Hà Nội tổ chức loạt sự kiện văn hoá hướng tới Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam

(Dân trí) - Hàng loạt sự kiện giới thiệu những nét tinh hoa văn hoá truyền thống độc đáo sẽ được tổ chức để hướng tới Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam (23/11).

Vào chiều ngày 15/11, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Tư liệu linh vật Nghê Việt”. Triển lãm sẽ kéo dài từ ngày 15/11/2018 đến hết ngày 15/2/2019.

Theo BTC, triển lãm nhằm giới thiệu và quảng bá về nghê – linh vật rất quen thuộc, gần gũi với người Việt Nam, giúp phân biệt rõ hình tượng linh vật nghê của Việt Nam với các linh vật của nước ngoài. Đồng thời nâng cao nhận thức của xã hội trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản mỹ thuật truyền thống; lành mạnh môi trường thẩm mỹ của cộng đồng, giữ gìn truyền thống văn hóa và tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành.

Hình tượng linh vật nghê Việt được trưng bày tại triển lãm Tư liệu linh vật Nghê Việt. Ảnh: Tùng Long.
Hình tượng linh vật nghê Việt được trưng bày tại triển lãm "Tư liệu linh vật Nghê Việt". Ảnh: Tùng Long.

Triển lãm “Tư liệu linh vật Nghê Việt” trưng bày hơn 200 hình ảnh, tư liệu linh vật nghê theo các nội dung: Nguồn gốc - Đặc điểm tạo hình - Phân loại linh vật nghê Việt - So sánh linh vật nghê Việt với linh vật một số quốc gia; Nghê chốn chùa chiền; Nghê chốn cung vua, phủ chúa; Nghê chốn lăng tẩm, đền miếu; Nghê tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Nghê chốn đình làng và các hiện vật bảo tàng và một số phiên bản tượng linh vật nghê thế kỷ XVII tại Di tích Quốc gia đặc biệt đền Vua Đinh Tiên Hoàng (Hoa Lư, Ninh Bình).

“Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam được tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Triển lãm là kết quả của sự phối hợp giữa nhiều tổ chức, cá nhân – những người luôn nặng lòng với những giá trị di sản của dân tộc. BTC mong muốn, sự kiện này cùng với nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh ngày Di sản văn hóa Việt Nam, những giá trị tốt đẹp của cha ông luôn được gìn giữ, tiếp nối, là mạch nguồn nuôi dưỡng tình yêu, sự trân quý với văn hóa dân tộc”, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ.

BQL Phố cổ Hà Nội cũng phối hợp cùng các tổ chức - cá nhân, tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 với chủ đề “Nét xưa”. Thời gian khai mạc vào 19h30 ngày 23/11 tại TT Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội.

Vào hồi 14h ngày 18/11 tại địa điểm này sẽ diễn ra sự kiện tọa đàm và trình diễn nghệ thuật Hát Xẩm. Sự kiện này hội tụ các CLB Hát Xẩm đến từ các địa phương: Hà Nội, Ninh Bình, Hải phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa... Có sự tham dự của các nghệ sỹ, nghệ nhân gạo cội của nghệ thuật hát Xẩm.

Tại sự kiện này, lịch sử phát triển nghệ thuật hát xẩm, những đặc điểm của nghệ thuật hát xẩm, những vấn đề về bảo tồn nghệ thuật hát xẩm sẽ được các nghệ sĩ, nghệ nhân, các nhà nghiên cứu và công chúng cùng trao đổi. Nhiều bài hát xẩm đặc sắc sẽ được biểu diễn tại chương trình này.

Vào hồi 14h ngày 18/11 tại địa điểm này sẽ diễn ra sự kiện tọa đàm và trình diễn nghệ thuật Hát Xẩm.
Vào hồi 14h ngày 18/11 tại địa điểm này sẽ diễn ra sự kiện tọa đàm và trình diễn nghệ thuật Hát Xẩm.

Trong khuôn khổ sự kiện, từ ngày 23/11 đến 2/12 sẽ có phần giới thiệu, trình diễn trang phục áo dài và giao lưu âm nhạc truyền thống giữa hai miền Bắc – Trung với chủ đề: “Hương sắc Cố đô”.

