xuân Bắc quay video trực tuyến kể về việc mình bị chèn ép trong công việc. Không chỉ khiến nhiều người ngạc nhiên vì lần đầu tiên người nhà Xuân Bắc công khai tố khổ trên mạng xã hội mà hình ảnh gầy gò, suy sụp, liên tục khóc lóc của chị Hồng Nhung cũng khiến nhiều người hoảng hốt.
Theo lời chị Hồng Nhung chia sẻ, nỗi bức xúc của chị đến từ việc bị chèn ép trong công việc giảng dạy. Chị cũng thể hiện sự bất bình với sự can thiệp của một “cộng tác viên”- là một NSND, đang làm cùng cơ quan với chồng chị.
Trước bà xã của Xuân Bắc, nhiều nghệ sĩ Việt khác cũng lựa chọn lên trang cá nhân để livestream kể khổ, thanh minh, thậm chí “cầu cứu” về những việc liên quan đến công việc, bạn bè và gia đình…
Tháng 7 vừa rồi, nghệ sĩ Chu Hùng, người được chú ý với vai diễn “Thế Chột” của phim “Người phán xử” cũng dùng hình thức livestream để kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ. Ông kể về cuộc sống khổ sở của gia đình khi không có điện nước trong 5 năm.
Theo nghệ sĩ Chu Hùng, cách đây 5 năm gia đình ông có nhu cầu sửa lại nhà và bị phường cho rằng vi phạm về vấn đề điện nước nên… ngừng cấp điện nước cho gia đình ông. “Vì quá bức xúc nên tôi đưa vấn đề này lên mạng xã hội”, nghệ sĩ Chu Hùng chia sẻ. Ngay sau khi livestream trên mạng xã hội, gia đình ông đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và cũng nhanh chóng được cấp lại điện nước.
Gây sốc dư luận nhất vẫn phải kể đến trường hợp của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Vào thời điểm cuối năm 2016, nam ca sĩ đã livestream khóc lóc kể về việc phải gánh món nợ 20 tỷ đồng của mẹ ruột. Anh nói, nhiều năm nay anh phải làm việc không ngừng nghỉ vì áp lực món nợ khổng lồ của người thân trên vai. Và việc anh kể chuyện gia đình “vạch áo cho người xem lưng” là sự cực chẳng đã. Vượt qua mặc cảm, anh dám chia sẻ với hi vọng, những kẻ xấu đừng lợi dụng cho mẹ anh vay tiền thêm nữa, cũng như những người quen biết anh biết chuyện mà không bị lợi dụng nữa.
Không chỉ vợ Xuân Bắc, diễn viên Chu Hùng, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, rất nhiều nghệ sĩ, người đẹp Việt khác như chồng diễn viên Phi Thanh Vân, ca sĩ Minh Hằng, hoa hậu Nam Em… cũng chọn cách quay video trực tuyến chia sẻ nỗi niềm, tố khổ, thậm chí trách móc, chỉ trích người khác.
Góc nhìn khác về trào lưu nghệ sĩ livestream...
Trao đổi với phóng viên Dân trí xoay quanh việc ngày càng có nhiều nghệ sĩ sử dụng mạng xã hội, lên trang cá nhân quya video trực tuyến như một xu hướng, “cách giải quyết tốt nhất”; Tiến sĩ Vũ Việt Anh, chuyên gia giáo dục thẳng thắn đưa ra góc nhìn riêng.
“Việc livestream đã không còn là điều xa lạ với các nghệ sĩ Việt, thậm chí trở thành xu hướng, trào lưu trong thời đại công nghệ. Từ quảng cáo sản phẩm, giao lưu với người hâm mộ đến những mẩu chuyện đời thường tới việc thể hiện sự bức xúc, tố nhau đều được nghệ sĩ chọn hình thức livestream.
Các nghệ sĩ lựa chọn chia sẻ, thể hiện sự bức xúc, tố khổ, thậm chí chỉ trích qua livestream như một cách thông báo công khai, trực diện và có sức lan tỏa nhanh nhất. Vì bây giờ, có trang cá nhân của nghệ sĩ lượng người theo dõi chẳng kém một trang tin điện tử. Về mặt hiệu quả, bắt kịp xu hướng và không tốn kém thì đây là lựa chọn tất yếu”, Tiến sĩ Vũ Việt Anh nói.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Vũ Việt Anh việc sử dụng mạng xã hội, hay lựa chọn hình thức livestream để thông báo mọi chuyện của nghệ sĩ Việt cũng phải cẩn trọng vì “mạng xã hội như con dao hai lưỡi”, nếu không thận trọng sẽ bị phản ứng ngược.
“Chỉ với một chia sẻ, một video trực tuyến, ngay lập tức hàng trăm ngàn người và hơn thế nữa có thể theo dõi, tiếp nhận thông tin. Nếu thông tin chuẩn xác, tích cực thì nhận được hiệu ứng tốt. Ngược lại, người đăng tải thông tin một chiều, có mục đích bôi nhọ, bêu xấu người khác thì hậu quả khôn lường”, Tiến sĩ Vũ Việt Anh bày tỏ.
Theo anh, trong sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội mà pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định cụ thể về những “tự do ngôn luận trên mạng xã hội” thì những người tiếp nhận thông tin hãy cố gắng là những người tỉnh táo, tiếp nhận một cách bình tĩnh, đa chiều hơn…
Nguyễn Hằng