Bắc Ninh:

Hai di tích mới được Đón nhận bằng xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt

(Dân trí) - Tối 7/3, tại Bắc Ninh đã diễn ra chương trình “Về miền Quan họ năm 2015” và Lễ đón nhận Bằng di tích Quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ, đền thờ các vị vua triều Lý (TX Từ Sơn) và Di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật Chùa Phật Tích (huyện Tiên Du).

Tham dự chương trình có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và đông đảo nhân dân.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Bằng xếp hạng công nhận di tích Quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích, lưu niệm các vị vua nhà Lý và Di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật Chùa Phật Tích cho tỉnh Bắc Ninh.

Hai di tích mới được Đón nhận bằng xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt
Chương trình “Về miền Quan họ năm 2015” và Lễ đón nhận Bằng di tích Quốc gia đặc biệt cho hai di tích tại Bắc Ninh.

Kéo dài 216 năm (từ 1009 - 1225) và trải qua 9 đời vua, nhà Lý là triều đại đã có công khai sáng Thăng Long, mở mang nền văn minh Đại Việt.

Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn nổi bật với khu di tích Đền Đô. Đây được coi là Thái Miếu nhà Lý do Lý Thái Tổ khởi dựng, là ngôi đền trung tâm của cả nước.

Ngoài đền Đô, còn có khu Thọ lăng Thiên Đức nằm ở phía đông làng Đình Bảng bao gồm hệ thống các lăng mộ vua nhà Lý. Ngoài ra, còn có lăng thánh mẫu Phạm Thị, còn gọi là lăng Phát Tích, lăng Nguyên Phi Ỷ Lan gọi là lăng Nương Dâu.

Di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật Chùa Phật Tích có tên chữ là “Vạn Phúc tự”, tọa lạc tại sườn phía Nam núi Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du), nổi tiếng là đại danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp. Được khởi dựng vào thời vua Lý Nhân Tông, chùa Phật tích được coi là trung tâm Phật giáo lớn của nước ta, chùa đều được trùng tu, tôn tạo qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn.

Hai di tích mới được Đón nhận bằng xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt

Đến nay, dấu tích của ngôi chùa hàng nghìn năm vẫn còn nguyên vẻ đẹp của một đại danh lam với những lớp nền kè đá rộng lớn, hàng linh thú uy nghi chầu phục và đặc biệt là tượng Phật A Di Đà bằng đá thời Lý.

Chương trình “Về miền Quan họ năm 2015” với chủ đề “Bên dòng Tiêu Tương” còn diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc với ba phần: Ký ức vàng son - vi diệu và mãnh liệt; Dấu tích những cuộc tình trên đôi bờ thực - ảo  và Tiêu Tương hồi xuân giữa miền quan họ, mang đậm dấu ấn vùng đất Kinh Bắc văn hiến.

Với sự tham gia của khoảng 150 diễn viên múa, 10 ca sĩ, 20 diễn viên sân khấu, 30 diễn viên đồng ca và 200 diễn viên quần chúng, “Về miền Quan họ” đã mang đến cho khán giả một bữa tiệc, âm thanh, ánh sáng nghệ thuật độc đáo, đậm hồn quê hương.

Hai di tích mới được Đón nhận bằng xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt
Hai di tích mới được Đón nhận bằng xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt
“Về miền Quan họ 2015” đã mang đến cho khán giả một bữa tiệc âm thanh, ánh sáng nghệ thuật độc đáo, đậm hồn quê hương.

Các tiết mục nghệ thuật đã tái hiện và khẳng định giá trị lịch sử, huyền thoại, tín ngưỡng và tâm linh; tôn vinh kho tàng nghệ thuật đặc sắc, phong phú độc đáo và giá trị cốt lõi của không gian quan họ nói riêng, vùng văn hóa Kinh Bắc - Bắc Ninh nói chung. Qua việc khắc họa chân dung những người phụ nữ Kinh Bắc huyền thoại như Nguyên phi Ỷ Lan, Phật mẫu Man Nương, bà Chúa Kho…, chương trình đã cắt nghĩa về nguồn cội và sắc thái thờ Mẫu trên đất Kinh Bắc.

“Về miền quan họ” được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh giá trị nghệ thuật văn hóa đặc sắc của Dân ca Quan họ Bắc Ninh, một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi hành động bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản Dân ca Quan họ mà tỉnh Bắc Ninh đã cam kết với UNESCO, được tổ chức hàng năm kể từ sau khi Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại vào ngày 30/9/2009.

Đoàn Cường