Từ ngày 23/11 - 2/12, tại tầng 1 - Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội còn có trưng bày hiện vật giới thiệu về mỹ thuật Huế, y phục xưa, một số hiện vật cổ có những nét đặc trưng và phong cách Huế và nhạc cụ Cung đình Huế, Nhạc khí Nhã nhạc Cung đình Huế.

Ngày 23/11, tại tuyến phố đi bộ Đào Duy Từ sẽ giới thiệu trình diễn giao lưu trang phục áo dài và âm nhạc truyền thống hai miền Bắc – Trung.

Ngày 24/11, tại tầng 3 - Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội sẽ diễn ra chương trình đặc biệt chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam với chủ đề “Ai vô xứ Huế, Ai ra Bắc thành”.

Xứ Huế và Bắc Thành là hai trung tâm văn hóa của Việt Nam với những nền âm nhạc đặc trưng tiêu biểu. Huế là đất đế kinh của vương triều nhà Nguyễn, Bắc thành là tên gọi của đất Thăng Long, Đông Đô được đặt ra bởi Gia Long Hoàng Đế vào đầu thế kỷ 19. Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Bắc thành với sự kế thừa văn hóa của Thăng Long – Đông Đô có vốn cổ âm nhạc đa dạng với các lối hát cửa đình, hát tuồng bắc, hát chèo, hát chầu văn và hát xẩm.

Buổi trình diễn âm nhạc của hai miền đất văn hiến mang tựa đề “Ai vô xứ Huế, ai ra Bắc thành” là một món quà ý nghĩa nhân kỷ niệm 14 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam và cũng là 15 năm Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, nhằm giới thiệu tới khán giả Việt Nam và quốc tế những giá trị tinh hoa trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Câu chuyện âm nhạc của xứ Huế và Bắc thành sẽ được thể hiện bởi những bậc thầy ca nhạc hai miền: giọng ca Huế trữ tình, quyền quý của nghệ nhân Thanh Tâm cùng hòa quyện với giọng ca Bắc của NSND Thanh Hoài, tiếng hồ xẩm ấm áp của NSND Xuân Hoạch cùng vang vọng với giọng nhị Huế trầm tư của nghệ nhân Trần Thảo…

Đình Kim Ngân nơi sẽ diễn ra tọa đảm về Tổ nghề ở Việt Nam và triển lãm một số nghề truyền thống.
Đình Kim Ngân nơi sẽ diễn ra tọa đảm về Tổ nghề ở Việt Nam và triển lãm một số nghề truyền thống.

Các nghệ sĩ, nghệ nhân cổ nhạc nguyên gốc xứ Huế đến từ câu lạc bộ Nhã nhạc và ca Huế Phú Xuân, phần nhạc cổ đồng bằng Bắc Bộ sẽ được thể hiện bởi các nghệ sĩ, nghệ nhân của nhóm Đông Kinh cổ nhạc như: NSND Mẫn Thu, NSND Minh Gái, NSƯT Kiều Oanh, NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Hoài, NSND Mạnh Phóng, NSƯT Thúy Ngần, NSƯT Kim Liên với các bài tuồng bắc, ca trù, xẩm, chèo cổ, chầu văn.

Tọa đàm “Tục thờ Tổ nghề ở Việt Nam dưới góc nhìn đạo Hiếu” và triển lãm ảnh một số nghề truyền thống gắn với các Đình tổ Nghề trong khu phố cổ Hà Nội. Thời gian diễn ra tọa đàm vào 9h ngày 24/11 tại Đình Kim Ngân – 42 Hàng Bạc, Hà Nội.

Nhân dịp này, BQL Phố cổ Hà Nội phối hợp với nhà nghiên cứu trà Cao Sơn tổ chức hoạt động văn hóa với chủ đề: “Nét nhạc thanh trong lòng phố thị” giới thiệu tới du khách về các thú chơi tao nhã của người Hà Nội: thú chơi cây cảnh, thú chơi chim, văn hóa trà Việt. Thời gian từ ngày 23/11 đến 25/11tại Ngôi nhà di sản - 87 Mã Mây, Hà Nội.

Hà Tùng Long