Hà Nội: Nhiều hoạt văn hóa nghệ thuật chào mừng ngày lễ 30/4 và 1/5
(Dân trí) - Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội vừa hoàn thành kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn. Theo đó, dự kiến các đoàn nghệ thuật của Hà Nội sẽ thực hiện 30 buổi diễn trong hai ngày 30/4 và 1/5 tại 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội.
Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước (từ 30/4-1975 đến 30/4/2017) và 131 năm Ngày Quốc tế lao động (từ 1/5-1886 đến 1/5/2017), nhiều địa điểm tại Hà Nội sẽ đồng loạt diễn ra các chương trình văn hóa, nghệ thuật.
Chương trình “Bài ca hòa bình” tại Tượng đài vườn hoa Lý Thái Tổ
Chương trình nghệ thuật “Bài ca hòa bình” diễn ra tại Tượng đài vườn hoa Lý Thái Tổ vào tối ngày 29/4 là điểm nhấn trong loạt hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng ngày 30/4 và 1/5. Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi ở dòng nhạc nhẹ như: ca sĩ Tùng Dương, ca sĩ Lưu Hương Giang, ca sĩ Thu Minh, Noo Phước Thịnh…
Tuy mời những gương mặt của làng giải trí tham gia biểu diễn nhưng đơn vị tổ chức đã dàn dựng 14 tiết mục là những ca khúc cách mạng tiêu biểu và nổi tiếng. Khán giả sẽ được nghe Tùng Dương thể hiện “Đất nước trọn niềm vui”, “Tiếng đàn bầu”; Noo Phước Thịnh biểu diễn “Tự nguyện”, “Nhớ về Hà Nội”, “Tình ca”; nhóm Sgirl dịu dàng trong “Việt Nam trong tôi”, “Hãy yêu nhau đi”; Thu Minh sẽ tinh tế hơn trong “Hà Nội 12 mùa hoa”, “Thương ca tiếng Việt”…
Bên cạnh các hoạt động nghệ thuật, Hà Nội cũng tổ chức nhiều hoạt động khác như: trưng bày triển lãm chuyên đề ảnh tại di tích Nhà tù Hỏa Lò và nhà Bát giác (khu vực Tượng đài vườn hoa Lý Thái Tổ); Tổ chức chiếu phim phục vụ các tầng lóp nhân dân Thủ đô...
30 buổi diễn tại 30 quận huyện
Không chỉ có chương trình hoành tráng “Bài ca hòa bình” tại Tượng đài vườn hoa Lý Thái Tổ, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội vừa hoàn thành kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn. Theo đó, dự kiến các đoàn nghệ thuật của Hà Nội sẽ thực hiện 30 buổi diễn trong hai ngày 30/4 và 1/5 tại 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội.
Được biết,Nhà hát Cải lương Hà Nội chuẩn bị các tiết mục tân cổ, chùm hài kịch ngắn để biểu diễn tại quận Ba Đình; Nhà hát Chèo Hà Nội chuẩn bị các tiết mục dân ca, trích đoạn chèo biểu diễn tại quận Nam Từ Liêm và Đông Anh; Nhà hát kịch Hà Nội thì dọn “đặc sản” là chùm hài kịch gồm các tiểu phẩm “Thử thách”, “Ghen”, “Tình yêu lính đảo” để đến vùng ngoại thành Ba Vì, Phú Xuyên trình diễn… Bên cạnh đó, những đoàn nghệ thuật khác như: Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Trung tâm Văn hóa thành phố, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam chuẩn bị các ca khúc ca ngợi quê hương đất nước, Hà Nội và Bác Hồ.
Ngoài ra, hai đoàn nghệ thuật của tỉnh bạn cũng góp vui với sân khấu Thủ đô. Đoàn Cải lương Hải Phòng tham gia với vở diễn “Một giờ ở nhà hộ sinh”, chùm ca khúc tân cổ… biểu diễn tại quận Long Biên. Đoàn Cải lương Thái Bình dàn dựng trích đoạn “Hoa hậu dạy chồng”, “Nghêu sò ốc hến” và các bài hát tân cổ để phục vụ bà con ở huyện Đông Anh.
“Sắc màu các dân tộc Việt Nam”
Cũng trong dịp kỷ niệm này, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội tổ chức các hoạt động tháng 4 “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”. Trong đó nổi bật là "Tổ chức chợ vùng cao phía Bắc từ ngày 29/4 đến ngày 02/5".
Bên cạnh đó sẽ diễn ra một số lễ hội của đồng bào Mông (Sơn La), Tà Ôi (Thừa Thiên Huế), Cơ Tu (Quảng Nam)… như Lễ hội mừng cơm mới dân tộc Mông tỉnh Sơn La, Tái hiện Lễ gieo hạt (Apiero) dân tộc Tà Ôi tỉnh Thừa Thiên Huế, Tái hiện Lễ hội mừng cơm mới dân tộc Cơ Tu tỉnh Quảng Nam…
Nguyễn Hằng